Công điện đồng thời cảnh báo: "Địa phương nào không cấp đủ nước làm đất gieo cấy, tưới dưỡng, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT".
Theo thông báo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, tổng diện tích cần lấy nước để gieo cấy lúa xuân ở vùng đồng bằng trung du Bắc bộ theo kế hoạch là 630.757 ha. Trong đợt I lấy nước những ngày giáp Tết Nguyên đán, các địa phương đã mở cống, sử dụng gần 3.000 máy bơm các loại và đã đổ ải được 483.000 ha, đạt 76,6% kế hoạch.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kết thúc xả nước đợt hai phục vụ tưới tiêu, các hồ chứa có khả năng xuống đến mực nước chết. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ thành hiện thực - các hồ thủy điện ngày càng suy giảm và không có khả năng xả thêm đợt ba như những năm trước đây.
Như vậy, nếu không có một đợt mưa lớn bất thường nào, mùa khô này, chỉ còn một đợt xả nước các hồ thủy điện phục vụ tưới tiêu mà thôi.
Từ 6 giờ ngày 11-2, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang sẽ tiếp tục tăng lượng xả qua phát điện bổ sung nước về hạ du, nâng cao mực nước để các hệ thống thủy lợi lấy nước làm đất gieo cấy theo lịch đợt II từ 5 giờ ngày 13-2 đến 18 giờ ngày 20-2.
Dự báo, đến ngày 13-2, mực nước sông Hồng tại Sơn Tây sẽ trên 5,2m, tại Hà Nội lên xấp xỉ 2 m và sau đó còn tiếp tục lên.
Gần 4.000 ha lúa đông-xuân phải gieo cấy lại Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, đợt mưa rét kéo dài vừa qua đã làm 6.928 ha lúa vụ đông xuân mới gieo trên địa bàn tỉnh bị ngập nước và bị bạc lá. Trong đó diện tích bị ngập nặng phải gieo lại gần 4.000 ha. Tại TT-Huế, ngày 10-2, UBND tỉnh TT- Huế quyết định chi hỗ trợ nông dân mua giống lúa tái sản xuất vụ đông xuân do ảnh hưởng từ đợt rét đậm rét hại kéo dài từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011. Theo đó, mức hỗ trợ 50% giá mua giống lúa, tương đương 6.000 đồng/kg, với số lượng giống lúa hỗ trợ 50 tấn, tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng. |