> Xác định nhóm thảm sát năm phu trầm
> 100 cảnh sát điều tra vụ giết hại 5 phu trầm
Trưởng thôn cũng ngậm ngải tìm trầm
Thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh nằm ngay ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa sông Nan và sông Son đổ vào dòng Gianh. Từ trung tâm xã, muốn về Minh Tiến có thể đi đò ngang hoặc đi bộ qua cầu đường sắt Minh Lệ cheo leo.
Chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh, Hoàng Ngọc Thắng trong đám tang của nạn nhân Nguyễn Văn Thắng (SN 1968, một trong 5 phu trầm bị giết hại).
Ông Thắng buồn rầu nói: “Mới chưa đầy 3 tháng mà địa phương chúng tôi phải chứng kiến hai nỗi đau quá sức tưởng tượng. Trước đó là 7 ngư dân xấu số ở thôn Tân Định bị gió mùa đánh chìm tàu mất tích, giờ lại đến 5 phu trầm bị giết hại dã man. Họ mất mạng cũng chỉ vì quá nghèo, tìm đến những nghề mưu sinh nguy hiểm. Lên rừng, xuống biển đều bị nguy hiểm chờ chực, đúng là tai ương bám riết quê nghèo”.
Theo ông Thắng, Quảng Minh là địa phương khó khăn nhất trong vùng, bởi đất đai chật hẹp, địa hình chia cắt. Cả xã có gần 10.000 dân, thì một nửa trong số đó sinh sống trên những ốc đảo và bán đảo. Mỗi người dân nhiều lắm cũng chỉ được vài chục mét vuông đất canh tác. Đất không đủ nuôi người. Nghèo khó, thất học, dân Quảng Minh bao đời nay tha hương kiếm sống, và họ thường phải tìm đến những nghề mưu sinh nguy hiểm.
Ông Hoàng Minh Hiếu, trưởng thôn Minh Tiến cho biết: Thôn có gần 300 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu, thì có đến gần một nửa thuộc diện hộ nghèo. Ruộng vườn ít, chủ yếu do phụ nữ đảm trách, còn đàn ông, trai tráng trong làng đều dựa vào nghề tìm trầm để nuôi sống gia đình.
Ông Hiếu là trưởng thôn, nhưng mỗi năm cũng phải “trốn” đi tìm trầm một, hai chuyến để trang trải cuộc sống gia đình. Lãnh đạo xã biết, nhưng đành tặc lưỡi “cho qua”, vì họ thấu hiểu hoàn cảnh buộc ông phải làm vậy.
Theo ông Hiếu, hầu như năm nào người dân ở thôn Minh Tiến cũng phải đưa tiễn một vài nạn nhân xấu số của nghề tìm trầm. Họ bị đau ốm, rắn rết cắn, thú rừng tấn công, tai nạn bất ngờ, hoặc bị bọn cướp giết hại... Nhưng chưa bao giờ họ biết đến cảnh giết người man rợ như cái chết của 5 phu trầm vừa rồi, trong đó thôn Minh Tiến có hai người là cậu cháu ruột.
Những vành khăn trắng bên sông Nan
Bà Hoàng Thị Nhung, hơn 90 tuổi, ở thôn Minh Tiến, là mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Thắng (SN 1968) đã bỏ cơm kể từ khi nhận được tin con đến nay. Nghe con cháu thông báo có chúng tôi đến, bà gượng dậy, rời giường ra bàn ngồi tiếp chuyện để mong “cán bộ giúp bà trừng trị những kẻ ác” đã giết hại con bà.
Hơn 90 tuổi, bà Nhung mẹ nạn nhân Thắng đau đớn với câu hỏi: “Chỉ thiếu mấy triệu thôi, răng lại giết cả mạng người?”. |
Bà Nhung sinh được 5 người con. Họ lần lượt lấy vợ, gả chồng rồi ra riêng nhưng đều sống cảnh nghèo khó. Bà ở với anh Thắng, hai mẹ con tần tảo nuôi nhau từ bấy đến nay. Điều mà bà Nhung ân hận nhất là cho đến khi bị giết hại, anh Thắng đã 45 tuổi nhưng chưa lấy vợ.
Thúc giục lắm thì hắn nói khi mô làm được ngôi nhà đã rồi mới cưới vợ. Năm trước hắn gom góp, vay mượn làm xong nhà, thì lại nói để trả nợ đã. Ai mà lấy người to tuổi, nợ nần như hắn. Rứa là hắn cứ suốt năm, suốt tháng biền biệt trong rừng cho đến chết mà vẫn chưa cưới được vợ Ba Hoàng Thị Nhung |
“Khi mô dặn lấy vợ thì hắn (anh Thắng) cũng nói để có tiền đã rồi tính. Thúc giục lắm thì hắn nói khi mô làm được ngôi nhà đã rồi mới cưới vợ. Năm trước hắn gom góp, vay mượn làm xong nhà, thì lại nói để trả nợ đã. Ai mà lấy người to tuổi, nợ nần như hắn. Rứa là hắn cứ suốt năm, suốt tháng biền biệt trong rừng cho đến chết mà vẫn chưa cưới được vợ” - bà Nhung nói trong nước mắt.
Hôm anh Nguyễn Văn Hà (bạn đi trầm cùng anh Thắng) từ rừng về thông báo gom tiền chuộc để cứu anh Thắng, bà Nhung chết lặng. Sống gần hết cuộc đời, chưa lúc nào trong tay bà cầm được triệu bạc.
Bà gọi con cháu đến, tất cả cũng chỉ biết nhìn nhau khóc, kiếm đâu ra một lúc 30 triệu đồng để chuộc hai cậu cháu về. Làng xóm biết tin chạy đến, người góp vài chục, kẻ vài trăm nhưng cũng không đủ số tiền mà bọn bắt cóc yêu cầu.
Giao bọc tiền vẫn còn thiếu cho anh Hà, bà Nhung nắm chặt tay anh nói: “Nhờ cháu nói với họ là gia đình mệ đã hết sức, xin các anh tha cho hắn về. Các anh không thương hắn, thì thương mệ với. Hắn còn nuôi mẹ già, nếu hắn có mệnh hệ chi thì mệ làm răng sống nổi”.
Anh Hà đi rồi, bà Nhung lo lắng không ngủ, nuôi hy vọng con trai mình sẽ được tha về. Nhưng rồi bà Nhung đã chết lặng khi hai chiếc quan tài được người làng khiêng về đặt trước hiên nhà. “Nhờ cán bộ với. Cán bộ phải bắt được mấy thằng ác ôn đó về cho mệ hỏi một câu. Con mệ có ăn ở ác với ai mô, chỉ thiếu có mấy triệu thôi răng mà giết cả mạng người?” - bà Nhung nắm chặt tay chúng tôi nói.
Sau đám tang chồng, chị Hòe chỉ biết ôm 3 đứa con mà than thân trách phận . |
Chị Hoàng Thị Hòe (SN 1982) ở thôn Chay, xã Quảng Sơn, như điên dại kể từ sau đám tang của chồng là Trần Văn Trị (SN 1980). Mất đi người chồng trụ cột gia đình, chị chỉ biết ngồi ôm 3 đứa con thơ vào lòng khóc than cho số phận. Mẹ chồng của chị Hòe là bà Hoàng Thị Lý, 74 tuổi, lâu nay vẫn ở chung với gia đình anh chị, buồn rầu tiếp chuyện chúng tôi.
Sau bao năm biền biệt chốn rừng sâu, núi thẳm, năm ngoái vợ chồng anh Trị, chị Hòe mới gom góp xây được căn nhà cấp 4, nhưng chưa có tiền để tô trát, cửa ngõ bốn bên vẫn thông thống gió lùa. “Trước Tết hắn đi cũng gặp trấn cướp, lấy hết gạo cơm, tiền bạc. Hắn nói chỉ mong kiếm đủ tiền để hoàn thiện ngôi nhà là bỏ nghề, ở nhà kiếm nghề khác rau cháo qua ngày...” - bà Lý nói.
Hôm nhận được thông tin của anh Hà về thông báo gom tiền chuộc, gia đình bà Lý cũng chạy vạy khắp làng mà vẫn không đủ tiền theo yêu cầu của bọn bắt cóc. Các gia đình khác đều khó khăn, đáng ra 7 người phải là 105 triệu, nhưng cả 7 gia đình chỉ gom được 40 triệu đồng để anh Hà mang đi. Sau hai ngày, hai đêm vượt rừng, khi anh Hà chưa mang tiền vào đến nơi thì bọn bắt cóc đã ra tay giết hại 5 phu trầm.
(Còn nữa)
Nhận ra kẻ thủ ác qua ảnh Tin từ cơ quan chức năng ngày 1/4 cho biết: Hai nhân chứng thoát nạn trong vụ 5 phu trầm bị sát hại ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là anh Đỗ Văn Hiền và Hoàng Văn Hà đã nhận ra những kẻ thủ ác qua ảnh mà cơ quan chức năng cung cấp. Theo đó, trong hàng loạt ảnh của các đối tượng nghi vấn, cả anh Hiền và anh Hà đã cùng nhận ra hai trong số ba đối tượng gây ra vụ thảm sát nói trên, gồm 2 người Việt ở bản Tà Păng, xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị), đối tượng còn lại ở huyện Sê Pôn, Xavanakhet (Lào). Hiện các đồn biên phòng tuyến biên giới của hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, đặc biệt là đồn biên phòng Cù Bai (Hướng Hóa) và đồn biên phòng Làng Ho đã cử cán bộ về tận các bản người dân tộc vận động nhân dân cảnh giác và tố giác tội phạm khi phát hiện các đối tượng nghi vấn. |