Nhiều nhà đầu tư tin tưởng sẽ tiếp tục “ăn nên làm ra” nhờ chính sách kinh tế Abenomics (hay còn gọi là những chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe), bất chấp thông tin kinh tế Nhật bất ngờ suy thoái.
Hôm qua, Nhật Bản công bố GDP nước này suy giảm quý thứ 2 liên tiếp trong quý 3 vừa qua, với mức giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi vào suy thoái - điều mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều không thể lường trước.
Một số nguồn tin thân cận cho hay, với diễn biến kinh tế bất lợi này, ông Abe sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử vào tháng tới để huy động sự ủng hộ cho việc hoãn tăng thuế tiêu thụ lần hai trong thời gian 18 tháng.
Nhật đã tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% vào tháng 4 năm nay và dự kiến sẽ tăng lần thứ hai từ 8% lên 10% vào tháng 10/2015. Theo nguồn tin, việc hoãn tăng thuế sẽ dời kế hoạch tăng thuế lần 2 sang năm 2016.
Về phần mình, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật đang ủng hộ ông Abe và chiến dịch phục hồi tăng trưởng kinh tế của ông. Kể từ tháng 11/2012, các nỗ lực của ông Abe nhằm làm suy yếu đồng Yên, giúp các doanh nghiệp Nhật tăng lợi nhuận, từ đó vực dậy nền kinh tế - các biện pháp được gọi chung là Abenomics - đã giúp chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Tokyo tăng thêm 89%, mạnh hơn thị trường chứng khoán của bất kỳ quốc gia phát triển nào khác trong cùng khoảng thời gian.
Sau khi Nhật đưa ra số liệu GDP suy giảm, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan.
“Chẳng có lý do gì để mà lo lắng. Kinh tế Nhật chỉ tạm lùi một chút. Chúng tôi đang chờ ông Abe tìm cách phá vỡ chu kỳ giảm phát. Ông ấy đang làm những việc đúng đắn”, ông Audrey Kaplan, trưởng bộ phận chứng khoán quốc tế của công ty quản lý quỹ Federated Investors ở New York, đánh giá.
Kể từ khi ông Abe lên nắm quyền vào năm 2012, thị trường chứng khoán Nhật không ngừng tăng điểm dù chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy sự phục hồi kinh tế đã đạt tới độ vững chắc. Giới đầu tư mua cổ phiếu Nhật với niềm tin rằng, Abenomics sẽ đến ngày thành công.
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) bơm tiền không giới hạn vào thị trường như một phần của Abenomics đã khiến đồng Yên mất giá 31% so với USD trong 2 năm qua. Nới lỏng tiền tệ, tăng cường chi tiêu công và cải cách cơ cấu để tăng năng lực cạnh tranh tạo thành chiến lược “3 mũi tên” của ông Abe nhằm đẩy lùi giảm phát trong nền kinh tế và tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Akira Amari nói rằng, nhiều khả năng Thủ tướng Abe sẽ tung ra một gói kích thích kinh tế mới. Ông Etsuro Honda, một cố vấn của ông Abe, thì nói, một chương trình kích thích quy mô 3 nghìn tỷ Yên, tương đương 26 tỷ USD, là phù hợp để trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình từ đó giúp tiêu dùng tăng tốc.
Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng ông Abe nên đẩy nhanh hơn các cải cách cơ cấu thay vì chỉ dựa vào biện pháp làm giảm giá đồng tiền. “Nhiều người nói rằng ông ấy có thể kéo dài việc làm đồng Yên mất giá, nhưng cách này không bền vững. Trong dài hạn, cách làm như vậy không giải quyết được các vấn đề cơ cấu”, ông Gareth Watson, Phó chủ tịch quản lý đầu tư của công ty Richardson ở Toronto, nhận xét.
Theo Diệp Vũ