Chiều 25/3, thanh tra TP Hà Nội đã công bố quyết định thanh tra toàn diện vụ chặt cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian gần đây. Nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Làm rõ thiếu sót ở đâu và do ai
Theo đó, đoàn sẽ thanh tra toàn diện việc chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Thông tin chúng tôi có được cho hay việc thanh tra về nội dung thực hiện thay thế cây xanh được Thành ủy yêu cầu phải làm rõ được thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục phải cụ thể. Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu ngay khi có kết quả thanh tra, xử lý trách nhiệm liên quan, phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí để công khai cho nhân dân được biết.
“Thời hạn thanh tra là 30 ngày tính từ ngày công bố quyết định thanh tra, ngày 25-3. Thanh tra thành phố là đơn vị chủ trì, cùng với đó có nhiều sở, ngành trong thành phố tham gia như (Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, TN&MT, Khoa học - Công nghệ)” - một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết.
Sở Xây dựng là đơn vị cấp phép, chặt hạ
Cùng ngày, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản trả lời “21 câu hỏi bị bỏ ngỏ” tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội liên quan đến sự vụ này ngày 20-3.
Theo đó, trả lời câu hỏi: “Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt?”, Sở Xây dựng cho hay chính sở này là đơn vị cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh. “Trước khi tiến hành cấp phép chặt hạ, dịch chuyển, tổ công tác bao gồm Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh và UBND phường sở tại kiểm tra và có biên bản và ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của UBND phường sở tại làm cơ sở cấp phép” - văn bản này cho hay.
Liên quan đến số lượng cây đã chặt và hướng xử lý số cây chặt này, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết: “Từ tháng 11-2014 đến đầu năm 2015, triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên tám tuyến phố trong đó: Di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây. Kinh phí do các đơn vị ủng hộ, chi trả, hiện chưa thanh quyết toán”. Đồng thời đơn vị này cũng cho hay: “Số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được tập kết tại kho của các đơn vị, Sở Xây dựng phối hợp lập hồ sơ quản lý. Hiện nay chưa bán. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá và toàn bộ số tiền thu được nộp ngân sách theo quy định”. Tuy nhiên, về số gỗ đã bị chặt hạ, trước đó, ngày 20-3, UBND TP Hà Nội có thông báo, tháng 11-2014 đến nay Sở Xây dựng đã và đang triển khai việc thay thế hơn 500 cây xanh.
Quyết định phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký ngày 11-11-2013. Ảnh: HOÀNG VÂN
Ai đã ký phê duyệt?
Trước câu hỏi “Quy trình lập đề án này, căn cứ để chặt cây là gì? Tại sao chặt số lượng nhiều như vậy?”, Sở Xây dựng TP Hà Nội trả lời: “Việc cải tạo, thay thế cây xanh căn cứ trên cơ sở quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được HĐND thành phố quyết nghị thông qua, UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18-3-2014; Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước thành phố đến năm 2015 số 134/KH-UBND ngày 16-8-2013 và Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14-5-2010 của UBND thành phố ban hành quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố”.
Theo thông tin chúng tôi có được, đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký quyết định phê duyệt ngày 11-11-2013.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án này đảm bảo an toàn, chất lượng, độ chính xác về khối lượng và hiệu quả.
Sở Xây dựng thành lập tổ liên ngành. Tham gia tổ liên ngành thành phố khảo sát và thống nhất cây cần chặt hạ, thay thế có Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở NN&PTNT, UBND các quận, phường.
Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra, rà soát về hồ sơ dự toán; thống nhất khối lượng, kinh phí thực hiện đề án trình UBND thành phố phê duyệt.
Sở Xây dựng chỉ đạo ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị kiểm tra, giám sát, nghiệm thu việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế…