10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi một trận động đất và sóng thần đánh sập một nhà máy hạt nhân cách nhà 12km, bà Tomoko Kobayashi và chồng đã phải sơ tán, bỏ lại chú chó đốm. Họ hi vọng sẽ được trở về nhà sau vài ngày tới.

Kết quả là Kobayashi và chồng phải xa nhà tới năm năm. Ngay cả bây giờ - 10 năm sau thảm họa kép ngày 11/3/2022 - chính phủ Nhật Bản vẫn chưa cho phép mở cửa hoàn toàn các ngôi làng và thị trấn nằm trong bán kính 20km quanh nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi. Nếu chính phủ cho phép, thì nhiều cư dân cũng không có kế hoạch trở về.

Nhưng với một số người khác, việc quay về nhà có ý nghĩa hơn nhiều so với nguy cơ phải đối mặt với lượng bức xạ còn sót lại.

Bà Kobayashi (68 tuổi) nằm trong số này. Trở về nơi ở cũ, bà nhanh chóng khởi động lại công việc kinh doanh. Vốn là một chủ nhà khách, bà Kobayashi cho biết: “Chúng tôi có lý do để quay về. Việc này rất có ý nghĩa, ở một góc độ nào đó.”

Dù vậy, khung cảnh ở Fukushima giờ đã khác xa với kí ức của bà Kobayashi.

Một bức tường khổng lồ có tác dụng ngăn sóng thần trong tương lai đã xuất hiện trên bãi biển gần đó.

Ở các thị trấn vùng ven, chẳng hạn như Futaba, cỏ dại đã mọc tràn qua đường nhựa và leo lên mặt tiền của các khu chung cư bỏ hoang.

10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 1
10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 2

Một chiếc xe đạp – có thể đã từng là phương tiện đưa chủ nhân đến trường – nằm chỏng chơ dưới đất.

Đối với nhiều người, trở về đồng nghĩa với hành trình khám phá lại những nơi mà họ vừa cảm thấy quen thuộc, vừa cảm thấy ám ảnh.

“Tôi luôn được hỏi là: Tại sao bà lại trở về? Có nhiều người trở về không? Nhưng câu hỏi luôn canh cánh trong lòng tôi, là: việc này có ý nghĩa gì không? Khi khung cảnh ngày xưa không còn nữa”, bà Kobayashi nói.

Thảm họa kép động đất – sóng thần ở Nhật Bản tháng 3/2011 đã giết chết hơn 19.000 người, và khiến cả thế giới phải một lần nữa nhìn nhận lại về sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân. Thảm họa cũng đưa cái tên Fukushima lên nổi tiếng ngang hàng với Chernobyl.

Ở Nhật Bản, di chứng của thảm họa vẫn còn rất nhức nhối.

Đề xuất của chính phủ về việc thải khoảng một triệu tấn nước ô nhiễm xuống biển đã khiến ngư dân địa phương dậy sóng. Các đơn kiện chống lại chính phủ, nhà máy đã được nộp lên tòa án cao nhất nước. Vấn đề năng lượng hạt nhân vẫn còn rất gay gắt.

Quanh nhà máy, người dân vẫn dễ dàng nhìn thấy những hiện vật đau lòng, gợi nhớ đến một tai nạn phải khiến khoảng 164.000 người di cư.

Ở Katsurao, cách nhà của bà Kobayashi 32km, đất nhiễm xạ vẫn đang nằm trong khu xử lý chất thải. Những gò đất xanh trông giống như đồ chơi trẻ em nằm im lìm trên tấm bạt màu be.

10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 3
10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 4  
10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 5

Và tại một số khu rừng ở Fukushima, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về việc bức xạ còn tồn tại.

Bất cứ khi nào có cơn bão mới tấn công bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, những người dân ở tỉnh Fukushima lại rùng mình nghĩ đến thảm họa cách đây một thập kỉ.

“Tôi nghĩ có khả năng đây sẽ là nơi không còn nhiều người có thể sinh sống được nữa,” một người dân có tên Hiroyoshi Yaginuma, cho biết cách đây hai năm sau khi một cơn bão đổ bộ vào bờ, làm ngập cửa hàng bán phụ tùng xe hơi của ông ở thành phố công nghiệp Koriyama.

Có thể cảm nhận được điều đó ở thị trấn Namie, nơi những túi chất thải phóng xạ chất thành đống. Những cánh đồng trồng bí ngô, củ cải, hành lá nay đã bị bỏ hoang.

10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 6
 
10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 7

Các gia đình trẻ rời khu sơ tán đã xây dựng cuộc sống mới ở nơi khác. Tuy nhiên, trên khắp Fukushima, chính quyền địa phương, đôi khi với sự tài trợ từ các nhà máy hạt nhân, đã và đang xây dựng các trường học mới, đường xá, nhà ở công cộng và các cơ sở hạ tầng khác trong nỗ lực thu hút cư dân cũ trở lại.

Một số cư dân ở độ tuổi 60 trở lên cảm thấy thu hút, vì việc sống ở một nơi khác với họ là quá khó khăn.

“Họ muốn trở về quê hương của mình,” Tsunao Kato, 71 tuổi, người đã mở lại tiệm cắt tóc “gia truyền” của mình ở Fukushima ngay cả trước khi hệ thống nước máy được khôi phục. "Họ muốn trút hơi thở cuối cùng ở đây."

10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 8
 
10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 9
 
10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 10

Ông Kato, người có cửa hàng ở thành phố Minami Soma, cho biết một ưu điểm của việc trở về chốn xưa là có thể giúp các cư dân hạn chế việc lây nhiễm COVID-19.

Sống ở những thị trấn vắng người, theo một khía cạnh nào đó, là một kiểu cách ly xã hội đáng hoan nghênh.

Kato nói rằng dù rất vui khi được về nhà, nhưng ông vẫn bị giằng xé giữa mong muốn ở lại với thực tế rằng sống ở một nơi khác có lẽ sẽ an toàn hơn.

10 năm sau thảm họa kép: Cư dân vừa hạnh phúc, vừa ám ảnh khi trở về Fukushima ảnh 11

Giống như Kato, vào thời điểm xảy ra thảm họa, bà Kobayashi đang điều hành một nhà khách của gia đình. Nhà khách ở Minami Soma đã được gia đình bà Kobayashi duy trì suốt nhiều thế hệ, và bà tiếp quản cơ sở này vào năm 2001, từ mẹ ruột.

Nhà khách đã phải chịu thiệt hại đáng kể do sóng thần. Nhưng gia đình bà Kobayashi đã khôi phục và mở lại nó. Chú chó đốm của bà đã qua đời ngay trước khi việc cải tạo nhà khách hoàn thành.

Bà Kobayashi không hy vọng lượng khách du lịch sẽ tăng vọt, nhưng bà mong muốn sẽ được phục vụ được những người muốn quay lại khu vực này mà không có nơi nào để ở.

“Không còn thị trấn xưa nữa”, bà nói. “Nếu bạn trở lại, bạn bắt buộc phải xây dựng lại mọi thứ.”

Theo Theo NY Times
MỚI - NÓNG