Kiếp phu trầm tha hương xứ người

Kiếp phu trầm tha hương xứ người
TP - Khi những cánh rừng quê hương đã cạn kiệt, giới phu trầm lại tìm đường xuất ngoại để tìm trầm. Họ sang tận Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar... và chấp nhận thương tật, tù đày, thậm chí cả mạng sống để nuôi hy vọng đổi đời.

> Nghiệt ngã kiếp phu trầm
> Lời khai hai nghi phạm thảm sát 5 phu trầm

Làng xuất ngoại tìm trầm

Làng Thanh Hưng, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm phía bắc sông Son bên cạnh Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Vào sâu trong làng mới cảm nhận được sự hiu quạnh trên những ngõ làng. Giấc mộng đổi đời từ trầm hương đã “hút” hết trai tráng đàn ông thoát ly khỏi làng.

Ông Hoàng Xuân Hợi, trưởng thôn Thanh Hưng cho biết: Nghề tìm trầm hương xuất hiện ở làng Thanh Hưng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, người làng Thanh Hưng đời nối đời đạp rừng tìm trầm mà quên mất sự học. Con trẻ trong làng chừng 13, 14 tuổi đã bỏ học theo cha, theo anh để rồi dần trở thành những phu trầm chuyên nghiệp và không dứt ra được.

Theo ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, riêng ở thôn Trúc Ly khoảng 20 năm lại đây đã có hơn 50 người bỏ mạng vì trầm, hàng chục người khác bị tù đày ở xứ người. Riêng năm 2012 đã có 7 người bị bắn chết ở rừng Thái Lan và Malaysia. Còn năm 2011 có 9 người thiệt mạng. Nguy hiểm là vậy, nhưng người làng Trúc Ly vẫn nối gót nhau xuất ngoại tìm trầm.

Theo ông Hợi, khoảng vài năm lại đây, khi trầm “nội” đã cạn kiệt, người làng Thanh Hưng đã liều mạng theo đầu nậu sang các nước như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar... để tìm trầm. Khi gom đủ “quân”, các đầu nậu thuê xe cho họ sang Lào, từ đây từng nhóm tự mình thâm nhập vào các cánh rừng, xuyên từ nước này sang nước khác để tìm trầm.

Những người xuất ngoại tìm trầm thường không hẹn ngày về. Họ biền biệt trong những cánh rừng xứ người, mọi thông tin qua lại, cũng như tiền bạc gửi về nhà đều qua chủ trầm.

Anh Hoàng Văn Hồng, một phu trầm thâm niên trong làng Thanh Hưng cho biết: Khi tới nơi tập kết, các đầu nậu bố trí cho các phu trầm ăn uống, nghỉ ngơi và đóng gùi (nhu yếu phẩm) trong vòng vài ba ngày rồi lên đường.

Mỗi nhóm tìm trầm được gọi là xâu từ 3 đến 4 người, thường có quan hệ máu mủ, hoặc bạn bè thân. Phu trầm vào rừng đóng lán, khi nào tìm thấy trầm thì liên hệ với đầu nậu, bán lại cho họ. Trừ đi các khoản chi phí ban đầu mà đầu nậu bỏ ra, còn dư bao nhiêu thì nhờ đầu nậu gửi về nhà.

 Mấy lần hắn đòi cùng chúng bạn đi tìm trầm như cha hắn, nhưng tui không cho. Tui lo lắm, nhưng mà e không cản được hắn theo nghiệp cha vì ở nhà cũng không có việc chi cho hắn làm 

Chị Trần Thị Liên

Chị Nguyễn Thị Hiếu, có chồng đang tìm trầm ở Malaysia tâm sự: Anh chị cưới nhau năm 1993, từ bấy đến nay cuộc sống vợ chồng chị như thời chiến tranh. Anh biền biệt trong rừng hết ngày này qua tháng khác, mọi công việc nặng nhọc ở nhà đều một tay chị gánh vác. Chị tự nuôi 4 đứa con ăn học.

Ngày xưa tìm trầm “nội” thì vài ba tháng anh lại có mặt ở nhà, nay theo đầu nậu xuất ngoại tìm trầm thì vài năm anh mới về được một lần. Đứa con trai 20 tuổi cũng đang nối nghiệp cha tìm trầm ở Malaysia.

“Chú coi, ngôi nhà cấp 4 ni, do một mình tui làm đó. Anh ấy cứ biền biệt, khi nào có tiền thì gửi về, không cần biết mấy mẹ con ở nhà xoay xở ra sao. Năm 2010, lụt to, ngập hết nóc nhà, sợ quá tui nhắn anh về làm lại nhà mà mãi không thấy về. Tức quá tui tự thuê thợ, mua vật liệu về làm nhà. Liều rứa mà giờ cũng có ngôi nhà chắc chắn để mấy mẹ con chui vô, chui ra, chứ như trước đây cứ đến mùa bão lũ mẹ con tôi lại phải bỏ nhà xin ở nhờ nhà hàng xóm” - chị Hiếu kể.

Thương tật và chết chóc

Trong căn nhà xiêu vẹo vá chằng vá đụp, ông Đoàn Văn Nhiệm (54 tuổi) nằm trên chiếc giường ọp ẹp với đôi chân bại liệt. Sau bao nhiêu năm theo bạn tìm trầm rừng Việt, ông mất nhiều hơn là được. Nghĩ mình phận bạc, không có duyên với trầm, ông tính bỏ nghề về nuôi cá lồng trên sông Son, nhưng rồi phong trào xuất ngoại tìm trầm đã thôi thúc ông lên đường sang Malaysia.

Ở tuổi 54, ông Nhiệm phải nằm liệt giường sau chuyến tìm trầm ở Malaysia
Ở tuổi 54, ông Nhiệm phải nằm liệt giường sau chuyến tìm trầm ở Malaysia.

Năm 2010, ông và người con trai cả lùng sục khắp các cánh rừng ở Malaysia với hy vọng đổi đời. Một phút bất cẩn, ông bị đá đè nát hai chân. Anh con trai cõng ông vượt rừng gần 10 ngày mới đến được bệnh viện chữa trị. Giờ cả gia đình ông sống nhờ vào những đồng tiền eo hẹp của cậu con trai cả đang vắt hết sức mình phiêu bạt đâu đó trong những cánh rừng của nước bạn.

Về được đến quê hương như ông Nhiệm được coi là may mắn. Hiện rất nhiều người ở thôn Thanh Hưng bị tù đày ở các nước vì xâm nhập lãnh thổ của họ trái phép. Mới đây nhất, có đoàn tìm trầm 10 người bị bắt ở Malaysia, trong đó có ba anh em ruột.

Ông Hoàng Văn L. vẫn nhớ như in cái chết của hai em trai mình trong một chuyến tìm trầm ở Lào mấy năm trước. “Hôm đó 3 anh em tui đóng lán gần một con suối, chia nhau đạp cội tìm trầm. Tui đang vo gạo dưới suối thì nghe loạt đạn phát ra từ lán. Hoảng hồn, tui núp vào một phiến đá, nhìn lên thấy 4 tên tay lăm lăm súng, lấy sạch đồ đạc, gạo cơm. Hai em tui ngã vật trên vũng máu. Đợi đến tối, tui mới dám mò về lán, bới đất chôn hai đứa em xong là chạy một mạch ra khỏi rừng”.

Những người đàn bà ở lại

Đã mấy năm nay, chị Ngô Thị Xuân sống vò võ nuôi con, khi chồng là anh Hoàng Văn H. bị bắt ở Thái Lan và đang thụ án tù. “Anh ấy đóng lán ở Malaysia, nhưng lại đi nhầm sang đất rừng Thái Lan, bị cảnh sát phát hiện, anh bỏ chạy nên bị bắn vào chân. Nghe đầu nậu nói, anh phải chịu án tù đến hết năm nay mới về được. Tui cùng 4 đứa con nhỏ côi cút ở nhà, ai thuê gì làm nấy, rau cháo nuôi nhau” - chị Xuân tâm sự.

Trầm hương đã “hút” hết đàn ông, khiến nhiều ngôi làng ở Quảng Bình hiu quạnh
Trầm hương đã “hút” hết đàn ông, khiến nhiều ngôi làng ở Quảng Bình hiu quạnh.

Không chỉ ở làng Thanh Hưng mà nhiều ngôi làng khác trên đất Quảng Bình năm nào cũng có người mất mạng vì trầm nơi xứ người. Theo ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, riêng ở thôn Trúc Ly khoảng 20 năm lại đây đã có hơn 50 người bỏ mạng vì trầm, hàng chục người khác bị tù đày ở xứ người. Riêng năm 2012 đã có 7 người bị bắn chết ở rừng Thái Lan và Malaysia. Còn năm 2011 có 9 người thiệt mạng. Nguy hiểm là vậy, nhưng người làng Trúc Ly vẫn nối gót nhau xuất ngoại tìm trầm.

Chị Nguyễn Thị Lựu (SN 1979) ở thôn Trúc Ly tần tảo nuôi hai con nhỏ và mẹ chồng 80 tuổi, từ khi chồng là Bùi Văn Quốc (SN 1977) bị bắn chết ở Thái Lan.

Anh Quốc vốn làm thợ nề, thấy người làng thi nhau tìm trầm, anh và Nguyễn Văn Triền (anh vợ) xin đi theo. Sang đất Thái Lan mới được 20 ngày, đầu năm 2013 thì nhóm của anh gặp cảnh sát Thái Lan. Mọi người bỏ chạy, anh Quốc và anh Triền bị bắn chết. Gia đình chị Lựu phải vay mượn 80 triệu đồng để đưa xác hai anh em về.

Sau khi chồng bị bắn ở Thái Lan, chị Lựu trở thành trụ cột gia đình, tần tảo nuôi 4 miệng ăn
Sau khi chồng bị bắn ở Thái Lan, chị Lựu trở thành trụ cột gia đình, tần tảo nuôi 4 miệng ăn .

Cách nhà chị Lựu một con ngõ là nhà chị Trần Thị Liên (43 tuổi). Anh Phạm Văn L (45), chồng chị Liên, bị bắn ở Thái Lan giữa năm ngoái. Chuyến đi này có 7 người trong làng, tất cả đều bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, riêng chồng chị và đứa em con ông chú bị bắn chết.

Mất đi người trụ cột trong gia đình, ba mẹ con chị rơi vào cảnh túng quẫn. Hai đứa con gái đầu phải vào Nam kiếm sống, còn thằng út mới học hết lớp 9 đành nghỉ học ở nhà.

“Tui động viên đi học, hắn không chịu, nói con ở nhà tìm nghề chi mần ăn giúp mẹ. Mấy lần hắn đòi cùng chúng bạn đi tìm trầm như cha hắn, nhưng tui không cho. Tui lo lắm, nhưng mà e không cản được hắn theo nghiệp cha vì ở nhà cũng không có việc chi cho hắn làm” - chị Liên lo lắng cho tương lai con mình.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.