'Địa dư đồ khảo' và một Trung Hoa không Hoàng Sa, Trường Sa

'Địa dư đồ khảo' và một Trung Hoa không Hoàng Sa, Trường Sa
TP - Hôm 28-8, tại TPHCM, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công bố tập sách “Địa dư đồ khảo” của Trung Quốc hoàn toàn không có Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi đã gặp chủ nhân của tài liệu này- nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn- để tìm hiểu về nguồn gốc và nội dung cuốn sách cổ.

> 'Địa dư đồ khảo' của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và sách “Địa dư đồ khảo”. Ảnh: T.N.A
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và sách “Địa dư đồ khảo”. Ảnh: T.N.A.

Tài liệu truyền đời

Nhà nghiên cứu và sưu tầm Trần Đình Sơn là người gốc Huế, hiện sinh sống tại TPHCM. Ông là chắt của cụ Trần Đình Bá, người đã lưu giữ cuốn “Địa dư đồ khảo” từ thời phong kiến.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói: “Cụ cố tôi là Trần Đình Bá, sinh năm 1867, mất năm 1933, nguyên là Thượng thư bộ Hình đời vua Khải Định, lo việc làm luật. Để phục vụ công việc, cụ cố sưu tầm rất nhiều tài liệu. Đến đời ông nội tôi là cụ Trần Đình Huy, làm chức Hàn lâm Viện Thị độc, chuyên quản kho sách của triều đình cho đến năm 1945, cũng bỏ nhiều công sức vào tủ sách. Tủ sách Hán Nôm của gia đình tôi vốn có hơn 2.000 bản sách”.

Về “Địa dư đồ khảo”, nhà nghiên cứu nói: “Cuốn sách này cụ Trần Đình Bá cho chép lại để nghiên cứu và lưu trữ, bởi triều đình luôn quan tâm đến chủ quyền biển đảo, nhất là Trường Sa và Hoàng Sa. Triều đình thường xuyên ra các văn bản cử người quản lý, khai thác Hoàng Sa, Trường Sa. Cuốn sách được cụ cố tôi cho sao chép, vẫn còn mấy dòng thủ bút của cụ ở đầu cuốn sách”.

“Địa dư đồ khảo” có lẽ là cuốn sách địa lý nhiều tập. Tập được Thượng thư Trần Đình Bá cho chép lại dường như là tập cuối, mô tả kèm bản đồ các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, gắn liền với biên giới của Việt Nam. Việc này cho thấy trong thời Nguyễn, triều đình và các quan lại làm luật đã lưu tâm đến cứ liệu về chủ quyền.

Đảo Hải Nam là tận cùng của Trung Quốc

“Địa dư đồ khảo” là cuốn sách nghiên cứu mang tính khoa học của nhà Thanh, Trung Hoa, gồm 65 trang giấy dó, chép hai mặt bằng chữ Hán, 20 bản đồ kèm theo cũng ghi bằng chữ Hán.

Sách khảo cứu lịch sử, địa chí, phong tục, sản vật, danh nhân 7 tỉnh của Trung Quốc (kèm theo bản đồ) gồm Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Xuyên, cho thấy người soạn sách rất uyên bác và thông hiểu địa lý, lịch sử Trung Hoa.

Quan Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn Trần Đình Bá đã thu thập cuốn “Địa dư đồ khảo”
Quan Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn Trần Đình Bá đã thu thập cuốn “Địa dư đồ khảo”.

Sách cũng khảo cứu và đưa bản đồ của các nước có đường biên giới chung với Trung Quốc, bao gồm: Mãn Châu, Mông Cổ, Thanh Hải Tây Tạng, Triều Tiên, Tân Cương, Việt Nam - Tiêm La – Miến Điện (phụ đính có An Nam Đông Kinh toàn đồ), Nhật Bản. Điều đó cũng cho thấy tư duy về lãnh thổ rất rõ ràng đối với người soạn sách.

Các tài liệu địa chí của Việt Nam thời phong kiến đã ghi chép hết sức tỉ mỉ về Hoàng Sa và Trường Sa, từ địa lý, sản vật, sự tổ chức, quản lý và khai thác, trong đó đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Điển hình là ghi chép trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (được hoàn thành vào khoảng năm 1776). “Địa dư đồ khảo” thì không có những thông tin ấy.

“Địa dư đồ khảo” còn có các mục nghiên cứu và bản đồ của các khu vực lớn của thế giới, bao gồm: Á Châu Nga, Tây Vực Hồi, Ấn Độ, Ba Tư, Đông Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Á Lý.

Mục “Quảng Đông khảo lược” viết: Quảng Đông thời xưa gọi là Bách Việt, lại còn có tên Việt Đông. Đông - Tây cách xa nhau khoảng 1860 dặm, Nam - Bắc cách khoảng 1260 dặm.

Đông Bắc giáp với Phước Kiến, Bắc giáp với Giang Tây, Hồ Nam, Tây giáp với Quảng Tây, Tây Nam giáp với Việt Nam.

Mục "Quảng Đông khảo lược” ghi rất nhiều chi tiết về danh thắng, con người của Quảng Đông. Về núi thì mô tả Việt Tú Sơn, Tây Tiều Sơn, về sông có Tây Giang, Châu Giang, danh thắng cổ tích của Quảng Đông như lầu Thiều Dương, Đông Thành Cố Cư, về nhân tài có ghi chép sự tích Đức Nhân, Trương Cửu Linh, sản vật có chép về đồng, thiếc, trầm hương, vải…

Điều đặc biệt là trong cuốn sách khảo cứu công phu chi tiết với bề dày lịch sử hàng ngàn năm như thế, nhưng “Địa dư đồ khảo” hoàn toàn không có chữ nào đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa.

Tấm bản đồ tỉnh Quảng Đông in trong cuốn “Địa dư đồ khảo” (cuốn sách hoàn thành dưới triều Quang Tự nhà Thanh (1875-1908) cũng không hề có bóng dáng Hoàng Sa, Trường Sa, mà chỉ có đảo Hải Nam, xung quanh thì ghi chữ hải (biển).

Sự thật từ “Dư đồ địa khảo”

Các tài liệu địa chí của Việt Nam thời phong kiến đã ghi chép hết sức tỉ mỉ về Hoàng Sa và Trường Sa, từ địa lý, sản vật, sự tổ chức, quản lý và khai thác, trong đó đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.

Điển hình là ghi chép trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (được hoàn thành vào khoảng năm 1776). “Địa dư đồ khảo” thì không có những thông tin ấy.

“Những điều được ghi trong sách “Địa dư đồ khảo” cho thấy các tác giả Trung Hoa rất có lòng tự hào về văn hóa dân tộc của mình, nhưng thực tế mà sách đề cập thì lãnh thổ lãnh hải của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Ghi chép trong các chương mục, cho đến bản đồ in trong cuốn sách, tất cả đều thể hiện biên giới Trung Hoa đến đảo Hải Nam mà thôi”, ông Trần Đình Sơn phân tích.

Mục “Quảng Đông khảo lược” trong sách viết: Gần biển như các quận Cao, Liêm, Lôi, Triều, Quảng, Huệ, Quỳnh Châu (tức Hải Nam) rất dễ bị xâm phạm bất ngờ, việc phòng thủ rất khó khăn. Thêm nữa người dân mạnh tợn ương bướng, phong tục dối trá tranh giành, vẫn thường thấy bọn cướp biển trỗi dậy quậy phá. Phải luôn lo nghĩ phương lược để trấn áp vỗ về. Ngày nay lại càng phải bàn bạc nghiên cứu vậy.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói: “Gần đây báo chí Trung Quốc cũng đưa bài viết về biển Đông của học giả người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (Trung tâm thông tin Hải dương Trung Quốc) nói rằng đời nhà Thanh, tàu Pháp bị cướp ở biển Tây Sa (Hoàng Sa), họ vào đảo Hải Nam để trình báo và lấy bằng chứng xác nhận thì quan địa phương trả lời: Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho phóng viên xem một số bức ảnh mới được chụp ở đảo Hải Nam mà ông sưu tầm được, trong đó vẫn còn các tảng đá rất lớn ghi hàng chữ: THIÊN NHAI HẢI GIÁC (chân trời góc biển).

Ông Sơn nói: “Mấy chục năm gần đây nhà nước Trung Quốc mới tự nhận Hoàng Sa và Trường Sa lâu nay là của họ, nhưng trong tâm thức và tư duy khoa học của người Trung Hoa được phản ảnh rất rõ trong cuốn “Địa dư đồ khảo” thì lãnh thổ lãnh hải của nước Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG