10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trung Quốc có trạm gốc 5G, sân bay, ga xe lửa, nhà máy điện mặt trời… nằm ở độ cao cao nhất thế giới; tàu đệm từ có tốc độ tối đa 600 km/h; phòng thí nghiệm trong lòng đất sâu nhất thế giới; tàu thăm dò trên sao Hỏa…

Xinhua vừa đánh giá 10 dấu mốc của Trung Quốc trong 10 năm qua theo nhiều khía cạnh, giúp bạn đọc hiểu thêm về quá trình phát triển và chấn hưng dân tộc của đất nước đông dân nhất thế giới.

Tầm cao mới

Tháng 5/2020, khi một đội Trung Quốc gồm tám thành viên leo lên đỉnh Qomolangma (đỉnh Everest) để khảo sát ngọn núi, họ liên lạc với trại cơ sở của đỉnh núi thông qua mạng 5G. Đó là do trạm gốc 5G cao nhất thế giới, được xây dựng ở độ cao 6.500 mét với sứ mệnh khảo sát để cung cấp tín hiệu bao phủ đỉnh Everest.

Đưa tín hiệu 5G lên đỉnh núi cao nhất thế giới (cao 8.849 mét) không phải là tầm cao mới duy nhất mà Trung Quốc đạt được trong thập kỷ qua. Ngày 25/6/2021, tuyến đường sắt điện khí hóa cao nhất thế giới bắt đầu hoạt động ở khu tự trị Tây Tạng phía tây nam Trung Quốc, nối thủ phủ Lhasa và thành phố Nyingchi.

Trung Quốc hiện cũng có sân bay dân dụng, nhà ga xe lửa và nhà máy quang điện nối lưới nằm ở độ cao cao nhất thế giới.

Đoàn tàu cao tốc chạy tuyến Hà Bắc-Hàng Châu (Trung Quốc). Video: Thái An.

Cơ sở hạ tầng được cải thiện giúp kinh tế và đời sống người dân Trung Quốc đi lên. Từ năm 2012 đến năm 2021, GDP của Trung Quốc tăng từ 53.900 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.580 tỷ USD) lên 114.400 tỷ nhân dân tệ và GDP bình quân đầu người của nước này tăng từ 6.300 USD lên hơn 12.000 USD. Trong giai đoạn này, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu vượt quá 30%.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 1

Một chuyên viên khảo sát Trung Quốc đang khảo sát trên đỉnh Everest ngày 27/5/2020. Ảnh: Xinhua.

Tốc độ nhanh

Năm 2021, Trung Quốc giới thiệu một đoàn tàu đệm từ cao tốc có thể hoạt động với tốc độ tối đa 600 km/h khi quốc gia này tiếp tục dẫn đầu thế giới về công nghệ đường sắt.

Tháng 12 năm ngoái, tên lửa đẩy Long March-4B (Trường Chinh-4B) đưa một nhóm vệ tinh mới vào không gian, đánh dấu sứ mệnh phóng thứ 400 của loại tên lửa do Trung Quốc phát triển. Trong số 400 vụ phóng của tên lửa Long March, ba đợt phóng đầu tiên (mỗi đợt gồm 100 lần phóng) được hoàn thành lần lượt trong 37 năm, bảy năm rưỡi và khoảng bốn năm, trong khi đợt thứ tư (gồm 100 lần phóng) hoàn thành trong 33 tháng.

Với hạ tầng viễn thông phát triển nhanh, Trung Quốc đã xây dựng mạng 5G lớn nhất thế giới và mọi cấp hành chính (đến cấp làng xã) giờ đây đều có thể truy cập dịch vụ băng thông rộng.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Trung Quốc xây dựng các bệnh viện dã chiến với tốc độ nhanh kỷ lục, ví dụ bệnh viện dã chiến 1.000 giường Hỏa Thần Sơn ở thành phố Vũ Hán hoàn thành trong 10 ngày. Tình trạng thiếu hụt nguồn lực và vật tư y tế đã được giải quyết trong thời gian ngắn nhất có thể.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 2

Nhân viên Comac, hãng sản xuất máy bay Trung Quốc nội địa C919, nói rằng, C919 sẽ cạnh tranh được với Airbus A320 NEO và Boeing 737 MAX ở Trung Quốc. Ảnh: Thái An.

Bước tiến dài

Hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực, từ thám hiểm không gian, đổi mới khoa học-công nghệ đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Tianwen-1 (Thiên Vấn-1) của Trung Quốc, bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một tàu thăm dò, hạ cánh thành công lên sao Hỏa ngày 15/5/2021, gần 300 ngày sau khi được phóng từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương trên bờ biển tỉnh đảo Hải Nam ở miền nam Trung Quốc (phóng hôm 23/7/2020).

Tháng 9/ 2022, C919, chiếc máy bay phản lực cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, đã được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc chứng nhận. Đây là một bước quan trọng trên hành trình hoạt động trên thị trường.

Cầu Hong Kong-Chu Hải-Macao dài 55 km là cầu và đường hầm vượt biển dài nhất thế giới, nối đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), thành phố Chu Hải ở phía nam tỉnh Quảng Đông và đặc khu hành chính Macao. Công trình giao thông này mang lại nhiều cơ hội và lợi ích to lớn cho khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macao.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 3

Phóng viên Tiền Phong trong buồng lái mô hình máy bay C919 ở Thượng Hải. Ảnh: Chen Dan.

Xóa đói nghèo

Tính đến cuối năm 2020, tất cả 98,99 triệu cư dân nghèo ở nông thôn Trung Quốc đã thoát nghèo. Gần 20 triệu công chức và tình nguyện viên đã được bố trí tại các ngôi làng nghèo khó để tham gia xóa đói giảm nghèo.

Mỗi hộ gia đình, thậm chí từng thành viên trong gia đình được nhận kế hoạch xóa đói giảm nghèo riêng.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 4

Ảnh chụp từ trên không vào ngày 30/1/2022 cho thấy một địa điểm tái định cư để xóa đói giảm nghèo ở Kaili, tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Đi sâu hơn

Phòng thí nghiệm trong lòng đất Jinping, nằm sâu 2.400 mét dưới bề mặt ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, là phòng thí nghiệm trong lòng đất sâu nhất thế giới. Tại đây, các thí nghiệm về vật lý thiên văn và vật chất tối có thể được thực hiện.

Trung Quốc đã và đang nỗ lực tăng cường đổi mới khoa học-công nghệ bằng cách đặt lĩnh vực này vào vị trí trung tâm của sự phát triển chung của quốc gia. Những thành tựu chính bao gồm việc ra mắt tàu lặn có người lái ở biển sâu Fendouzhe, Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) và khởi động mạng lưới giám sát không gian sâu.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 5

Ảnh chụp ngày 24/12/2014 cho thấy đường hầm Jinpingshan, nơi đặt Phòng thí nghiệm trong lòng đất Jinping, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Cải cách mạnh

Bằng cách tận dụng đầy đủ vai trò quyết định của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực, Trung Quốc đã mang lại cho các thực thể thị trường thêm sức sống và không gian để phát triển và tích lũy của cải. Số lượng các tổ chức thị trường đăng ký ở Trung Quốc đã lên đến 160 triệu, tạo cơ hội việc làm cho khoảng 300 triệu người.

Trong 5 năm liên tiếp kể từ năm 2017, Trung Quốc giảm mạnh các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài, đồng thời xây dựng nhiều quy định và luật, trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài, để tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 6

Cầu vượt tầng tầng lớp lớp ở Thượng Hải. Ảnh: Thái An.

Nền móng chắc

Trong điều kiện tự nhiên, phải mất 200-400 năm để hình thành một lớp đất đen dày 1 cm rất quý giá để trồng trọt. Ở tỉnh Hắc Long Giang vùng đông bắc Trung Quốc, độ dày trung bình của lớp canh tác trong khu vực đất đen đã tăng từ 19,8 cm lên 23,3 cm nhờ sự thúc đẩy của công nghệ nông nghiệp, điều cốt yếu để đảm bảo an ninh lương thực của nước này.

Giống như cây trồng cần đất màu mỡ để phát triển, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua nhờ nền tảng kinh tế vững chắc. Trung Quốc có hệ thống công nghiệp lớn nhất và hoàn chỉnh nhất trên thế giới. Công xưởng thế giới có hơn 220 loại sản phẩm công nghiệp và có tất cả các loại hình công nghiệp được liệt kê trong bảng phân loại công nghiệp của Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc cũng đã xây dựng mạng 5G, hệ thống đường sắt cao tốc, mạng lưới đường cao tốc lớn nhất và thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

Robot trong một quán ăn ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc có thể nhảy theo nhạc và chào khách bằng nhiều thứ tiếng. Video: Thái An,

Mật độ cao

Trung Quốc đang tìm cách tăng “mật độ” tăng trưởng kinh tế - mở rộng kinh tế chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn bằng cách tối đa hóa lợi ích kinh tế-xã hội, thúc đẩy đổi mới và các lĩnh vực mới nổi, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường và khai thác tài nguyên.

So với năm 2012, mức tiêu thụ năng lượng, lượng khí thải các-bon và lượng nước tiêu thụ trên một đơn vị GDP của Trung Quốc đã giảm lần lượt 26,4%, 34,4% và 45% vào năm 2021. Tiêu thụ đất trên một đơn vị GDP của Trung Quốc đã giảm 40,85% trong giai đoạn 2012-2021.

Năng lực đổi mới của Trung Quốc đã tiến lên vị trí thứ 11 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2022 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới công bố, cao hơn 23 bậc so với xếp hạng năm 2012.

Các động lực tăng trưởng mới như y sinh, phương tiện năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo (AI)… liên tục xuất hiện, tạo động lực mới cho nền kinh tế Trung Quốc.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 7

Ảnh chụp từ trên không ngày 27/9/2022 cho thấy một bãi đậu xe năng lượng mới tại một trung tâm vận tải hàng hóa đường sắt ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, phía nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Ra bên ngoài

Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở nước ngoài, nhất là về cơ sở hạ tầng. Cầu Peljesac ở phía nam Croatia, do một tập đoàn của Trung Quốc xây dựng, khánh thành vào tháng 7/2022, hiện thực hóa “giấc mơ hàng thế kỷ là kết nối miền nam với phần còn lại của Croatia”, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic nói.

Nhờ Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường do Trung Quốc đề xuất, Maldives có cây cầu xuyên biển đầu tiên, nhà máy thép Smederevo của Serbia hồi phục, tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi ở Kenya giúp giao thông thuận lợi hơn…

Hiện tại, trung bình mỗi phút có lượng hàng hóa trị giá hơn 73 triệu nhân dân tệ (khoảng 250 tỷ đồng) được giao dịch giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, trong khi hơn 40 chuyến tàu qua lại giữa Trung Quốc và khoảng 200 thành phố châu Âu mỗi ngày.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 8

Nông dân thu hoạch ngô ở khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc, ngày 14/10/2022. Ảnh: Xinhua.

Vì nhân dân

Được hướng dẫn bởi triết lý lấy con người làm trung tâm mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cao, sự phát triển vượt bậc của đất nước trong thập kỷ qua đã lan tỏa sự ấm áp đến người dân. Gần 99 triệu người nghèo ở nông thôn đã thoát nghèo, Trung Quốc đã thành công trong việc xóa nghèo tuyệt đối, xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Khoảng 350 triệu học sinh nông thôn được đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Trong khi đó, 1,04 tỷ người được trả lương hưu cơ bản và 1,36 tỷ người được bảo hiểm y tế.

Văn kiện phát triển Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2035 nêu rõ: “Chúng ta phải khẳng định rằng, sự phát triển của chúng ta là vì nhân dân, phụ thuộc vào nhân dân và nhân dân chia sẻ thành quả”.

10 dấu mốc thập kỷ ở Trung Quốc ảnh 9

Học sinh có chế độ ăn uống bổ dưỡng tại một trường học ở tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, ngày 12/10/2021. Ảnh: Xinhua.

MỚI - NÓNG