Khát bên những công trình nước sạch tiền tỷ - Bài cuối: Tổng rà soát để xử lý

Công trình nước sạch bị bỏ hoang, trong khi người dân ở bản Nậm Cày, xã Chăn Nưa (Sìn Hồ, Lai Châu) phải gùi nước cạnh công trình nước sạch. Ảnh: Quỳnh Nga.
Công trình nước sạch bị bỏ hoang, trong khi người dân ở bản Nậm Cày, xã Chăn Nưa (Sìn Hồ, Lai Châu) phải gùi nước cạnh công trình nước sạch. Ảnh: Quỳnh Nga.
TP - Việc người dân “Khát bên những công trình nước sạch tiền tỷ”, bà Hạ Thanh Hằng, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Không giám sát kỹ, các ông làm việc A, B, C cũng khó tránh khỏi”. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương tổng rà soát, “khám” phân loại công trình để xử lý.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Hằng cho biết, năm 2014, tỷ lệ người dân được cấp nước hợp vệ sinh khoảng 84,5% (mục tiêu năm 2015 là 85%). Trong đó, người dân được cấp nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế khoảng 40%. Nguồn nước cấp cho các hộ dân có 30% từ công trình cấp nước tập trung, còn lại cấp nước quy mô hộ gia đình (giếng khoan, đào, lu, bể…). Lâu nay, chủ yếu dư luận quan tâm đến các công trình cấp nước tập trung.

Trên 26% số công trình kém hiệu quả

Thưa bà, Tiền Phong vừa phản ánh, nhiều địa phương, người dân “khát” bên những công trình tiền tỷ. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này?

Tôi nghĩ, những bài báo của Tiền Phong phản ánh đúng bức tranh thực tế các công trình nước sạch ở nông thôn. Hiện cả nước có khoảng 16.000 công trình nước sạch tập trung ở nông thôn, được đầu tư từ nhiều nguồn vốn, có cả chương trình 134, 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia…Trong đó, công trình hoạt động bền vững chiếm hơn 33%, hoạt động bình thường 40,6%, công trình hoạt động kém hiệu quả 15,4% và gần 11% ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ trên ở các vùng miền cũng khác nhau, trong đó yếu nhất là ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Vì sao nhiều công trình ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, xa kém hiệu quả, nhanh hư hỏng, đắp chiếu?

Có khoảng 25% số công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Đây chủ yếu là những công trình nhỏ, tự chảy, phục vụ khoảng 30-100 hộ dân. Ở Tây Nguyên tỷ lệ kém hiệu quả là 13%, không hoạt động gần 30%; tương tự ở miền núi phía Bắc 17,3% và 14%; Bắc Trung bộ 35% và hơn 6%.

Với những vùng trên, hầu hết các công trình do cộng đồng dân cư địa phương quản lý, kỹ năng quản lý vận hành kém, chính sách cho quản lý, vận hành cũng không tốt. Nhiều công trình nhanh hư hỏng xuất phát từ tư vấn thiết kế kém, không sát, nhiều nơi, nguồn nước không đảm bảo, cùng đó là do biến đổi khí hậu.

Trước bối cảnh đó, khi có thông tin trường hợp nào đó sai phạm, chúng tôi sẽ có văn bản cho tỉnh điều tra thực trạng thế nào, trách nhiệm của ai, trong đó có vai trò của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền ra quyết định chọn một ông chủ đầu tư không đủ năng lực, trách nhiệm đó phải thuộc về chính quyền.

Liệu có sự móc ngoặc, bớt xén công trình giữa chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, địa phương… khiến công trình chưa dùng đã hỏng?

Xây dựng công trình nước sạch cũng như nhiều công trình khác, lỗi trong xây dựng cơ bản không phải không có. Nhưng cụ thể, ở đâu, ra sao cũng khó kết luận. Đầu tiên, cần thông tin giám sát cộng đồng, nếu không giám sát kỹ, mà các ông làm việc A, B, C cũng khó tránh khỏi. Hiện luật đầu tư công quy định rất chặt, mọi sự vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, giữa chính sách và thực tiễn có độ chênh. Theo tôi, chế tài có nhưng thực hiện chưa nghiêm.

Khát bên những công trình nước sạch tiền tỷ - Bài cuối: Tổng rà soát để xử lý ảnh 1

Bà Hạ Thanh Hằng, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT).

20 tỉnh “điểm tối”

Thưa bà, số lượng các công trình kém hiệu quả, ngừng hoạt động nhiều như vậy, sẽ xử lý ra sao, chẳng nhẽ cứ “đắp chiếu” mãi?

Ngoài bộ tiêu chí trước đây, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính để ra Thông tư 54. Thông tư này sẽ tổng rà soát, đánh giá cả nước có bao nhiêu công trình nước sạch, đầu tư từ nguồn vốn nào, giá trị hiện bao nhiêu... Theo đó, những công trình “có tuổi”, có tên nhưng đã ngừng hoạt động, có thể thanh lý.

Những công trình kém hiệu quả, có thể thay đổi mô hình quản lý. Sau khi đánh giá lại nguyên nhân hỏng hóc thế nào, các tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn, khắc phục. Hiện đã đánh giá được hơn 5.000/16.000 công trình, trong đó đã chuyển đổi mô hình quản lý hơn 2.700 công trình. Chẳng hạn, từ cộng đồng quản lý có thể bán cho tư nhân, hoặc trung tâm nước sạch các tỉnh, hoặc hợp tác xã.

Cũng phải nói rằng, cần giới thiệu mô hình cấp nước phù hợp cho cộng đồng quản lý, chứ không phải chỗ nào công trình cũng hoành tráng; đến lúc không đủ năng lực quản lý, chi phí tốn kém… Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã có hướng dẫn về mô hình cấp nước hộ gia đình.

Riêng với những “điểm tối” ở ba khu vực như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ thì sao?

Chúng tôi đã xác định 20 tỉnh “điểm tối” ở ba khu vực trên, đồng thời có kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho họ. Chúng tôi sẽ có hoạt động hướng về lâu dài, từ rà quy mô công trình, quy chuẩn, thúc đẩy quy mô hộ gia đình. Với công trình kể cả vùng sâu, tăng đặt hàng tư nhân thực hiện. Nếu giao cho cộng đồng quản lý, khi tập huấn cho họ xong, chính sách lại thay đổi sẽ rất khó triển khai.

Cảm ơn bà.

Hiện, cả nước có khoảng 16.000 công trình nước sạch tập trung ở nông thôn. Trong đó, công trình hoạt động bền vững chiếm hơn 33%, hoạt động bình thường 40,6%, công trình hoạt động kém hiệu quả 15,4% và gần 11% ngừng hoạt động. Ở Tây Nguyên tỷ lệ kém hiệu quả là 13%, không hoạt động gần 30%; tương tự ở miền núi phía Bắc là 17,3% và 14%; Bắc Trung bộ là 35% và hơn 6%.

MỚI - NÓNG