Chỉ dành cho dân?
Căn nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp của bà Văn Thị Mai (SN 1958 – trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) tại tổ dân phố 9 vừa bị đoàn cưỡng chế UBND phường Tân Lập tiến hành tháo dỡ, đồng thời xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Tìm gặp phóng viên, nước mắt bà Mai giàn giụa. Bà kể, chồng bà vừa mất đầu năm 2017, gia cảnh rất khó khăn. Trước đây, do vay vốn để nuôi heo không may vướng dịch bệnh, đến hạn bà Mai phải bán nhà trả nợ. Phần tiền còn lại hơn một trăm triệu đồng chỉ đủ cho bà Mai mua miếng đất nông nghiệp giá rẻ, xây gian nhà nhỏ để ở. Nhà xây chưa xong thì bị đoàn cưỡng chế đưa máy móc đập bỏ, chừa móng nhưng cấm xây dựng lại.
Đem vụ việc này so sánh với tòa biệt thự xây trái phép trên đất nông nghiệp mà không bị gì của ông Nguyễn Sĩ Kỷ - Phó ban Nội chỉnh Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Mai nghẹn ngào nói: Họ làm “quan” nên chẳng ai dám đụng vào. Phụ nữ nghèo như tôi chỉ mong có được gian nhà để có chỗ thắp hương cho chồng, vẫn bị họ cưỡng chế. Đành rằng họ cưỡng chế như vậy cũng không hẳn là sai nhưng sao bất công vậy?
Trước đó, tháng 8/2016 dư luận từng ồn ào với vụ UBND TP Buôn Ma Thuột cưỡng chế tháo dỡ căn nhà trị giá bạc tỷ của gia đình ông Bùi Mạnh Hải, từ Hà Nội vào Đắk Lắk đầu tư trồng cao su. Từ tháng 5/2015 qua “môi giới” của cán bộ địa chính phường Tân Lập, ông Hải đã cùng một người bạn hùn tiền mua lô đất nông nghiệp rộng 500m2 để dựng nhà và làm nơi giao dịch cho công ty. Ông Hải đã làm đơn gửi UBND TP Buôn Ma Thuột đề nghị tách thửa để chuyển 120m2 sang đất ở đô thị. Trong thời gian chờ đợi, ông Hải xây nhà, thì bị cưỡng chế, tháo dỡ, buộc trả lại hiện trạng ban đầu.
“Quan” sai, chính quyền bó tay?
Đầu tháng 3/2017, nhiều báo đài cũng đã phản ánh việc gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ xây dựng trái phép ngôi nhà hai tầng trên đất nông nghiệp tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột. UBND phường Ea Tam đã ra quyết định buộc gia đình ông Kỷ tháo dỡ ngôi nhà xây dựng trái phép này. Nhưng đến nay, tòa biệt thự trị giá nhiều tỷ đồng của ông Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy vẫn sừng sững, nguyên vẹn.
Ông Vũ Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, người bị giao nhiệm vụ nhạy cảm là chỉ đạo lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố, cho biết: Việc xử lý hành chính trong việc xây dựng nhà trái phép đều phải thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định liên quan, đối với tất cả các đối tượng vi phạm, không phân biệt nhà cán bộ hay người dân. Trường hợp căn nhà của Phó Ban Nội chính, UBND thành phố phải chờ ý kiến lãnh đạo tỉnh về cách xử lý .
Trước câu hỏi của phóng viên vì sao chưa tháo dỡ nhà ông Kỷ trong cuộc họp báo định kỳ đầu tháng 9/2017, vị phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phụ trách mảng xây dựng chủ trì cuộc họp báo đã thẳng thừng nói không trả lời vấn đề này, đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí không dẫn lại lời của ông.
605 giáo viên bị tuyển thừa, đi đâu?
Ngoài việc xây biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp, trong giai đoạn làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk trước khi chuyển về Ban Nội chính tỉnh, ông Nguyễn Sỹ Kỷ còn ký tuyển dụng thừa hơn 500 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế. Chủ tịch kế nhiệm là ông Y Suôn Byă tiếp tục ký nhận thêm cả trăm giáo viên. Tổng cộng dưới thời 2 ông Chủ tịch này, huyện đã nhận thừa 605 giáo viên, bổ nhiệm thừa 32 hiệu phó. Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk, 605 giáo viên thừa này vẫn được bố trí đứng lớp trong năm nay. Còn 32 hiệu phó được bổ nhiệm thừa, huyện đã bố trí việc cho 19 người, còn lại 13 người chờ bố trí tiếp.