Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện còn hơn 358.000 hộ dân ở Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và quận 12 chưa được cấp nước sạch. Tình trạng này kéo dài từ nhiều năm nay.
50 ngàn đồng/m3 nước sạch
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện nay một số người dân thành phố vẫn còn phải đi mua nước sạch với giá 20 – 30 nghìn đồng/m3, thậm chí có nơi lên đến 50 nghìn đồng.
Tại khu vực ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đi hàng cây số để mua từng can nước vào mỗi buổi sáng hoặc chiều. Chị Lê Kim Thanh Thanh (35 tuổi, ngụ ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) là một trong nhiều người dân trong khu vực hằng ngày phải đẩy chiếc xe tự chế gần 2km với bốn can nhựa loại 20 lít từ nhà ra nơi mua nước sạch với giá 1.000 đồng/can, tính ra một mét khối nước sạch có giá gần 35 nghìn đồng.
Chị Thanh cho biết, mỗi ngày 10 người trong gia đình dùng tiết kiệm lắm cũng hết 10 can nước. “Tắm giặt, ăn uống đều phải chắt chiu từng giọt”, chị Thanh nói.
Cũng sống ở ấp 6, xã Lê Minh Xuân, ngay bên cạnh đường ống cấp nước nhưng nhiều hộ dân ở đây không được kéo nước mà phải đi mua lại của những hộ dân đã kéo trước đó với giá gần 20 nghìn đồng/m3. Chỉ vào lu đựng nước mưa trước cửa nhà, bà Thái Thị Hoa (66 tuổi) cho biết, gia đình bà đã nộp đơn xin kéo nước sạch cách đây mấy năm nhưng vẫn chưa được vì vướng nhiều thủ tục.
“Nhắm mắt” dùng nước ngầm
Vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế TPHCM tiến hành kiểm tra về chất lượng nước tại 1.400 mẫu ở các quận huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức và quận 12. Chỉ có 58 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý. Phần lớn các mẫu còn lại đều không đạt, đa phần là nước nhiễm sắt, amoni, vi sinh,… tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật nếu sử dụng lâu ngày.
Bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, có 110/1.400 mẫu nước trên có nhiễm chất amoni, sử dụng lâu ngày sẽ nguy hiểm vì có khả năng gây ung thư. Việc lọc bỏ các chất này cũng phức tạp, cần có thiết bị lọc.
Tuy nhiên hiện nay ở một số khu vực chưa có nước sạch, người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (51 tuổi, ngụ xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) hàng chục năm nay vẫn phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn nặng. Ông đã phải nhiều lần đổi giếng nhưng vẫn không hết phèn. Để hạn chế độ phèn, ông Hoàng xây ba bể để lọc nước qua cát, đá và than hoạt tính. Tuy nhiên, sau khi lọc nước vẫn còn mùi tanh và đóng váng. Ông Hoàng cho biết: “Trong khu vườn rộng hơn 2.000m3 tôi đã khoan ở ba nơi ở độ sâu 60-70m nhưng nước vẫn bị phèn”.
Vẫn phải chờ nước sạch
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết có gần 53% người dân của huyện chưa được sử dụng nước sạch với nhiều lý do. Ông cho rằng một phần vì địa bàn huyện rộng lớn, xa đường ống nước nên việc lắp đặt hệ thống ống nước gặp khó khăn. Hiện nay, huyện đã đưa ra giải pháp lắp thêm 15 đồng hồ tổng, xây mới 5 trạm cấp nước để mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân.
Ông Lê Tuấn Tài, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cũng cho rằng đo địa bàn huyện rộng lớn nên số hộ chưa có nước sạch sử dụng còn rất nhiều. Cụ thể huyện có 85 nghìn hộ dân thì cũng chỉ mới có 12 nghìn hộ sử dụng nước sạch, số hộ còn lại vẫn phải chờ. Thời gian sắp tới sẽ triển khai thêm 20 dự án, cung cấp nước sạch cho 16 nghìn hộ dân. Đồng thời, vận động người dân mua ống dẫn nước từ đồng hồ tổng về từng nhà. Ngoài ra, huyện cũng trang bị thêm 29 bồn nước, giúp giải quyết hơn 7 nghìn hộ sử dụng nước sạch.
Để đảm bảo 100% hộ dân có nước sạch, nước hợp vệ sinh sử dụng trong thời gian tới, bà Đào Thị Lan Hương, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết sẽ chi 22 nghìn tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn thành phố ngoài phần kinh phí xã hội hóa. Ngoài ra, những nơi đường ống nước không vào được sẽ lắp đặt thiết bị lọc nước, bồn nước theo chương trình vay vốn kích cầu do thành phố hỗ trợ, đảm bảo giá nước bằng giá nội thành, phần chênh lệch ngân sách sẽ bù.