Ban nhạc U90 giữa phố Hội

Ban nhạc U90 giữa phố Hội
TP - Giữa đêm rằm phố cổ Hội An (Quảng Nam) lung linh, những giai điệu bất hủ vẳng ra từ một khán phòng trên đường Lê Lợi như níu giữ một thời Hội An đầy ắp tiếng nhạc. Và người chơi những bản hòa tấu đó chính là ban nhạc U90.
Ban nhạc U90 rộn ràng tiếng nhạc giữa phố Hội (cụ Quảng chơi piano, cụ Hao chơi phong cầm, bác Châu chơi guitar). Ảnh: Nguyễn Huy
Ban nhạc U90 rộn ràng tiếng nhạc giữa phố Hội (cụ Quảng chơi piano, cụ Hao chơi phong cầm, bác Châu chơi guitar). Ảnh: Nguyễn Huy .

Tóc bạc chơi đàn

Tối 14 âm lịch, đêm rằm phố cổ. Nơi góc nhỏ khán phòng Cung Đàn Xưa (78 Lê Lợi) sôi động. Bác Dương Hạ Châu tỉ mỉ lau chùi cây guitar óng vàng để chuẩn bị bước vào giờ chơi nhạc.

62 tuổi, trẻ nhất trong ban nhạc U90, ngón đàn guitar của bác Châu được đánh giá vào loại…tinh luyện.

Đôi tay nhăn nheo, ánh mắt bắt đầu mờ dần vì tuổi tác, nhưng bác Châu bảo: chơi bằng tâm hồn, bằng cảm nhận, chứ có phải bằng mắt thường đâu.

19 giờ, khán phòng kín chỗ. “Có người đặt chỗ trước cả tuần, không thì phải đến thật sớm mới có cơ hội được ngồi thưởng thức ban nhạc độc đáo này”, anh Nguyễn Phi Thuận (35 tuổi, quê Đà Nẵng), một hướng dẫn viên du lịch nói nhỏ.

Nhìn quanh, đủ già trẻ, trai gái, ta, Tây… “Cánh bướm vườn xuân”- bản hòa tầu bất hủ của Pháp được cụ Hoàng Vũ (74 tuổi) - MC kiêm ca sĩ giới thiệu mở đầu đêm nhạc.

Sau những giai điệu piano dẫn dắt của nhạc công La Gia Quảng (86 tuổi), bác Châu đệm guitar réo rắt rồi theo từng cung bậc để lên cao (lead) hay đệm bè, xuống quãng (accord).

Tuổi cao, nhưng cụ Hao vẫn điêu luyện
Tuổi cao, nhưng cụ Hao vẫn điêu luyện .

Thêm tiếng accordéon của cụ Thái Chi Hao (86 tuổi), bản hòa tấu càng thêm chinh phục thính giả.

Cả ban nhạc đều có điểm chung là những mái tóc bạc, đôi tay nhăn nheo nhưng tiếng đàn, điệu nhạc thì chưa có dấu hiệu của sự “lão hóa”. Vài ba phút, bản nhạc kết thúc trong tiếng vỗ tay tán thưởng và cảm giác nuối tiếc của cả khán phòng.

Không phải chờ lâu, bản hòa tấu bất hủ của Italia một thời- Trở về mái nhà xưa – tiếp diễn. Chưa đầy hai tiếng đồng hồ, các nhạc công ban nhạc U90 phố Hội đánh đủ các bản hòa tầu đặc sắc từ châu Âu đến Việt Nam, qua bài Dừng bước giang hồ…

“Toàn những bản rất lâu đời rồi, ngay cả chúng tôi cũng chẳng nhớ nổi năm sáng tác nữa. Như bài Cánh bướm vườn xuân, hồi học cấp 2 bác đã nghe thấy nó rồi. Thấy thích, rồi luyện tập để tự chơi với nhau”, bác Châu nói.

“Chơi nhiều cũng thấy mỏi mỏi tay, nhưng khán giá cổ vũ nhiệt tình quá, mình lại thấy “sung”. Chơi tiếp.

Mỗi bản nhạc là một trải nghiệm đầy thích thú với âm nhạc của chúng tôi. Bao năm rồi nhưng cái cảm giác này chưa bao giờ mai một” – cụ La Gia Quảng bộc bạch.

Ngồi thâm trầm sau buổi diễn, cụ Quảng khoe đang sở hữu cây đàn piano quý như báu vật. Đàn có vài chục năm nay, từ lúc cụ bắt đầu luyện tập.
Các nhạc công nói, niềm vui của họ giản dị là được thỏa sức rảo tay trên phím đàn và nhâm nhi ly trà mỗi ngày.

Nhạc công đa tài

Là cháu ruột của cố nhạc sĩ phố Hội La Hối - người thầy của những tên tuổi âm nhạc như Hoàng Tú Mỹ, Dương Minh Ninh, Hoàng Hữu Tiết... và nổi tiếng với kiệt tác Xuân và tuổi trẻ - cụ Quảng được thừa hưởng nhiều phong cách, tài năng âm nhạc của cố nhạc sĩ này. Hết piano, cụ Quảng sở trường với guitar bass.

Nhiều nhạc công trong ban nhạc từng được “thầy” Quảng truyền dạy, giờ trở thành đồng nghiệp trong ban nhạc U90 độc nhất giữa phố cổ.

“Cái chính là mình khơi dậy niềm đam mê, cảm thụ âm nhạc của mỗi người và nhìn thấy ở họ những tài năng, sở trường có thể phát huy. Âm nhạc là một cuộc chơi đúng nghĩa”, cụ Quảng nói.

Hai con trai cụ giờ cũng theo nghề dương cầm, biểu diễn ở hầu hết chương trình văn hóa nghệ thuật ở phố cổ ven sông Hoài này. “Gia đình âm nhạc” - mọi người nhắc về các thế hệ gia đình cụ Quảng như vậy.

 MC, ca sĩ ban nhạc - cụ Hoàng Vũ hát hay, dẫn chương trình giỏi và đa tài với nhiều nhạc cụ. Ảnh: Nguyễn Huy
MC, ca sĩ ban nhạc - cụ Hoàng Vũ hát hay, dẫn chương trình giỏi và đa tài với nhiều nhạc cụ. Ảnh: Nguyễn Huy.

Mê guitar từ nhỏ. Gia cảnh khó khăn, chẳng đủ điều kiện đến các lớp luyện đàn, bác Châu tự mày mò nghiên cứu rồi “học lỏm” ở một số cơ sở dạy nhạc Hội An. Không chỉ là tay chơi guitar nổi tiếng, bác Châu còn đa tài với đủ loại nhạc cụ mandolin, harmonica, violon…

Ngoài buổi biểu diễn ở Cung Đàn Xưa, bác Châu mỗi tối lại chơi ở các phòng trà, nhà hàng và chủ yếu cho… Tây nghe. Không hiếm lời mời từ phòng trà, quán hàng ẩm thực trên địa bàn, nhưng từ ngày Cung Đàn Xưa “đỏ điện”, bác Châu hăng hái tham gia.

MC kiêm ca sĩ Hoàng Vũ bước sang tuổi thất thập. MC tuổi ấy quả xưa nay hiếm. Nhưng mỗi lần trên sâu khấu, sự hóm hỉnh, cách dẫn dắt điêu luyện của bác Vũ cảm nhận rõ nội dung của các bản hòa tấu. Người đàn ông với mái đầu bạc phơ, không chỉ là MC, còn hát hay, và chơi được nhiều nhạc cụ.

“Ban đầu tôi chỉ đến nghe nhạc, lên hát một vài bài cho vui, nhưng không ngờ lại có duyên gắn bó với đội nhạc”, cụ Vũ kể. Qua vòng “sát hạch” của cụ Quảng, cụ Vũ trở thành thanh viên không thể thiếu của ban nhạc U90.

Hồn phố

Ý tưởng thành lập ban nhạc được ông Võ Phùng- Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao TP Hội An khởi xướng gần chục năm nay.

Ban đầu, ban nhạc “đóng quân” ở quán cà phê Serenade cùng nằm trong con hẻm trên phố Lê Lợi. Sau đó được dời đến số mới, với cái tên Cung Đàn Xưa.

Cụ Quảng kể: ban nhạc hiện có 5 thành viên, nhưng trước đó có gần chục. Nhạc sĩ Võ Tấn Nam chơi guitar, đã mất mấy năm nay vì tai nạn giao thông.

Cách đây vài tháng, cụ Lê Khuê chơi violon phải nghỉ vì tuổi cao, bệnh tật… Bây giờ, người lớn nhất đã 86 tuổi, trẻ nhất cũng 62.

Ban nhạc hoạt động chính vào ngày 14 âm lịch mỗi tháng. Còn lại tùy theo sự kiện giao lưu văn hóa của thành phố mà tổ chức các buổi hòa nhạc cho người dân và du khách.

Theo ông Võ Phùng: mục đích thành lập ban nhạc nhằm khôi phục nét văn hóa, hình ảnh đẹp của phố cổ vốn có. Tạo điểm nhấn du lịch và không gian văn hóa đặc trưng.

 Hồi đó Hội An chủ yếu là xe đạp, hoạc bách bộ, tiếng đàn thánh thót, réo rắt trong mỗi con hẻm, ngõ phố khiến người ta nôn nao xúc cảm đến lạ. Giờ tiếng động cơ dày đặc dần nên có tiếng nhạc từ những không gian thế này rất ý nghĩa.

Cụ Thái Chi Hao kể: Hội An những năm trước 1960, không khí âm nhạc rất sôi động. Người thường cũng tìm cách để chơi mandolin… “Hồi đó Hội An chủ yếu là xe đạp, hoạc bách bộ, tiếng đàn thánh thót, réo rắt trong mỗi con hẻm, ngõ phố khiến người ta nôn nao xúc cảm đến lạ. Giờ tiếng động cơ dày đặc dần nên có tiếng nhạc từ những không gian thế này rất ý nghĩa”- cụ Hao bộc bạch.

Không phải ngẫu nhiên mỗi đêm diễn của các cụ lại chật kín thính giả đến thể. Anh Bernard (45 tuổi, quốc tịch Pháp) bảo: Chúng tôi có nghe một số bạn bè kể về ban nhạc độc đáo này, phải mất mấy ngày chờ mới được nghe các cụ thể hiện. Rất hay!

Ông Võ Phùng nói: Các cụ hoạt động với niềm đam mê là
chính, còn lại cơ chế hỗ trợ rất hạn chế. Trung tâm đang ấp ủ nâng tần suất hoạt động của ban nhạc hoặc chuẩn bị sẵn một số nhạc cụ để du khách có thể cùng chơi, hòa tấu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG