> Kỳ 3: Chuyện của nhà văn Sơn Tùng
> Kỳ 2: Một chiều nghiêng Ba Đình
> Kỳ 1: Kỷ niệm nhỏ về một sự kiện lớn
Buổi chiều một ngày mùa hè năm 2008. Tôi tới nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay theo tin nhắn của nhà sử học Dương Trung Quốc. Tưởng mình đến sớm nhưng trước cổng đã thấy cánh phóng viên trong nước mà nhiều vẫn là nước ngoài giăng đầy.
Cái đám vốn táo tợn này đã phục sẵn ở những vị trí đắc địa của phòng khách Đại tướng tự khi nào. Kỳ tài, nào có thấy trên phương tiện thông tin đại chúng loan báo cái tin Hội Di sản và cổ vật Thanh Hóa (Hội DS&CV TH) mang tặng Đại tướng kiếm lệnh cùng trống đồng đâu? Lại một đoàn dài dặc những nam nữ cựu binh quân phục mũ mãng chỉnh tề, ngực trĩu những huân huy chương bất chấp trời nóng.
Có lẽ những vị khách không mời này đã thực sự gây lúng túng cho đại tá Nguyễn Huyên, người giúp việc lâu năm của Đại tướng. Mặt đỏ gay chắc vì nóng và cả vì bực nữa, ông lắc đầu nói vừa đủ nghe rằng nào có ai mời đâu cơ chứ! Rồi khác với vẻ ân cần dịu dàng thường ngày, ông cao giọng yêu cầu mọi người trật tự.
Đại tướng bữa nay không được khỏe, phòng khách lại quá chật so với số lượng người thế này nên cần phải giãn bớt! Nể lời, đám đông lao xao co cụm rồi nhích giãn ra. Nhưng một hồi sau chả thấy căn phòng rộng thoáng thêm mà lại ken chật hơn lúc đầu.
Đại tá Huyên buông thõng cái câu làm mọi người ngán là nếu cứ tình trạng này thì Đại tướng sẽ không ra nữa. Tất thảy đám đông lặng phắc như thấy mình là người có lỗi nhưng chả thấy một ai rời phòng. Thiệt có lẽ cho những ai đến muộn hoặc không nhanh chân đành chen nhau chật ních ở ngoài hành lang tràn cả xuống sân nữa.
Đại tướng và trống đồng, kiếm lệnh do Hội Di sản văn hóa Lam Kinh hiến tặng. |
Cả phòng bỗng ồn lên xao động tưởng Đại tướng đã ra. Nhưng không. Mọi người đang giãn lối cho đoàn đại biểu của Hội DS&CV TH lễ mễ ôm hai bọc đỏ vào phòng. Hai bọc vải hồng điều ấy đích là kiếm lệnh và trống đồng rồi nhưng đang phong kín nên chưa biết hình thù ra sao. Hai quý vật ấy lập tức được đặt trang trọng lên chiếc bàn phủ vải màu xanh. Và lúc này cũng không ai để ý đến đại tá Huyên đang ở đâu? Sau mới biết ông chạy đi hỏi ý kiến của Đại tướng cùng phu nhân...
Từ khu nhà bên cạnh phòng khách, trong bộ quân phục mùa hè, Đại tướng có hai người dìu chầm chậm sải những bước ngắn. Đám đông rộ lên một chốc nhưng lạ thay, tất thảy tự dưng im phắc kính cẩn giãn ra nhường lối cho Đại tướng.
Bao nhiêu là ánh mắt sùng kính lẫn thương cảm bởi được chứng kiến Đại tướng ở một cự ly quá gần, lại không ngờ rằng tuy đi lại khó khăn và gương mặt đã xọm đi nhiều vì tuổi tác, tật bệnh, nhưng thần thái Đại tướng vẫn tỏa ra từ đôi mắt tinh anh. Đại tướng giơ tay chào. Những tràng pháo tay vang dội.
Đợi cho tiếng ồn ào trong phòng lắng bớt, ông Chủ tịch Hội Cổ vật xứ Thanh phát biểu trước khi kính dâng lên Đại tướng kiếm lệnh và trống đồng... Chừng như trong không khí trang nghiêm và xúc động nên ông chủ tịch thay vì dõng dạc những thông số về hai quý vật kia thì giọng lại lạc đi và hầu như bị chìm lỉm trong tiếng ồn.
Các cỡ đèn của các thiết bị ghi hình làm gian phòng khách rực sáng lên một cách bất ngờ soi tỏ bàn tay của Đại tướng đang chầm chậm lần đến chuôi kiếm rồi thoa nhẹ lên mặt chiếc trống rỡ ràng hoa văn Ngọc Lũ. Đại tướng nhỏ nhẹ cảm ơn Hội Cổ vật xứ Thanh đã tặng hai thứ vật quý. Bỗng một cựu chiến binh nói to: Anh Văn ơi, anh dùng kiếm này trừ bọn tham nhũng, sâu mọt đi. Mọi người lặng đi rồi vỗ tay thật to.
Chừng như giữa không khí nóng nực cùng những hơi người đặc quánh này không lợi cho sức khỏe của Đại tướng nên sau khi ông chào, mọi người lại tự động giãn lối ra.
Chủ nhân đã lên nhà một lúc lâu nhưng những tốp người từ trong phòng ra ngoài hành lang tràn cả ra sân vẫn còn tụ lại. Trong vòng người kín mít, phu nhân đại tướng cũng nán lại chuyện trò. Nhiều nhất vẫn là những câu hỏi về sức khỏe Đại tướng lẫn những đoàn khách nước ngoài thăm gần đây.
Tôi gặng thêm chuyện với ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Lam Kinh kiêm Hội DS&CV TH bởi ban nãy ông còn xúc động chưa nói hết.
Chẳng hạn ý tưởng mang ra Hà Nội tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trống đồng lẫn kiếm lệnh? Ban nãy thì ngập ngừng thế còn lúc này thì ông thao thao. Đại ý: Từ lần đầu tiên năm 1924 tới nay, riêng trống đồng cổ được phát hiện tại Đông Sơn (Thanh Hóa) là gần 100 chiếc, chiếm 1/3 số trống đồng được tìm thấy tại Việt Nam.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, Hội DS&CV TH đã tìm ra cách đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Lại nghiên cứu để dùng loại trống đồng đúc thủ công này làm nhạc khí. Để phục vụ cho Đại lễ ngàn năm Thăng Long, Thanh Hóa sẽ đảm nhiệm dâng lên đại lễ một thứ linh vật là trăm chiếc trống đồng làm nên một dàn nhạc độc đáo. Như vậy trống đồng qua các thời kỳ lịch sử Đại Việt đã đảm phận các chức năng từ binh khí đến linh khí và thời đại ngày nay làm nhạc khí.
Chiếc trống cùng kiếm lệnh tặng Đại tướng được xuất phát ý tưởng lẫn tấm lòng của những người làm công tác sưu tầm chế tác cổ vật xứ Thanh nhân dịp 60 năm tướng Giáp thụ hàm Đại tướng, 97 năm ngày sinh của ông.
Các thông số trên kiếm lệnh và trống đồng đều mang một thông điệp về Đại tướng: mặt trống 60 cm (60 năm mang hàm Đại tướng); trống cao 48 cm (năm ông được phong Đại tướng); Mặt trống in hình hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, hông trống khắc họa hai hình ảnh biểu tượng chiến công của QĐND Việt Nam cũng là thể hiện tài trí của Tướng Giáp là trận Điện Biên Phủ và xe tăng húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập 30/4/1975.
Kiếm lệnh được cải biên sáng tạo từ thứ đoản kiếm Đông Sơn của người Việt cổ được tìm thấy cùng với trống đồng. Lưỡi kiếm dài 67 cm, cán 19cm. Chuôi và lưỡi kiếm hợp thành con số 1948 là năm Hồ Chủ tịch ký lệnh phong ông hàm Đại tướng.
Hai bên mặt kiếm là hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Kiếm lệnh và trống đồng được đúc tại lò thủ công của nghệ nhân tài danh Thiều Quang Tùng.
Chuyện chưa hết ở đó. Ít lâu sau, ghé qua Hội Di sản văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa, tôi thấy một tấm ảnh của Đại tướng và gia đình chụp chung với ông Hồ Quang Sơn và Hội DSVH Lam Kinh rất sắc nét mà cảnh trí không giống bữa chúng tôi được chứng kiến.
Tò mò hỏi lại thì ông chủ tịch cười. Số là sau sự kiện dâng kiếm lệnh và trống đồng lên Đại tướng vào buổi chiều oi bức và cũng có tí ti lộn xộn, ồn ào ấy, Đại tướng đã chỉ thị cho bộ phận giúp việc mời đoàn đại biểu hôm trước ra! Đại tướng còn dặn thêm là phải tuyệt đối giữ bí mật. Đúng ngày hẹn, ông Sơn cùng bầu đoàn kéo nhau ra nhà Đại tướng ở Hoàng Diệu. Xui xẻo hôm đó ra đến gần Hà Nội thì đường tắc. Ngồi trên xe, anh em ruột như lửa đốt, có lẽ đành lỗi hẹn với Đại tướng mất thôi. Ông Sơn đã phải điện cho gia nhân Đại tướng nhờ trình lại tình huống!
Khi ra đến nơi không ngờ Đại tướng vẫn đợi trong bộ sắc phục chỉnh tề, mặc dầu đoàn chậm hơn tiếng rưỡi đồng hồ. Đại tướng và phu nhân ân cần chuyện trò hỏi han mọi người.
Cụ rất vui vì các nghệ nhân xứ Thanh đã tìm ra phương pháp chế trống đồng bằng phương pháp thủ công, mang lại niềm tự hào không những cho người xứ Thanh mà cho dân Việt nói chung nữa...
Còn nữa