Massive-Ordnance Penetrator (MOP) là loại bom phá boongke thông minh hạng nặng do Không quân Mỹ chế tạo nhằm phá hủy các cấu trúc dưới lòng đất. Washington tin rằng nó sẽ giúp tiêu diệt các địa điểm Iran đặt vũ khí hạt nhân, theo Telegraph. MOP có trọng lượng 13.608 kg, dài 6 m, có khả năng xuyên sâu tới 18 m bê tông và sau đó phát nổ ở độ sâu 60 m. Không quân Mỹ thử nghiệm MOP lần đầu vào năm 2007. Ảnh: Wikipedia
Tháng 1/2007, Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo SC-19 phá hủy một vệ tinh thời tiết, khiến các mảnh vỡ bay 800 km phía trên bề mặt trái đất. Động thái của Trung Quốc được cho là quân sự hóa không gian vũ trụ dù nước này luôn phủ nhận. Theo Business Insider, nếu các vệ tinh là mục tiêu quân sự hợp pháp, những cuộc tấn công có thể phá hủy toàn bộ quỹ đạo hoặc tạo ra phản ứng dây chuyền, hủy hoại thiết bị truyền thông thiết yếu, vệ tinh toàn cầu hay thiết bị định vị. Một cuộc chiến có thể nổ ra khi các quốc gia khác triển khai vũ khí tới không gian nhằm phá hủy những mục tiêu ở bề mặt trái đất. Năm 2010 và 2014, Bắc Kinh tiếp tục thử nghiệm SC-19 nhằm chống lại các tên lửa đạn đạo. Ảnh: Reuters
X-47B của Hải quân Mỹ là máy bay chiến đấu không người lái có khả năng thay đổi hoàn toàn cuộc chiến trên không. X-47B tiếp nhiên liệu trên không và có thể triển khai vũ khí tấn công. Những chiếc X-47B có sải cánh dài 18,8 m, chiều dài thân 11,63 m và tầm hoạt động lên tới gần 4.000 km (gấp 2 lần so với chiếc MQ-9 Reaper). Bộ não nhân tạo của X-47B có thể dựa vào dữ liệu GPS và các cảm biến vệ tinh để tự hành và tránh va chạm. Trong khi đó, ngoài khả năng phân tích dữ liệu, X-47B còn có thể phân tích và hiểu giọng nói con người trong trường hợp cần phối hợp tác chiến. Ảnh: Business Insider
Máy bay không người lái (UAV) M19 Reaper đã hoàn toàn thay đổi phương thức tiến hành các hoạt động quân sự của Mỹ. Quân đội Mỹ sử dụng M19 Reaper lần đầu năm 2001 trong hoạt động giám sát và không kích các chiến binh ở nhiều quốc gia khác nhau, từ Iraq, Somalia tới Pakistan. UAV Reaper được chế tạo nhằm thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ trên không. Nó có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 482 km/h, trần bay đạt 15.600 m. Reaper có thể mang loại bom 227 kg, tên lửa đất đối không và không đối không. Nó có thể hoạt động liên tục trong 36 giờ, với khả năng tấn công mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả. Ảnh: Wikipedia
“Chim ưng biển” V-22 Osprey là máy bay vận tải cánh quạt đa nhiệm quan trọng của Thủy quân lục chiến Mỹ từ năm 2007. Osprey có thể cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, tương tự như trực thăng, nhưng sở hữu vận tốc của một chiến đấu cơ và hạ cánh trên đường băng như những máy bay phản lực thông thường. Quân đội Mỹ từng sử dụng “chim ưng biển” trong các hoạt động chiến đấu và cứu hộ tại Iraq, Afghanistan và Libya. Ảnh: USAF
Các loại vũ khí siêu thanh là lĩnh vực cạnh tranh mới nhất của Mỹ và Trung Quốc. Hồi tháng 8/2014, Mỹ và Trung Quốc đều thử nghiệm vũ khí siêu thanh tiên tiến (AHW) của họ, song thất bại. Theo Business Insider, các vũ khí sử dụng công nghệ đẩy – lướt có thể đánh trúng mục tiêu với tốc độ và hiệu quả chưa từng có. Nó di chuyển trên một quỹ đạo không thể đoán trước nên gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa. Vũ khí này có thể mang đầu đạn hạt nhân nhanh và tốt hơn so với mọi loại trước đó. Các chuyên gia lo ngại, chúng có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ảnh: AP
Ngày 27/1, Hải quân Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa Tomahawk tấn công một mục tiêu cơ động trên biển. Theo sự dẫn đường của chiến đấu cơ, tên lửa hành trình có thể đổi hướng và xé tan một mục tiêu di động. Các tên lửa Tomahawk được chuyển đổi có tầm hoạt động đạt gần 1.600 km, cho phép Mỹ duy trì khoảng cách đáng kể so với loại tên lửa hành trình chống tàu tiên tiến của Hải quân Trung Quốc, vốn chỉ đạt khoảng cách bằng 1/2 tên lửa này. Ảnh: USN
THAAD (thiết bị phòng thủ khu vực đầu cuối tầm cao) tiên tiến nhất hành tinh có thể đánh chặn mọi mục tiêu với độ chính xác 100%. THAAD có thể cân bằng các cuộc xung đột trên thế giới. Với tính cơ động và chiến lược, THAAD thu hẹp khoảng cách giữa các lực lượng quân sự không tương xứng và giành lợi thế trên không của đối phương. Điểm đặc biệt của THAAD là nó không mang theo đầu đạn chứa thuốc nổ, mà sử dụng công nghệ “hit-to-kill” (truy đuổi-tiêu diệt), cho phép hệ thống vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo bên trong hoặc bên ngoài khí quyển. Mỗi bệ phóng mang theo 8 tên lửa và có thể phóng nhiều đạn tùy vào mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa. Đồ họa: Business Insider
Vũ khí laser trên không YAL-1 ALTB (Airborne Laser Testbed) có thể là điểm đặc biệt trên chiến trường trong tương lai. Hệ thống này được thiết kế nhằm tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến thuật. Quân đội Mỹ thử nghiệm YAL lần đầu tiên năm 2007 khi đặt nó bên trong Boeing 747 được chuyển đổi. Trong lần thử nghiệm năm 2010, YAL thành công khi bắn hạ một mục tiêu. Ảnh: Wikipedia
Hệ thống vũ khí Laser (LaWS) là hệ thống laser được vũ khí hóa đầu tiên của Mỹ trên một tàu chiến, có khả năng diệt mục tiêu trong chưa đầy 30 giây. Chi phí bắn mỗi xung laser từ LaWS chỉ tốn dưới một USD. LaWS có khả năng vô hiệu hóa máy bay không người lái. Trong tương lai, hệ thống có thể tiêu diệt các thiết bị quân sự khác. Tuy nhiên, LaWS có điểm yếu là phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, sự xuất hiện của bụi và hơi nước trong không khí, cùng nhiều yếu tố khác. Ảnh: USN