Thế nhưng tạo hóa đã bù lại, ban cho con người những thiên bẩm, tài hoa đặc biệt. Đó là một trang nam nhi tuấn tú, đa tài, gắn trên bầu trời thi ca nước Việt những ánh sao lung linh - nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. |
Nguyễn Nhược Pháp là kết quả mối tình sét đánh giữa học giả Nguyễn Văn Vĩnh, một người đa tài, đa tình đất Hà thành và cô gái Lạng Sơn, Phan Thị Lựu.
Năm 1913 ông Vĩnh có khách sạn Trung Bắc ở nhà 50 phố Hàng Trống, gần hồ Gươm - Hà Nội… Cô Lựu thường qua lại trọ ở khách sạn, nên quen biết ông Vĩnh. Rồi do duyên số, họ nên vợ nên chồng.
Khách sạn Trung Bắc nằm trong khuôn viên rộng mấy nghìn mét vuông. Mặt trước quay chính phố Hàng Trống, mặt sau quay ra phố Lý Quốc Sư. Cả hai mặt đều có cổng lớn, bên trong xung quanh có vườn, cây cối xanh tươi và cổ thụ. Giữa khuôn viên này là một biệt thự ba tầng, trang bị hiện đại để làm nhà khách sạn.
Bà Phan Thị Lựu ở tầng hai. Tại mảnh đất thơ mộng này, ngày 12-12-1914, Nguyễn Nhược Pháp ra đời, sau này tên tuổi in đậm trong “Thi nhân Việt Nam”.
Ông Vĩnh đi làm, đến trưa thì nghỉ lại khách sạn với người vợ hai, tối mới về phố Mã Mây với vợ cả và các con. Tưởng thế cũng là yên ổn, nhưng số phận con người đa tài, đa tình lại vướng bận thêm nhiều và không thể dừng ở đó.
Vừa tuổi lên 2 (năm 1916), Nguyễn Nhược Pháp mồ côi mẹ. Khi biết tin ông Vĩnh có thêm một người đàn bà khác, mà là một cô đầm lai đẹp như thiên thần, thì Phan Thị Lựu không làm chủ được tình cảm của mình. Nỗi ghen tuông đã trào lên và bà đã tìm cái chết để giải thoát.
Chập chững những bước chân trên đường đời, Nguyễn Nhược Pháp được bà Đinh Thị Tính - vợ cả ông Vĩnh - mẹ cả đón về nuôi như con đẻ, với một câu thở than: Cái bà Lựu ghen ngược. Người ghen phải là tôi…
Từ đó cho đến lúc lìa đời, suốt 22 năm (1916- 1938), Nguyễn Nhược Pháp đều sống với những người anh em cùng cha khác mẹ, trong một đại gia đình, thật vui vẻ và nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Đọc những trang hồi ức của những người thân trong gia đình phần nói về tuổi thơ Nguyễn Nhược Pháp, mới thấy rằng đây là một con người có nhiều phẩm chất cao quý, khi còn ấu thơ.
Năm 1923, gia đình Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển từ phố Mã Mây về phố Thụy Khuê, trước trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ) gần hồ Tây.
Đây là một trong những tài sản lớn của ông F.H Schneider- một người Pháp, vốn là đồng nghiệp làm nhà in, xuất bản báo, vì yêu mến ông Vĩnh đã chuyển nhượng cho trước khi ông này về hưu ở cố quốc.
Nhà ông Vĩnh đông người, nhiều con, lại thêm bạn các con ở tỉnh lẻ về ở nhờ để tiện bề ăn học… vậy mà vẫn rất thoải mái.
Gia sản đất đai của Schneider là một khu đất rộng hơn ba nghìn mét vuông. Trong này có biệt thự hai tầng, có xưởng máy giấy mái vòm, bê tông cốt thép, không cột. Ông Vĩnh sửa lại thành nhà thờ và nhiều phòng để ở. Có mười gian nhà ngang, có bếp, nhà để xe, các phòng cho người nhà sinh hoạt…
Bấy giờ hai người con lớn của bà Vĩnh là Nguyễn Hải và Nguyễn Giang đang đi học ở nước ngoài. Còn ba người con gái: Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân đã lớn, được ở khu biệt thự với bà Vĩnh và một người cô ruột là bà Nguyễn Thị Tý, làm dược sỹ ở nhà thương Phủ Doãn… Nguyễn Nhược Pháp được ở chung với 7 anh chị em còn nhỏ tuổi ở khu nhà ngang.
Trong đó có Nguyễn Thị Mười, Nguyễn Dực, Nguyễn Hồ còn quá nhỏ, không tự lực được trong sinh hoạt, nên có một u già trông nom… Họ sống rất thoải mái, tự do và khép kín, tự quản, dường như người lớn không ai để ý đến…
Buổi sáng hằng ngày, Nhược Pháp cùng anh chị em học chữ nho khoảng nửa giờ do ông tú tài Phùng Năng Tĩnh người Bát Tràng làm gia sư, dạy dỗ. Rồi họ đạp xe đi học trường tư. Mọi sinh hoạt khác như giặt quần áo, cơm nước đã có người lo hết.
Trong số 7 anh em, Nhược Pháp là con bà hai, được coi là anh, mặc dù sinh sau Nguyễn Dương (con mẹ cả) mấy tháng. Thời xưa xã hội coi những người con vợ bé, chỉ là con thêm vợ nhặt. Nhưng nhà ông Vĩnh không hành xử theo lối ấy.
Theo kể lại, Nguyễn Nhược Pháp thông minh, đẹp trai, học giỏi có đầu óc tổ chức, nhiều sáng kiến, làm đầu tầu cho các em trong các hoạt động, sinh hoạt thể thao, vui chơi rất văn hóa.
Nhược Pháp có sáng kiến làm một bản hợp đồng nội bộ, cấm nói nhảm nhí. Cậu soạn ra khoảng 50 câu thông dụng hằng ngày mọi người cần tránh, ví như những từ ngữ: đếch, bỏ mẹ, bỏ xừ…, hoặc những câu chửi thề không ai được nói… Ai lỡ lời nói, người nào nghe thấy, có quyền cốc vào đầu, véo tai, coi như một hình thức phạt. |
Nhược Pháp có sáng kiến làm một bản hợp đồng nội bộ, cấm nói nhảm nhí. Cậu soạn ra khoảng 50 câu thông dụng hằng ngày mọi người cần tránh, ví như những từ ngữ: đếch, bỏ mẹ, bỏ xừ…, hoặc những câu chửi thề không ai được nói… Ai lỡ lời nói, người nào nghe thấy, có quyền cốc vào đầu, véo tai, coi như một hình thức phạt.
Nhược Pháp bày trò tập bơi. Khi thì hồ Tây, khi thì ra ao đình làng Thụy Khuê, lúc đến hồ Trúc Bạch. Bảy anh em đều biết bơi kể cả con gái. Nhược Pháp yêu môn bơi lội nhất. Cho tới những ngày mới bị bệnh, anh vẫn chưa chịu bỏ bơi.
Ngày chủ nhật, Nhược Pháp tổ chức đua xe quanh Hồ Tây, có giải thưởng, thu hút các bạn học cùng tham gia. Lại tổ chức trượt pa-tanh. Ban đầu chơi trên đường Hoàng Hoa Thám, sau đường đua dài đến Quần Ngựa, vòng trở về lối Thụy Khuê… Rồi tổ chức tham quan du lịch bằng xe đạp, quanh Hồ Tây, rồi quanh Hà Nội và đi xa hơn.
Mỗi tuần, cha thường cho các con tiền đi xem chiếu bóng, Nhược Pháp rủ rê mấy anh chị lớn hơn, để dành tiền ấy, làm vốn in báo Tuổi Cười. Nhược Pháp làm chủ nhiệm, Nguyễn Phổ làm chủ bút, Nguyễn Kỳ quản lý nhà in. Báo in thạch, hai màu đỏ và tím.
Mỗi tháng một số, có 16 trang, khổ 15x20 cm. Nội dung tờ báo là thông báo những tin tức gia đình, nêu tên ai học giỏi, phê phán những việc xấu. Lại có trang thể thao, biểu dương kỷ lục mới( trong gia đình ), có quảng cáo các buổi diễn kịch, diễn xiếc do anh chị em tổ chức trong nhà. Trang cuối có in thơ của Nhược Pháp sáng tác.
Mỗi số ra 10 tờ, bán 5 xu cho người lớn và các anh chị lớn. Báo phát hành được mấy năm. Sau này lớn lên, Nhược Pháp đã chọn những bài thơ trong báo Tuổi Cười, thành tập thơ Ngày Xanh.
Nhược Pháp còn tổ chức một đội kịch gia đình, mà chính anh viết kịch bản và đạo diễn… Các anh chị em làm diễn viên.
Nhà có xưởng in rộng, họ kê bàn ghế thành sân khấu, tạm dùng câu đối nhà thờ trang trí, lại làm phông màn, chăng điện… nghĩa là như sân khấu thật. Giá vé 5 xu một chỗ ngồi.
Những người lớn trong nhà cũng mua vé và ngồi xem cổ vũ con em mình… Có buổi ông Vĩnh cũng ngồi xem các con diễn, ông thấy lòng tràn ngập niềm vui… Nhược Pháp còn hướng dẫn thành lập đội xiếc, phân vai diễn: Người diễn xiếc xe đạp, người làm ảo thuật,, người dậy thú, người thổi kèn.
Nguyễn Nhược Pháp có những thú vui thật giản dị, không giống bất cứ một thiếu gia nào thời bấy giờ. Chăm chỉ học hành, yêu quý mọi người, và biết tự lập. Viết xong một bài thơ, một truyện ngắn, vở kịch…khi có tiền nhuận bút thì rủ một hai em, hay vài bạn bè đi ăn phở xách Nghi Xuân bang thất ở phố Hàng Đàn, giá 5 xu một bát…
Nhược Pháp đã viết được một số vở kịch, và có một ước mơ, là cùng với Phạm Huy Thông, bạn học thời ở Trung học Albert Saraut, tri kỷ văn chương, cùng nhau tổ chức một Đoàn kịch không chuyên, đưa lên sân khấu vở kịch Người học vẽ của mình.
Nhược Pháp như một trang giấy trắng thơm, một bông hoa thanh khiết. Vào những năm cuối đời, trái tim chàng thi sỹ, tác giả bài thơ Chùa Hương đã xôn xang trước một cô gái áo đen, phố Hàng Đẫy, như một lời tỏ tình.
Đó là một tiểu thư, một trong tứ mỹ Hà thành bấy giờ. Hằng ngày đạp xe qua nhà, đứng bên này đường nhìn vào vườn nhà em, ngắm nhìn bóng em thấp thoáng. Rồi hình ảnh cô gái áo đen trong vườn của nhà họ Đỗ ở phố Hàng Đẫy, cứ sống mãi trong tim Nhược Pháp...
Nhược Pháp chưa tường mặt thân mẫu của mình, nhưng được mẹ cả hết lòng yêu thương, như con đẻ. Trước khi nhắm mắt ra đi về cõi vĩnh hằng, bà dặn lại Hãy đặt mộ của tôi nằm bên cạnh Nhược Pháp.
Nguyễn Nhược Pháp sinh ra là hoạt động, cả đến khi nhuốm bệnh vẫn không ngừng ý chí vươn lên vượt qua số mệnh.
Từ 2 tuổi Nhược pháp sống với mẹ cả ở Mã Mây rồi đi học vỡ lòng. 6 năm tiếp theo học phổ thông trường Trí Tri (phố Hàng Đàn và Trung Bắc học hiệu- phố Lý Quốc Sư). 14 tuổi thi đỗ lớp 6 Trường trung học Albert Saraut. 20 tuổi đỗ tú tài phần nhất, 1935 đỗ tú tài phần hai, vào Đại học luật. Nhược Pháp luôn học giỏi, xứng đáng cho các em noi theo.
Từ năm 1930 trở đi, kinh tế gia đình Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu khó khăn trầm trọng. Nguyễn Nhược Pháp vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, viết thơ… để có tiền nhuận bút, giảm bớt chi tiêu của gia đình cho mình…
Từ sau khi chị Nội đang đi học Luật năm thứ ba mắc bệnh mất (1933), rồi cha mất( 1936), chị Vân mất( 1938), và tin anh Hải mất trong Nam… Nhược Pháp buồn đau, nhuốm bệnh lao hạch…
Ngày 19-11-1938 ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Đồn Thủy, hưởng dương 24 tuổi.
Ông để lại ba bức thư. Một bức viết bằng chữ Pháp, cám ơn các thầy thuốc đã hết lòng cứu chữa. Một bức thư vĩnh biệt mẹ cả và gia đình( khi ấy ông Vĩnh mất được
hai năm).
Một bức gửi cho người anh là nhà thơ Nguyễn Giang, với tâm nguyện, hãy chăm sóc mẹ cả và các em nhỏ tốt hơn nữa.
Ban đầu, thi hài Nhược Pháp được mai táng ở nghĩa trang Hợp Thiện, Quỳnh Lôi, Mai Động, Hà Nội, sau được bốc mộ về làng Phượng Dực, quê cha.
____
Bài viết lấy tư liệu từ gia đình nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.