Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng thông tin của tổ thẩm định vừa công bố cho thấy rõ những sai phạm các bên liên quan đến 18 tàu vỏ thép do Cty TNHH MTV Nam Triệu (ở Hải Phòng, thuộc Bộ Công an) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng.
Theo ông Lăng, chất lượng thép không đảm bảo là vấn đề lớn nhất cần phải làm rõ, không chỉ với những tàu vỏ thép của Bình Định mà gần 300 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 cũng cần phải rà soát lại.
Ông Lăng cho rằng, trong vụ việc nói trên, có nhiều thành phần liên quan, từ cơ sở đóng tàu, cơ quan đăng kiểm, ngân hàng và chủ tàu. “Vụ việc này rất cần Bộ Công an vào cuộc để điều tra, khởi tố. Ai vi phạm cái gì, cứ theo luật mà làm. Chứ không thể để cho mấy ông đóng tàu làm tầm bậy, coi thường luật pháp được”- ông Lăng nói.
Lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam cũng cho rằng, lúc này cũng là cơ hội để kiểm tra toàn diện những nội dung về đóng tàu cá theo Nghị định 67, điều chỉnh những khúc mắc, mới mong chính sách này tiếp tục triển khai tốt được.
Trong khi đó, từ kết quả tổ thẩm định của Bình Định công bố, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Tàu thủy Việt Nam cho rằng, tổ công tác phân tích khá kỹ lưỡng về vật liệu, vật tư, máy tàu… nhưng chưa nói kỹ về thiết kế, công nghệ đóng tàu. “Có thể vật tư tốt, nhưng đóng dở thì cũng thành xấu”- ông Bình nói.
Theo ông Bình, về chỉ tiêu hoá học, có 8 mẫu thép không đạt cấp A, thiếu thành phần Mangan (Mn); nhiều tàu bị gỉ sét trầm trọng; 9 máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi, dùng máy đường bộ để lắp thay cho máy thủy; thay đổi màn hình, bóng đèn… Những gian dối đó cho ra kết quả là một con tàu xộc xệch.
Theo kỹ sư Bình, trong vụ việc trên, ngoài vấn đề về vật tư, máy móc bị làm gian dối, thì phần công nghệ cũng rất tệ. Việc làm sạch thép trước khi sơn là cực kỳ quan trọng, phải làm hết sức cẩn thận và là việc đầu tiên cần làm khi đóng tàu vỏ thép.
“Qua ảnh chụp khi dựng khung xương ở nhà máy của Cty Nam Triệu cũng như Công ty Đại Nguyên Dương, tôi thấy các chi tiết dựng lên chưa được làm sạch, dẫn đến gỉ sét từ boong, hầm, khoang, cầu thang… Nếu không làm sạch từ vật liệu, đến khi gõ gỉ bằng tay ở các hốc, góc, bể nước… đều rất khó; dẫn đến làm láo và nhìn con tàu tồi tàn khủng khiếp như vậy. Liệu các chi tiết khác, như đường hàn, lắp ráp các bộ phận, đi dây điện… có bị làm bậy hay không?”- ông Bình phân tích.
Cũng theo kỹ sư Bình, với máy tàu, rõ ràng là đã bị “treo đầu dê bán thịt chó”, dùng máy đường bộ để thay thế cho máy thuỷ (máy chính của con tàu). “Máy thuỷ được thiết kế tại nhà máy chính hãng có hệ thống làm mát, còn ở đây, họ dùng máy bộ, hệ thống làm mát cải tạo lại là cách làm dối trá, coi thường kỹ thuật…”- ông Bình nói.
Về việc tỉnh Bình Định có đề nghị ngư dân khởi kiện đối với Cty Đại Nguyên Dương vì thái độ thiếu hợp tác, theo ông Bình, vấn đề của Cty Nam Triệu có thể phải lớn hơn, vì đây là đơn vị của Bộ Công an.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Bộ đang chờ báo cáo chính thức của UBND tỉnh Bình Định liên quan đến những tàu vỏ thép bị gỉ sét, hư hỏng. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên trước 30/6 tới. “Bộ cũng giao Tổng cục Thuỷ sản kiểm điểm, báo cáo về công tác đăng kiểm tàu cá, cũng như rà soát lại các văn bản liên quan đến đóng tàu cá theo Nghị định 67”- ông Tám nói.
Công ty Đại Nguyên Dương nói gì?
Liên quan vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ, ngày 27/6, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT Bình Định, Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài về việc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Văn bản do ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương ký.
Theo đó, công ty này cho biết, ngày 6/6 giám đốc Cty Đại Nguyên Dương và cán bộ kỹ thuật đã vào dự cuộc họp của đoàn thẩm định, chiều cùng ngày Cty cùng Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài tổ chức cuộc họp với 5 ngư dân. “Cuộc họp đã thống nhất phương án sửa chữa, bảo hành cho các tàu cá. Đại diện ngư dân, ông Trần Minh Vương, cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty Đại Nguyên Dương đã đến Cty CP Kỹ thuật biển S. TECH (Đà Nẵng) để đưa tàu lên đà tiến hành khắc phục sửa chữa, bảo quản. Đã thống nhất nội dung hợp đồng có bảng kê chi tiết kèm theo, song cho đến nay các ngư dân vẫn không thực hiện do chờ ý kiến của UBND tỉnh Bình Định. Để đảm bảo quyền lợi cho các ngư dân và việc sửa chữa bảo dưỡng tàu cho các ngư dân được khách quan tránh hiểu lầm không đáng có, Cty TNHH Đại Nguyên Dương thông báo và đề nghị các cấp, cơ quan lãnh đạo quan tâm chỉ đạo đôn đốc ngư dân sớm đưa tàu ra Cty Đại Nguyên Dương tại địa chỉ cụm công nghiệp cơ khí tàu thuyền thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, Nam Định để Cty tiến hành xác định các lỗi hỏng hóc, sự cố của tàu, khắc phục trong phạm vi bảo hành” - văn bản nêu.
Chiều 27/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho hay, thứ 6 tuần này (tức ngày 30/6) Sở sẽ chủ trì cuộc họp cùng với đại diện lãnh đạo hai Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Cty TNHH MTV Nam Triệu và 17 chủ tàu có tàu bị hư hỏng cùng làm việc để thống nhất thời gian, phương án khắc phục đối với cụ thể từng tàu dựa trên kết luận của tổ thẩm định. Ngoài ra sẽ thành lập tổ giám sát sửa chữa, kiểm định chất lượng tàu.
Hoài Văn