Nghĩ đủ cách để thu tiền khách thơ

Nghĩ đủ cách để thu tiền khách thơ
TP - Sau 5 năm dựng lên “tập đoàn”- CLB sáng tác VHNT Việt Nam, mở nhiều chi nhánh ở các tỉnh, kết nạp số hội viên (khoảng 4.500 người- nghĩa là gấp hơn 4 lần hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), ông chủ tịch Đăng Hạ cùng các đệ tử thân tín đã nghĩ ra mọi mánh khóe moi tiền của các hội viên.

> Tập đoàn bịp thơ…xuyên Việt

Mua 3 bài thơ của chính mình giá… 510 nghìn đồng

Ông Nguyễn Mạnh Quang (ở phường Quang Trung, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là lão thành cách mạng, năm nay đã 84 tuổi. Ông Quang có một hoàn cảnh rất đặc biệt. Người con trai duy nhất của ông đã nằm lại ở chiến trường miền Nam, còn người vợ đã mất cách đây nhiều năm. Có cô con gái lấy chồng từ lâu, ở nhà chồng nên ông một mình đơn bóng từ nhiều năm nay. Con cháu cho đồng nào hay đồng ấy, còn lại ông sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước.

Ở một mình buồn, không biết tự khi nào ông Quang tìm đến thơ ca như một sự giải khuây. Ông sáng tác được nhiều bài thơ để cất tủ, có bạn đến chơi mang ra đọc cho vui, chứ chẳng bao giờ nghĩ thơ mình in thành sách. Ông càng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành…nhà thơ. Trước kia, ông cũng có tham gia vài CLB thơ ở tỉnh để tuổi già có bạn có bè. Tháng 3/2010, CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên được thành lập, ông là một trong những người đầu tiên được mời tham gia CLB và được ông chủ tịch Đăng Hạ “phê chuẩn” làm phó chủ tịch kiêm phong trào CLB thơ chi nhánh Hưng Yên.

“Chúng nó quy định người hơn 70 tuổi như tôi sẽ được miễn lệ phí sinh hoạt hằng năm, nhưng có phải đâu. Mỗi năm trung bình tôi phải đóng ít nhất là một triệu đồng. Chúng nó bịa ra để kê nhiều khoản đóng góp, tôi chẳng nhớ hết, ông Quang cho biết.

 Có thơ của mình thì mới lấy chứ. Nếu không, cho không tôi cũng chẳng thèm! .

Ông Nguyễn Mạnh Quang

Ông Quang rất bức xúc chuyện bị ép mua sách do ông chủ tịch Đăng Hạ làm. Để có 3 bài thơ được in trong cuốn “Thơ Việt đương đại” (NXB Văn hóa liên kết với CLB sáng tác VHNT Việt Nam xuất bản năm 2012) và “nhuận bút” là một cuốn sách này, ông đã phải “cắn răng” bỏ ra 510 nghìn đồng nộp cho ông chủ tịch Đăng Hạ. “Có thơ của mình thì mới lấy chứ. Nếu không, cho không tôi cũng chẳng thèm!”.

Không chỉ có ông Quang, hàng trăm “nhà thơ” khác có thơ được in trong cuốn “Thơ Việt đương đại” cũng phải móc những đồng lương hưu ít ỏi ra để nộp lên cho ông chủ tịch. Và không chỉ có cuốn thơ trên, ông Quang và bạn thơ của ông đã phải “nếm quả đắng” với nhiều cuốn khác như: “Thơ trong ngày hội”; “Khoảnh khắc xuân”; “Thơ hay 3 miền”…Có cuốn 200 nghìn đồng/1 cuốn, có cuốn 250 nghìn đồng/1 cuốn. Các cuốn sách này đều được xuất bản dưới dạng liên kết giữa NXB Văn hóa thông tin với CLB sáng tác VHNT Việt Nam.

Phải nộp tiền để được bình thơ

Cuốn “Thơ hay 3 miền” (tập 2, NXB Văn hóa thông tin liên kết với CLB sáng tác VHNT Việt Nam xuất bản năm 2012) dày 1.515 trang, trong đó in thơ của tổng cộng 961 tác giả. Tác giả nào cũng được in ảnh chân dung, trích ngang lý lịch ngay trên những bài thơ do mình sáng tác. Với nhan đề “Thơ hay 3 miền”, chúng tôi cứ nghĩ sẽ có nhiều tác giả nổi tiếng góp mặt, nhưng lần dở từng trang tìm kỹ, không có một tác giả nào có tên tuổi, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Bùi Quốc Chiến, chủ nhiệm CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Khoái Châu, được in 3 bài trong tập thơ này: “Để có cuốn “Thơ hay 3 miền”, tôi phải bỏ ra 510 nghìn đồng. Mới đây, các anh ấy lại ra thông báo dự định in một cuốn dưới dạng tác giả và tác phẩm. Nếu bài thơ gửi lên mà được in và được các anh ấy có bài bình bên cạnh sẽ thu 660 nghìn đồng/bài/người”.

Bằng khen của chủ tịch Hạ vẫn được ông Quang treo trang trọng giữa phòng khách
Bằng khen của chủ tịch Hạ vẫn được ông Quang treo trang trọng giữa phòng khách.

“Mình bỏ tiền ra mua thơ của mình mà cứ thấy đau đau, như bị lừa. Các ông ấy nắm được tâm lý của hội viên ai cũng muốn thơ mình được in ở một tập sách sang trọng nào đó, nên trước khi in, các ông ấy thông báo nếu không đăng ký mua sách là không được in thơ. Có thơ in sách để làm kỷ niệm hoặc tặng bạn bè cũng hay quá đi chứ! Cho nên ai cũng tặc lưỡi đưa tiền cho các ông ấy. Có người “nghiện”, tập thơ nào cũng thấy có tên nhưng chả có bài nào ra hồn cả”. Hội viên N.V.T nói.

Mấy ngày gần đây, ông Quang, ông N.V.T và một số hội viên khác bắt đầu ngộ dần ra các chiêu móc túi của tổ chức do ông “nhà thơ- nhà báo” Đăng Hạ thống lĩnh. Ông Quang mới xin rút chức phó chủ tịch CLB chi nhánh Hưng Yên. Ông và một số hội viên khác sẽ vẫn làm thơ, nhưng quyết “cắt cơn nghiện” in thơ.

Một bằng khen giá 500 nghìn đồng

CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Phú Thọ được thành lập từ tháng 5/2012. Hôm tổ chức đại hội thành lập CLB, đích thân ông chủ tịch Đăng Hạ mang quyết định và con dấu về trao cho ban lãnh đạo CLB để hoạt động. Ban lãnh đạo CLB chi nhánh Phú Thọ do bà Nguyễn Thị Ánh Thu (SN 1949, ở xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) làm chủ nhiệm, cũng theo quyết định phê chuẩn của chủ tịch Đăng Hạ. Khi bà Thu làm chủ nhiệm CLB, mọi người đều ngỡ ngàng vì từ trước tới giờ không thấy bà có khả năng gì về văn học nghệ thuật. Mọi người chỉ biết bà với tư cách là một giáo viên nghỉ hưu từ nhiều năm nay. Ấy vậy mà, ngay sau khi bà Thu làm chủ nhiệm, số lượng hội viên ở tỉnh lại tăng lên theo cấp số nhân. Ngày đầu thành lập danh sách đăng ký có hơn 10 người, nhưng chỉ vài tháng sau hội viên đã tăng lên tới gần 100 “nhà thơ”.

Ông Nguyễn Mạnh Quang đã rất tự hào vì được chủ tịch Đăng Hạ trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp sáng tác VHNT Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Quang đã rất tự hào vì được chủ tịch Đăng Hạ trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp sáng tác VHNT Việt Nam.

Tương tự như ở Hưng Yên, ngoài tiền in thơ, các hội viên ở Phú Thọ cũng phải đóng đủ các loại phí. Ngay khi mới gia nhập, các hội viên phải đóng 150 đồng/người để làm thẻ hội viên và phù hiệu. Sau khi đã vào CLB sinh hoạt, mỗi hội viên phải đóng hội phí mỗi năm 500 nghìn đồng. Một con dấu cấp cho chi nhánh thu 460 nghìn đồng…Nếu hội viên muốn nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp sáng tác VHNT Việt Nam thì mỗi người phải đóng 150 nghìn đồng/cái. Còn làm Bằng khen có hộp vuông thì phải đóng 500 nghìn đồng/cái. Các quyết định trao Kỷ niệm chương, Bằng khen đều có chữ ký của chủ tịch Đăng Hạ và dấu tròn đỏ “CLB sáng tác VHNT Việt Nam” đóng lên.

Chưa hết, ngày 1/4/2012, ông chủ tịch Đăng Hạ ra Thông báo (số 85/TB/TTS, có ký tên, đóng dấu) về việc xuất bản kỷ yếu CLB dưới tiêu đề “Tác giả và tác phẩm văn học”. Nội dung có đoạn viết: “Tháng 5/2012- CLB sáng tác VHNT Việt Nam vừa tròn 4 năm hoạt động trên lĩnh vực VHNT. Điều rất mừng, trong những năm qua CLB luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhận được sự đồng tình của lớp lớp các thế hệ người Việt…CLB sáng tác VHNT Việt Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu sáng tạo tác phẩm có giá trị, vì thế đã tạo được chỗ đứng và làm nên dấu ấn cho những người đam mê sáng tạo VHNT”.

Ngay dưới những lời trên, ông chủ tịch Đăng Hạ quyết định thu (có tính chất bắt buộc) của mỗi hội viên 150 nghìn đồng tiền hỗ trợ xuất bản. Những ai đặt mua sẽ bán giá 200 nghìn đồng/1 cuốn. Ông chủ tịch này còn lưu ý hội viên gửi tiền bằng phiếu chuyển tiền của bưu điện.

(Còn nữa)

“Vừa qua chúng tôi đã kiểm tra hoạt động của chi nhánh ở Phú Thọ, phát hiện CLB này có nhiều vi phạm pháp luật. CLB hoạt động không được sự cho phép của cơ quan chức năng. Ngay cả việc khắc, sử dụng con dấu, tổ chức trao Bằng khen, Kỷ niệm chương, tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm thơ đều trái phép. Chúng tôi đã làm việc với những người đứng đầu CLB, đề nghị giải tán, chấm dứt hoạt động. Chúng tôi cũng đề nghị thu lại con dấu, nhưng sau đó bà Thu cứ lẩn tránh nói là đã đánh mất”, thượng tá Nguyễn Gia Đường, phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an tỉnh Phú Thọ cho biết.

Thượng tá Đường cho hay, với nhiều hoạt động trái pháp luật, có dấu hiệu trục lợi, Công an tỉnh Phú Thọ đã làm việc với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về hoạt động của CLB sáng tác VHNT Việt Nam.

Bài điều tra của
Khiết Giang

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.