Chuyện Lào: Kỳ khôi đường cá Nậm Ngừm

Chuyện Lào: Kỳ khôi đường cá Nậm Ngừm
TP - Có lẽ nên gọi đường cá hơn là chợ cá Nậm Ngừm? Kỳ khôi chứ chẳng còn là kỳ lạ nữa, bởi chạy dọc suốt hơn cây số, hai bên đường cứ giăng giăng những dãy, những sạp cá tươi cùng cá khô.

> Kin khẩu Xamaki...
> Chuyện nước Lào: Runi, ở đây, ở đây...(P1)

Người ban chứ chẳng phải trời cho

Xứ mình thênh thang nhiều ngàn cây số biển cùng chằng chịt những ao đầm, thử hỏi đã xôm tụ cá để tạo nên một đường- chợ cá hơi bị hoành tráng thế này?

Quốc lộ 13, 15 xứ Lào bây giờ tốt, không gập ghềnh trúc trắc mà vo vo bánh xe. Từ Viêng Chăn đi khu du lịch Văng Viêng quá trăm cây số thì ôi chao, đụng phải chợ cá Hồ thủy điện Nậm Ngừm!

 Không chỉ nhắc, trên cả nhắc, là nắc nỏm. Con cá như minh chứng, vật chứng, nhân chứng của triết lý sống cùng là cung cách ứng xử.

Tôi chưa kịp có con số chính xác cái năm đập Thủy điện Nậm Ngừm dâng nước cùng việc hồ nhân tạo hình thành, nghe đâu là đầu những năm 60? Người Viêng Chăn xài điện Nậm Ngừm thoải mái không hết bán cả sang Thái Lan thu bộn ngoại tệ. Chính vì có con hồ mênh mông ấy mà nhiều năm nay người dân Lào cùng đời sống dân quanh khu thủy điện nói riêng cùng lưu vực sông Mê Công đâm tươi hẳn!

Chuyện Lào: Kỳ khôi đường cá Nậm Ngừm ảnh 1

Chợ cá Hồ thủy điện Nậm Ngừm như là tín hiệu minh chứng của một đời sống an lành ấy?

Trên đất Lào cứ lẩn thẩn nghĩ thêm về con cá...

Một quốc gia không có biển, liên miên trập trùng rừng núi. Từng ám trong tâm trí những đợt, những chuyến ngược mạn Bắc Lào. Những trưa chang chang nắng. Rừng Lào thâm nghiêm, hầm hập nóng. Rợi mát người khi chợt nhảo qua một khúc suối. Mềm lòng khi thấy các mẹ, các em chỉ bằng một tay lưới đan bằng sợi gai đương hì hụp ven các hốc đá. Những con cá suối không rõ loài gì, nhỉnh hơn đầu đũa hiếm hoi lọt thỏm trong rốn lưới. Cần mẫn như thế đã bao lâu rồi, tay chân bợt trắng nhăn nheo, mới được lưng cái bát ăn cơm? Vậy là quý rồi! Vậy là có chất tươi rồi! Chao ôi con cá suối con con từng lấp lánh hạnh phúc đối với bà con miền núi xứ Lào!

Bao đời nghĩ về cái ăn, nghĩ về dấu ấn nông nghiệp trong một cơ cấu bữa ăn không riêng chi người Lào và mà cả người Việt nữa. Thịt thà hình như ít nhắc mà chỉ chăm chăm rau với cà. Cơm không rau như đau không thuôc. Cơm với cà nhà có phúc vv...

Còn cá? Không chỉ nhắc, trên cả nhắc, là nắc nỏm. Con cá như minh chứng, vật chứng, nhân chứng của triết lý sống cùng là cung cách ứng xử Cơm với cá mạ với con. Con cá đánh ngã bát cơm. Có cá đổ vạ cho cơm. Liệu cơm gắp mắm...

Chẳng hay những con suối giăng mắc khắp đất nước Lào cùng dòng Mè khoong Nạm Khoong (tên gọi khúc sông Mê Công đổ qua đất Lào) cung cấp cá bao đời cho dân các bộ tộc Lào những Lào Lùm, Lào Thơng, Lào Sủng… Từ thuở Thượng cổ đến nay khối lượng nó là bao nhiêu, nhưng người dân Lào cũng từng đúc kết những câu hàm nghĩa đời sống cùng triết lý sống về con cá như dân Việt mình?

“Pay kin pa, vua kin lẩu, tẩu nòn sứa hốm pha” (đi ăn cá, về uống rượu, ngủ đêm đắp chăn (bông), hoặc “khẩu nông na, pa đúc pỉnh” (xôi nếp ruộng, cá trê nướng).

Cá tươi

Bát canh cá (loại tờ tợ như cá nheo, cá chiên) nấu cùng thứ lá như lá cam, chua chua ngòn ngọt, bắt mắt vừa miệng đến nỗi vừa trông thấy nó chình ình trên sạp cá đầu tiên, tôi gần như đứa trẻ đã phải nhẩy dựng lên rằng, nó đấy! Đích là nó.

Cá tươi được bày bán ở đường cá. Ảnh: Xuân Ba.
Cá tươi được bày bán ở đường cá. Ảnh: Xuân Ba..

Không chỉ có giống cá chiên, cá nheo tôi được thưởng thức ở Văng Viêng! Mà chớm vào chợ cá- đường cá Nậm Ngừm cơ man nào là các loại cá. Không biết cư trú trong lòng hồ thủy điện và những khúc sông suối đầu nguồn Nậm Ngừm có bao nhiêu loài thủy tộc, nhưng cái giống cá xứ này ngó hơi bị lạc mắt? Hao hao na ná như mè, như trôi nhưng sẫm hoặc trắng hơn. Rằng, y chang như cá chuối cá quả đấy, nhưng hoành tráng bởi to hơn đen sậm hơn. Lạ cho giống cá nước ngọt mà có thứ hệt như cá chim? Lại có thứ cứ xòe ra hết cỡ như cá đuối? Con to cỡ chục ký cả...

Chuyện Lào: Kỳ khôi đường cá Nậm Ngừm ảnh 3

Sạp là thứ tre luồng bổ đôi ken dày trên đó bày xếp không theo thứ tự lớn bé mà giăng giăng lớn, nhỏ. Có con đương ngáp như tố cáo chúng vừa được đưa thẳng tới đây? Chắc khúc sông suối hay vị trí của hồ thủy điện cũng chẳng cách xa đường cá này là mấy?

Cá - không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn được dùng làm lễ vật cúng tế dịp “Xên bản” (cúng thần bản), lễ “kim khẩu hạch” (ăn cơm mới) và món cá đồ (pa nửng) là lễ vật cúng vía (hệt khoăn). Cá như một thứ tín ngưỡng gắn với thần Nước, thần Sông, thần Suối.

Có vẻ như cung nhiều hơn cầu. Bán thì nhiều, người mua ít. Nhưng lạ là các cô, các bà ngồi bên sạp không một tiếng mời chào ồn ã, họ chỉ ngước lên những ánh nhìn ấm áp thân thiện. Chợt nhớ những con phố Viêng Chăn xe cộ nườm nượp vậy mà hiếm hoi lắm mới có tiếng còi xe kiểu sốt ruột giục giã như bên mình! Tính cách người Lào là vậy. Lặng lẽ khiêm nhường. Lạ nữa chợ cá tươi (tí tôi nói tiếp cái đường cá- chợ cá khô cũng vậy) không có chuyện mặc cả? Ngó mấy người mua trước đó và bây giờ đến lượt anh bạn ở Viettel Viêng Chăn mua về cho nhà bếp cơ quan. Hai con loại hao hao như cá mè và cá quả. Con mè bảy ký, con quả gần 8 ký. Cứ cân lên, khách theo lời chủ sạp mà trả tiền. Cá được đưa vào thùng xốp đầy đá. Đảm bảo ngày và một đêm không hề hấn. Chao ôi, con quả vậm vạp thế mà nhẩm tiền kip ra tiền Việt chỉ hơn ba trăm ngàn! Ngó chợ cá Lào thấy cái quan niệm, tất nhiên người Lào quý cá thật nhưng đừng khư khư cùng cổ hũ rằng người Lào khát cá, xứ Lào hiếm cá?

Thư thả lướt dọc qua các sạp. Tò mò vạch mang của những con bự không giãy. Hồng tươi cả! Hóa ra đã bày lên sạp thì không có thứ ươn. Bữa nay trời mưa. Thế còn trời nắng mà tốc độ bán chậm thế này? Cô hàng cá cười líu ríu. Anh bạn Viettel dịch lại, cá tươi bán không hết thì chuyển cho lò chế ra cá khô.

Cá khô

Cách đường cá - chợ cá tươi không xa là đoạn đường cá - chợ cá khô. Như dài hơn, sạp bầy dày hơn đường cá tươi. Xứ mình lắm cá và nhiều nơi cũng quen, cũng chuộng cá khô nhưng chưa thấy vùng miền nào có cuộc bày biện ra thị trường theo cung cách trình diễn bố cục độc đáo như chợ cá khô xứ Lào?

Bên một góc đường cá khô.
Bên một góc đường cá khô..

Chẳng hề đơn điệu hay trần thùi lụi một kiểu khô! Nói phóng lên đâu mà có vài chục thậm chí trăm kiểu dáng tiêu bản của thủy tộc cá hồ Nậm Ngừm. Những bó cá được kết với nhau như chiếc quạt hoa. Thứ xẻ thành miếng. Thứ để nguyên con. Tịnh không có thứ nào tẩm ướp màu mè. Hỏi có tẩm hóa chất chống thối như những vựa cá khô bên mình? Chỉ thấy các chủ hàng nở nụ cười ngơ ngác? Tất thảy những đùm, những buộc cá ấy ánh lên cái màu hổ phách sẫm nâu sang trọng. Hỏi kỹ mới hay, phơi nắng chỉ là phụ mà họ dùng thứ củi, thứ than gì đó để xông cá. Xông ngày xông đêm. Thứ khói than ấy có tác dụng giữ cho sắc cá tự nhiên và khỏi biến chất!

Chuyện Lào: Kỳ khôi đường cá Nậm Ngừm ảnh 5

Lại nữa là có loại cá chua, thứ nhồi vào ống bương ống nứa, thứ khoanh lại như những liễn giò. Ngó thứ cá chua này, tự dưng nhớ đến người Thái Tây Bắc, tập tục ngôn ngữ rất gần với người Lào.

Không có thời gian hỏi kỹ để tìm ra sự tương đồng? Nhưng ngó thứ cá chua này y chang như dân Thái bên nhà mình vậy?

...Đã trưa trật. Con đường cá vẫn thưa thớt xe qua. Không rõ việc bán buôn, bán cất ở chợ cá khô, cá tươi này như thế nào, nhưng chủ các sạp hàng hai bên đường cá ngồi nguyên như thế đăm đăm cái nhìn nhẫn nhịn
ra ngoài...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG