Bản Dõn, chập chờn ký ức

Bản Dõn, chập chờn ký ức
TP - Chập chờn quên quên nhớ nhớ câu chuyện của vị trưởng ban. Ngôi nhà của Báo Tiền Phong nằm trên một quả đồi thâm thấp thuộc bản Dõn được che bởi những tán cây rừng và cọ rậm rạp. Từ quả đồi sang bên Đình Tân Trào chỉ hơn một giờ đi bộ.

> Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn các thời kỳ với báo Tiền phong

Bản Dõn, xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang nơi báo Tiền Phong ra số đầu tiên. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bản Dõn, xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang nơi báo Tiền Phong ra số đầu tiên. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Những thương mến cũ

59 năm trước, Trưởng Ban báo kiêm Thư ký tòa soạn báo Tiền Phong là Nguyễn Thanh Dương (sau này là Tổng Biên tập Báo), Chủ nhiệm chính trị tờ báo là ông Nguyễn Lam (sau này là Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ).

Ông Dương còn nhớ rất kỹ, khi dựng ngôi nhà bằng tranh tre nứa lá này cho Báo Tiền Phong, anh chị em Thanh niên xung phong, lực lượng chuẩn bị nơi ăn chốn ở chủ yếu của các cơ quan trung ương ở ATK khi đó đã giữ nguyên một cây cổ thụ để ngôi nhà nép vào.

Như vậy giữa ngôi nhà là một gốc cây sừng sững, thân cây đồ sộ xuyên qua mái vượt trên mái cọ mười mét che phủ kín đáo không những ngôi nhà Báo Tiền Phong mà còn mấy ngôi nhà kế bên của cơ quan T.Ư Đoàn.

Bây giờ, ông Dương đã thành người thiên cổ. Mới 59 năm chứ mấy, đứng giữa đỉnh đồi trống huơ hoác trơ trụi của Bản Dõn thấy nghiệt ngã những bước chầm chậm vô hình của thời gian lẫn tai ách của việc phá rừng lâu nay mà hãi!

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam kể lại: Cách làm báo khi đó hơi lạ. Sau khi bài vở viết xong chúng tôi họp lại để duyệt tập thể. Tác giả của mỗi bài viết tự mình đọc lên cho mọi người cùng nghe. Sau đó từng người góp ý kiến. Thường ý kiến của hai thanh niên là Tôn Sơn (Mai Nam) và anh Hậu (hình như đang ở Thái Bình) được tôn trọng nhất và lấy làm chuẩn. Bởi theo anh Nguyễn Lam, họ là đại diện cho lớp thanh niên, là độc giả trực tiếp đọc những bài báo ấy! Sau đó, anh Nguyễn Thanh Dương chỉnh lý rồi nộp cho Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Lam duyệt trước khi đưa nhà in.

Ông Nguyễn Thanh Dương tham gia cách mạng từ trước năm 1945, sau đó về công tác ở T.Ư Đoàn trên chiến khu Việt Bắc.

Năm 1953, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị xuất bản tờ Tiền Phong, tờ báo mới của Đoàn (trước đó các tờ Hồn Nước, Xung Phong, Sức Trẻ... mỗi tờ chỉ ra được ít số do nhiều nguyên nhân phải đình bản).

Như chuyện của ông Dương, báo ra được phải có tài chính. Rồi cũng có cách. T.Ư Đoàn vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) góp tiền lập quỹ để ra báo. Hàng ngàn chi đoàn, hàng vạn ĐVTN đã hăng hái tổ chức lao động tập thể lấy tiền gây quỹ. Nhiều người bỏ tiền túi đóng góp. Chỉ vài tháng T.Ư Đoàn đã nhận được mấy triệu đồng. Vấn đề khó khăn nữa là cán bộ. Chuẩn bị ra báo chỉ có mấy người.

Anh Lê Quân, Văn Quý, Tôn Đức Lượng và hai thanh niên Tôn Sơn và Hậu (anh Lê Quân sau này là Phó TBT, đã mất. Anh Văn Quý sau này về Báo Nhân Dân, cùng khu tập thể với tôi và bác họa sĩ Tôn Đức Lượng).

Tôn Sơn chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam sau này. Lúc đầu báo sẽ ra một tháng 2 kỳ, bốn trang. Măng sét báo do họa sĩ Tôn Đức Lượng chuẩn bị. Cuối tháng 10-1953, bản thảo và ma-két được chuẩn bị xong và được gửi tới nhà in cách bản Dõn 70 cây số.

Vẫn theo câu chuyện của ông Dương: "Anh Lê Quân và Tôn Sơn ở tại nhà in để xử lý mo-rát cho đến khi in xong tờ báo. Trong suốt nửa đầu tháng 11, chúng tôi ai cũng trông ngóng mong chờ. Chiều 15-11, Lê Quân và Tôn Sơn bất ngờ xuất hiện bên kia suối, mỗi người đèo sau xe một tập báo dày. Ngay sau đó, những tờ báo còn thơm mùi mực đã được mọi người giở xem. Sáng hôm sau, tôi cùng anh Lam và các đồng chí lãnh đạo khác họp để nhận xét số báo đầu tiên".

Cách ngày số báo đầu ra hai hôm, dự giao ban thường kỳ ở Ban Tuyên huấn T.Ư ( hóa ra cái nếp giao ban ấy bền lâu đến tận bây giờ?), đồng chí Trưởng Ban Tố Hữu cầm tờ báo trên tay khen báo đẹp.

Có cái may như ông Dương cho hay là, không chỉ số đầu mà nhiều số báo tiếp theo, Tiền Phong được in trên giấy tốt và có in... ảnh! Số là đoàn đại biểu thanh niên nước ta đi dự Liên hoan quốc tế đem về những bản kẽm in ảnh làm từ nước ngoài.

Ông Tố Hữu chỉ vào tờ Tiền Phong số I nói với ông Dương: “Răng lại viết cái tít xã luận Thà chết không đi lính cho giặc mà không viết Kiên quyết đập tan âm mưu bắt lính của giặc. Viết như thế nó toát lên tinh thần chủ động của ta chứ tít cũ thụ động quá!".

Cũng cần nói thêm, do nhiều lý do, tờ báo Tiền Phong đầu tiên ra ngày 16-11-1953 ấy nay đã bị thất lạc. Dịp kỷ niệm 50 năm (2003) tôi thấy ông Dương đôn đáo đi tìm khắp nơi sang cả thư viện Quốc gia nhưng vẫn không thấy? Nay sắp 60 năm kỷ niệm, có bạn đọc nào nguồn nào tầm được thì may mắn và biết ơn lắm!

Sau khi ra số báo đặc biệt mừng Quốc khánh 2-9, Báo Tiền Phong rời Bản Dõn dừng chân ở Đại Từ (Thái Nguyên) để chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô là cả một câu chuyện dài.

Đó là năm 1954. Báo dừng chân ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Quân y Viện 108) rồi phố Hàm Long, rồi về số 3 Hồ Xuân Hương. Sau này định đô hẳn ở 15 Hồ Xuân Hương cho đến bây giờ.

Ông Dương là cả kho chuyện. Như một chứng nhân can dự vào nhiều sự kiện của Tiền Phong. Ông từng nằm nhiều ngày với phóng viên phương Tây ở hội nghị Trung Giã. Ông có nhiều kỷ niệm và từng tác nghiệp với Roman Carmen (đạo diễn Liên Xô với bộ phim tài liệu nổi tiếng "Việt Nam"), với W. Burchett (nhà báo chiến trường người Úc có quan hệ đặc biệt với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Xuân Diệu.

Ông phát hiện ra cây bút Dương Thị Xuân Quý khi chị gửi những bài dự thi cho một cuộc thi của Báo nhà những năm 1960.

Từ bài báo mấy kỳ của ông trên Tiền Phong về một cố nông đổi đời trong cải cách ruộng đất, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tìm đến ông Dương để viết cuốn Truyện Anh Lục.

Còn đây Bản Dõn

Bản Rõn hay Dõn? Có lần tôi cẩn thận hỏi lại ông Nguyễn Thanh Dương và bác Tôn Đức Lượng. Hai cụ tiên chỉ Tiền Phong đều khẳng định là Rõn. Như cách phát âm của dân Thái Bình cong lưỡi chữ Dõn vậy! Chả hiểu sao lại thế?

 Bia kỷ niệm tại nơi từng là lán của báo Tiền Phong ở bản Dõn
Bia kỷ niệm tại nơi từng là lán của báo Tiền Phong ở bản Dõn .

Bản Dõn, năm 1953 ấy thuộc xã Thanh La thuộc châu Tự Do, tỉnh Tuyên Quang. Nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Ông Bí thư Đảng ủy xã còn nghèo Minh Thanh gần năm ngàn rưỡi khẩu bà con người Tày chiếm 75% có cái tên khá oách, Ma Triệu Phú.

Ông nở nụ cười ngập ngừng có thể tên bản cũ ngày trước là Dõng. Bản Dõng. Tiếng Tày dõng là suối khe. Sau này đọc chệch đi chăng? Minh Thanh đồng rừng cơ cấu nông lâm với 130 ha chè và 373 ha lúa hoay hoay mãi mà vẫn chưa thoát hết gian nan.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đương còn khá cao. Không riêng cái nôi Tiền Phong ra đời ở Bản Dõn mà hàng chục bộ ngành cũng có lịch sử tương tự ngay tại Minh Thanh này. Có hàng chục cuộc về nguồn mỗi năm của nhiều bộ ngành. Chưa kể bây giờ đường sá thông thoáng, khách du lịch tìm về Minh Thanh, xã gần như một điểm nhấn của ATK Định Hóa Tuyên Quang, xã có nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh lẫn quốc gia mỗi năm mỗi đông. Chả cứ mùa xuân mà ngày nào cũng có.

Hướng du lịch dịch vụ cho dân Minh Thanh, tại sao không? Trăn trở đó của ban lãnh đạo xã đã trở thành nghị quyết của Đảng bộ của HĐND xã. Từ nghị quyết sẽ có nhiều cách làm cụ thể sáng tạo gần kịp với cơ chế thị trường.

Bí thư Ma Triệu Phú bộc bạch, để du khách lên Minh Thanh có muốn tí quà mang về cũng phải là đặc sản chè của chính đất chiến khu này chứ không phải tìm về nơi khác vùng khác mà mua! 130 ha chè của Minh Thanh không thể cấp suông nguyên liệu cho nhà máy chè địa phương mà phải trở thành chè đặc sản trở thành một thương hiệu hàng hóa.

Rồi quán xá, dịch vụ ăn uống của Minh Thanh đây phải trở thành nơi nồng nàn níu chân khách chứ không thể du khách tới Minh Thanh thăm thú đến bữa là ba chân bốn cẳng vù đi nơi khác.

Mình về mình có nhớ ta... Nhớ nhiều chứ (nói dại mồm, cứ dằng dai cứ ác liệt mãi cái thời chống Mỹ khéo mà cha con Tiền Phong lại phải trở lại vùng đất chiến khu này trong đội hình sơ tán!).

Thế rồi may mắn yên hàn lâu, hòa bình mãi rồi cứ lật bật tất tả với chằng chịt những sự vụ làm báo với mưu sinh. Khi giật mình thì đà sắp chẵn một hoa giáp (60 năm) xa cách. Áy náy vì chưa làm được chi nhiều.

Dịp 50 năm kỷ niệm Báo (2003) cũng xây cho Minh Thanh cái nhà văn hóa thanh thiếu nhi nhỏ xinh. Hai bộ máy tính tặng ngày ấy nay đã trục trặc. Sách vở tặng thư viện từ năm 2003 và 2006 cần được bổ sung thêm.

Dịp kỷ niệm này, Báo lại đem chút vốn hùn hạp với địa phương sửa lại Nhà văn hóa, cán bộ, phóng viên góp thêm mấy trăm đầu sách và báo mới. Dịp này Báo cũng trao 20 suất học bổng cho các cháu Minh Thanh, mỗi suất 500.000 đồng.

Khi ngỏ ý trồng cây đa chỗ trụ sở cũ ở Bản Dõn, Bí thư Ma Triệu Phú cười rất tươi rằng dường như Báo muốn triển khai thêm nghị quyết của địa phương cố gắng phủ xanh 188 ha đất trống của Minh Thanh trong năm tới?

Còn nhiều việc phối hợp và cùng nhau lắm trong thời gian tới nhất là dịp tròn 60 năm khai sinh tờ báo Đoàn ở bản Dõn chiến khu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG