Hơn nửa thế kỷ đối đầu Hà Bá

Hơn nửa thế kỷ đối đầu Hà Bá
TP - Đã qua tuổi thất thập, cụ Quách Trọng Hoan vẫn ngày ngày rèn luyện sức khoẻ để làm việc thiện. Ngôi nhà nhỏ của ông đã thành điểm đến của nhiều cảnh đời lang thang cơ nhỡ, bệnh tật. Tuy nhiên, ông nổi tiếng từ việc chuyên cứu người đuối nước. Hơn 60 năm qua, ông đã vớt được 63 người, trong đó cứu sống 7 người.

> 'Hiệp sỹ' sông Lô
> 'Hiệp sĩ' bơi sông bắt cướp

Ông Hoan bên chiếc thuyền kiếm sống ở Biển Hồ
Ông Hoan bên chiếc thuyền kiếm sống ở Biển Hồ.

Chạy đua với Hà Bá

Khu vườn nhỏ mùa khô cây cối trơ trọi, cổng không khép, tôi bước thẳng vào nhà ông bên Biển Hồ (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ông đi vắng, tấm bìa cạc-tông treo trước cửa “Ai cần tôi gọi số 01645298…”. Tôi bấm điện thoại, nhận ra giọng ông trong trẻo so với cái tuổi 73. Ông phóng xe máy về, tóc bạc, râu bạc, nhưng da dẻ đỏ au, chân tay rắn chắc như trai tráng đôi mươi.

Ngồi dưới gốc cổ thụ, bên cạnh am thờ phật, thờ thần do một số người phát tâm dựng nên, cụ Hoan kể về cái nghiệp cứu người đuối nước có từ thời còn mặc quần xà lỏn thả trâu ven sông quê ở miền núi Xích Thổ, Nho Quan (Ninh Bình).

Cậu bé Hoan chừng 12 tuổi, một hôm đang thả trâu ven sông thì nghe lao xao tiếng người kêu cứu. Nhìn sang bến đò ngang, ông thấy chiếc thuyền chòng chành sắp chìm, phần lớn những người trên thuyền là bà con thân thuộc của cậu.

Hoan thúc trâu phóng thẳng xuống nơi đò đắm, lao ra kéo người chị ruột và anh họ của mình vào bờ. Chiếc đò đắm ấy có nhiều người làng chết, riêng gia đình nhà chú của Hoan mất đi 3 người.

Sau này tham gia thanh niên xung phong, có lần hành quân qua suối Ho-Quảng Bình, bom đánh đứt cầu treo, bộ đội rơi xuống suối, nhiều người chết, mất tích. Hoan đã lặn, mò và vớt được một thi thể. Đấy là lần đầu tiên ông vớt xác người đuối nước...

Biển Hồ rộng khoảng 280ha, nằm phía Bắc TP Pleiku, nhiều nơi nước sâu 16-17m, quanh hồ có nhiều rừng thông, cảnh đẹp nên thanh niên, học sinh thường đến chơi, đi thuyền, bơi lội. Nhiều người buồn chán cuộc sống chọn nơi đây làm chốn quyên sinh.

Mới đây, chiều 28-2, một số người dân đi câu cá tại Biển Hồ thấy cô gái chừng 25 tuổi mặc áo màu trắng tiến về phía hồ rồi nhảy xuống vực sâu. Người dân tìm cách cứu nhưng bất lực.

Cụ Hoan nhận được điện thoại của anh Minh công an xã Biển Hồ, chạy vội ra hiện trường ngụp lặn, tìm kiếm. Sau hơn 1 giờ, cụ đã đưa được thi thể nạn nhân lên bờ ở độ sâu chừng 7m, da thịt còn ấm, song hô hấp nhân tạo mãi không thành.

Cách đây 4 năm, anh Dũng ở Đăk Đoa-Gia Lai có người cháu lên chơi, đi thác đôi tắm không may chết đuối. Gia đình đã mời những thợ lặn chuyên nghiệp từ Nha Trang, Quy Nhơn lên 2 ngày lặn mò vẫn không tìm thấy xác.

Ông đến, chỉ sau 2 hơi lặn, đã đưa xác anh thanh niên lên bờ. Thi thể này nằm ở độ sâu 8-9 m, giữa khe đá tối tăm do thác nước tạo thành.

Sống nghề sông nước nhiều năm, bằng kinh nghiệm, ông tiên liệu được những tình huống mà người thường khó thấy, lắm khi can ngăn khuyên nhủ khách nhiệt tình. Nhiều vị khách không nghe, nên hậu quả thường rất đau xót.

Năm 2001 một nhóm 7 học sinh lớp 11 rủ nhau ra Biển Hồ thuê ghe đi chơi. Trời âm u, gió hiu hắt, nhìn các cháu lên thuyền ông chạy ra ngăn cản. Thuyền nhỏ, gió to, chở đầy, ra xa dễ có chuyện khôn lường.

Các cháu không nghe đã đành, người lái thuyền cũng thiếu kinh nghiệm. Khi thuyền ra khỏi bờ một lúc thì lật, 6 mạng người chìm dưới nước, chỉ một cháu may mắn được cứu thoát. Tai nạn ấy khiến ông ân hận mãi: Giá như mình quyết liệt hơn.

Ông Hoan bảo, hơn 60 năm qua, ông đã vớt được 63 người đuối nước trong đó cứu được 7 người. Hầu như ở Bắc Tây Nguyên, khi người ta bất lực trong việc tìm kiếm thi thể đuối nước, họ đều tìm đến ông.

Có thi thể bám cứng vào cây cối, có xác luồn sâu dưới gốc rễ cây, khe đá. Năm ngoái ông bán vườn bời lời mua được bộ đồ lặn người nhái hơn 27 triệu đồng, có bình thở, chân vịt, lặn được 40 phút. Đến giờ, chưa có trường hợp nào nan giải cần dùng đến đồ nhái.

Hạnh phúc khi làm việc thiện

Ông Hoan vớt một cô gái tự tử ở Biển Hồ ngày 28-2-2013
Ông Hoan vớt một cô gái tự tử ở Biển Hồ ngày 28-2-2013 .

Mặc dù tuổi cao nhưng khi có tai nạn đuối nước nào gọi là ông sẵn sàng lên đường, kể cả lúc đang bưng bát cơm ăn dở: “Quan niệm của tôi là không gì gấp hơn cứu người chết đuối, không gì hạnh phúc hơn cứu được người chết đuối. Nếu không cứu được cũng cố mò vớt, bởi thân nhân của họ luôn đau đáu việc tìm xác...”.

Ngày thường ông sống bằng mảnh vườn và công việc đánh bắt tôm cá quanh Biển Hồ. Ông ăn uống đạm bạc, nhu cầu cá nhân không có gì đáng kể nên chẳng cần nhiều tiền. 4 người con của ông ai cũng thành đạt, người làm công an, người kiến trúc sư, người là cán bộ ngân hàng, người làm bưu điện, đều có gia thất cơ ngơi riêng do họ tự tạo dựng, ông không phải lo. Mà muốn lo cũng chẳng được.

Từ khi ông rời phố ra sống cạnh Biển Hồ, lấy cỏ cây sông nước, cưu mang những người cơ nhỡ làm vui, đến nay đã có 193 người nhận ông là cha nuôi, đa số là đồng bào thiểu số địa phương. Có người đến ở vài năm, có người vài ba tháng.

Một nữ đồng nghiệp làm báo với chúng tôi ở Gia Lai, được ông cưu mang. Hồi mới ra trường, từ quê Ninh Bình, cô vào Tây Nguyên nhận việc. Không biết nương nhờ ai, cô đã tá túc nhà ông Hoan đồng hương gần nửa năm.

Nhiều người đến đây mò tôm, đánh cá với ông, khuây khoả qua ngày đoạn tháng rồi tìm nơi khác khởi nghiệp giờ đã thành triệu phú, tỉ phú như anh Trần Phương ở Đăk Glei (Kon Tum), anh Tiệp ở Chư Păh, anh Phận-Chư Sê (Gia Lai)…

Vài năm lại đây, một số phật tử, tiểu thương ở Gia Lai nghe tâm đức của ông đã tin cậy giao phó công tác từ thiện, giúp đỡ gia đình nghèo khó, trẻ mồ côi ở các buôn làng vùng sâu vùng xa cho ông. Họ quyên góp quần áo cũ, mì tôm, thực phẩm, tiền bạc giao ông đi trao cho các địa chỉ cần giúp. Ông xem đấy cũng là trách nhiệm, niềm vui.

Nhìn ông rắn chắc, tôi băn khoăn mãi cách nào để một cụ già 73 tuổi có sức khoẻ dẻo dai như vậy. Ông bảo, để giữ được sức khoẻ, phải luôn rèn luyện hàng ngày.

Ông tủm tỉm: Mấy chục năm rồi không nghĩ đến… đàn bà! Sáng nào ông cũng tắm, cũng lặn để rèn sức khoẻ. Mỗi tuần ông đều đặn leo núi Tiên Sơn 1 lần. Mới đây con cái cho chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại, chứ trước đây chủ yếu ông đi bộ. Từ năm 2000, ông bỏ hẳn thuốc lá, mùng 1 Tết năm nay bắt đầu kiêng bia rượu. Ông bảo “Muốn lặn sâu phải có sức khoẻ, phổi phải khoẻ để đủ khí và có sức chịu áp lực nước lớn khi xuống sâu”.

“Tôi tâm theo Phật, hồn theo Bác. Từ nhỏ đến giờ đã tự mình bươn chải kiếm sống, tự học, tự làm nuôi thân, không phải nhờ đến ai. Năm 1978, chúng tôi là lớp cán bộ có trình độ đại học vào tăng cường cho Tây Nguyên. Tuy nhiên tính tôi cương trực thấy một số việc ở Ban Kinh tế mới - Định Canh định cư của tỉnh không vừa ý nên xin nghỉ mất sức sớm, giờ hưởng chế độ hơn 500.000đ/tháng” - ông kể.

Từ khi ông rời phố ra sống cạnh Biển Hồ, lấy cỏ cây sông nước, cưu mang những người cơ nhỡ làm vui, đến nay đã có 193 người nhận ông là cha nuôi.

Có người đến ở vài năm, có người vài ba tháng. Nhiều người đến mò tôm, đánh cá với ông, khuây khoả qua ngày đoạn tháng rồi tìm nơi khác khởi nghiệp giờ đã thành triệu phú, tỉ phú như anh Trần Phương ở Đăk Glei (Kon Tum), anh Tiệp ở Chư Păh, anh Phận-Chư Sê (Gia Lai)…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG