Cảnh lạ trên thuyền nhỏ
Có mặt trên con thuyền buồm của các đội đua vào những ngày dừng chân ở Đà Nẵng, chúng tôi thật sự bất ngờ khi con thuyền nhỏ bé này đã vượt hàng ngàn hải lý đầy sóng gió để đến được đây. Thuyền cao 29m, dài 21,3m, có 11 cánh buồm, tổng diện tích 1.530m2, vận tốc trung bình 7,1 hải lý. Bên trên trống trơn, chỉ có lối đi và cột buồm. Tôi mường tượng ngay cảnh thuyền chênh chao trước trận cuồng phong giữa trùng khơi, hay những ngày bình thường, chỉ nắng, gió, mưa táp vào mặt thôi cũng đủ cho cả đoàn đuối sức.
Nữ thủy thủ Denise Oakley (đội Mission Performance) đưa cho tôi bức hình chụp con thuyền gần như lật úp trước những con sóng cao rồi bình thản nói: “Đợt huấn luyện trước khi bắt đầu hành trình, chúng tôi đã quen với việc thuyền lật nghiêng, mặt hụp giữa sóng. Ra đại dương thì khắc nghiệt hơn nhiều”.
Phía dưới hầm lối đi chật ních, không còn chút không gian trống. Buồng máy và phòng thông tin được bố trí an toàn, gọn gàng, còn các khu chức năng khác đều phải tận dụng từng khoảng trống. Cả thuyền đặt đúng 8 chiếc giường ngủ, mỗi giường rộng chừng ba gang tay, các thủy thủ luân phiên nhau một nửa nghỉ ngơi một nửa làm việc, cứ thế suốt hàng chục ngày trên biển. Gần giữa thuyền là khu bếp với vài cái nồi và bình nấu nước.
Các thủy thủ chỉ tay vào hai bên thành thuyền treo đầy túi lưới dự trữ thực phẩm đóng gói. Đó là thức ăn chính của cả đoàn. Một thủy thủ kể: “Cứ dừng chân tới cảng nào là chúng tôi đi mua lương thực dự trữ cho chặng tiếp theo, ngoài đồ đóng gói vẫn có thêm rau, củ, quả. Tuy nhiên, dự trữ không được dài ngày”. Kế đó là tủ thuốc với các loại thuốc cơ bản như đau đầu, đau bụng, sát khuẩn… Thủy thủ Oakley nói: “Chúng tôi phải tự xoay xở khi có sự cố xảy ra. Trên thuyền có một vài thủy thủ được đào tạo kiến thức về y tế, có thể xử lý khi bạn đồng hành bị ốm, bị thương. Dù vậy, chúng tôi đều phải cẩn thận, đề phòng tất cả rủi ro, vì lênh đênh giữa biển không thể nào trở tay kịp”.
Mỗi thủy thủ trên thuyền đều có thế mạnh riêng, người sành đi biển, người giỏi máy móc, người thạo lái tàu… để cùng nhau lèo lái con thuyền và xử lý mọi sự cố trong cả hành trình. Khi có tình huống quá cấp bách, nguy hiểm mới liên hệ đường dây nóng cầu cứu, hoàn toàn không có các tàu đi theo để hỗ trợ, tiếp tế. Tất cả 12 đội đua phải tự lực cánh sinh giữa biển lớn.
Điều đặc biệt, 40% thủy thủ của đoàn là nữ giới. Theo lời ông Robin Knox-Johnston, nhà sáng lập và chủ tịch Cuộc đua Thuyền buồm Vòng quanh Thế giới, “họ không có cơ bắp, sức khỏe như đàn ông, nhưng họ biết dùng cái đầu của mình để vượt biển, chẳng thách thức nào có thể hạ gục được họ”.
Đà Nẵng – khám phá mới của châu Á
Ngày 17/2, đoàn thuyền cập cảng sông Hàn. Tới gần 3h chiều thuyền đội Đà Nẵng – Việt Nam mới tiến sâu vào cảng, nhưng từ trưa, người dân đã đứng đông nghẹt hai bên bờ. Phần vì háo hức đón đội thuyền quê nhà, phần tự hào bởi trên con thuyền ấy có thủy thủ Nguyễn Trần Minh An – người con Đà Nẵng. Trước đó gần một tháng, trong buổi chia tay với lãnh đạo thành phố để lên đường sang Úc tham dự cuộc đua, trông An thư sinh, trắng trẻo, có chút rụt rè khi chia sẻ cảm xúc của mình trước đám đông. Ngày trở về quê hương cùng đoàn thuyền vòng quanh thế giới, An đổi khác rất nhiều: gầy, đen và tự tin, rắn rỏi hơn. Thuyền đến gần cảng, An hô to: “Xin chào Đà Nẵng”, tất cả các thủy thủ trên thuyền hô theo trong tiếng hò hét, vỗ tay của hàng ngàn người dân.
Anh An chia sẻ: “Cuộc phiêu lưu 31 ngày trên biển quả thật thú vị nhưng cũng lắm lúc gian nguy, nhiều đợt sóng lớn dồn dập làm tôi đuối sức, chỉ nằm nghỉ một lát là tỉnh dậy để tiếp tục hành trình cùng đồng đội. Tôi luôn ý thức rằng mình không chỉ là một thủy thủ của đoàn, mà còn đại diện cho cả quê hương nên không được gục ngã trước bất kì tình huống nào”. Đồng đội Steve Cunningham (Úc) nói: “Minh An rất kiên cường, tôi chưa lần nào nghe anh ấy kêu ca. Tất cả chúng tôi ai cũng vài lần bị ốm, và Minh An đã động viên từng người cùng cố gắng. Anh ấy còn kể cho chúng tôi vô số câu chuyện về văn hóa, cảnh quan, con người Đà Nẵng, đặc biệt hay pha trò để xốc lại tinh thần cho cả đội. Tôi cũng cho rằng người Việt Nam có thể vượt qua mọi thử thách lớn của quốc tế, như cách mà họ đã vượt qua trong hành trình vòng quanh thế giới này”.
Thủy thủ đón người dân lên tham quan thuyền buồm. Ảnh: Thanh Trần
Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng làm nhà tài trợ và là cảng đăng cai cho cuộc đua tầm cỡ quốc tế này. Trước khi đoàn thuyền đến chừng một tuần, khu vực cảng sông Hàn hôm nào cũng tấp nập người chuẩn bị cho công tác đón tiếp. Ông Robin Knox-Johnston, cho biết, ông rất vui được khám phá vùng vịnh Đà Nẵng, nếu có cơ hội sẽ quay lại thành phố này thêm nhiều lần nữa.
Đối với các thủy thủ, Đà Nẵng đúng là một “khám phá mới của châu Á” như tên gọi của hành trình. Bà Linda Croker (Anh), thủy thủ đội Thanh Đảo (Trung Quốc) nói: “Tôi từng đi nhiều quốc gia, nhưng lần đến Đà Nẵng này để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Thành phố các bạn có sông, biển, bán đảo gần nhau tạo thành một quần thể du lịch tự nhiên rất đẹp. Con người vô cùng hiền lành, dễ mến. Tôi cũng rất bất ngờ khi được tham gia rất nhiều hoạt động như lễ hội cầu ngư, đôi chân trần trên biển, đua thuyền kayak trên sông Hàn”.
Thụ hưởng nhiều giá trị
Mười ngày đoàn thuyền dừng chân, Đà Nẵng rộn ràng như ngày hội. Các thủy thủ cùng người dân tham dự nhiều hoạt động, từ đua thuyền trên sông, thi chạy trên biển, giao lưu văn hóa văn nghệ với thanh niên cho đến thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam…
Hai ngày 23 và 24/2, người dân Đà Nẵng được lên tham quan thuyền buồm. Từ em nhỏ đến cụ già, ai cũng náo nức đặt chân lên thuyền. Tối 25/2, tuyến đường Bạch Đằng lại đông nghẹt người đổ dồn về xem đoàn thuyền Clipper diễu hành trên sông Hàn. Trên những quán cà phê cao tầng, người dân đến sớm để có được vị trí đẹp nhất xem thuyền. Anh Trần Quang Hiển (30 tuổi, quê Quảng Trị) háo hức: “Đáng ra vài hôm nữa tôi mới vào Đà Nẵng công tác, nhưng nghe tin có đoàn thuyền quốc tế diễu hành nên tranh thủ vào sớm để xem. Dễ gì có dịp tận mắt xem những con thuyền đi quanh thế giới”.
Đoàn thuyền buồm Clipper Race 2015 – 2016 diễu hành trên sông Hàn.
Đoàn thuyền chầm chậm nối đuôi nhau qua khỏi cầu sông Hàn, rồi ghé sát bờ, quây thành vòng tròn cho người dân chiêm ngưỡng. Sông Hàn đêm ấy hãnh diện mở lòng cho đoàn thuyền vừa đi qua Anh, Brazil, Nam Phi, Úc về đây trình diễn. Cụ Nguyễn Hữu Dũng (83 tuổi, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) nói: “Người dân được xem thuyền quốc tế, được đón tiếp các thủy thủ và đặc biệt được sống trong một môi trường đầy ắp các giá trị văn hóa, tinh thần, giải trí… Không nơi nào đời sống của người dân phong phú như ở đây”.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho hay, sau sự kiện này, Đà Nẵng khẳng định chỗ đứng vững chắc hơn trên bản đồ du lịch thế giới, bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về con người, thành phố bên sông Hàn.