Bên gốc đa Tân Trào

Bên gốc đa Tân Trào
TP - Nhẽ phải gọi là cây đa, quần thể đa. Hai gốc thụ mộc hơn 300 năm sừng sững xum xuê rợp xanh cả một vùng.

Cây đa Tân Trào đậm sâu trong tâm khảm những lương dân Việt, ghi dấu ấn Hội nghị Diên Hồng thời dân chủ cộng hòa: Đại Hội quốc dân Tân Trào ngày 16 và 17 tháng Tám năm 1945.

Cũng ngày ấy, dưới bóng đa này Đại tướng Võ Nguyên Giáp dõng dạc phát đi bản Quân lệnh số 1 xuất quân Tổng khởi nghĩa. Thế mà hai thứ thụ mộc ấy cứ lụi dần, lụi dần... Nhưng may thay, gốc đa Tân Trào cổ thụ đã có hậu duệ.

Thực trạng quang cảnh cây đa Tân Trào
Thực trạng quang cảnh cây đa Tân Trào.

Mái đình thiêng

Cữ chớm thu được đắm trong sắc xanh Việt Bắc cũng là điều may mắn. Nhất là đương xoải mình trong quán nước bên mái Đình Tân Trào và cách đó không xa là gốc đa lịch sử.

Người Tân Trào dẫu mới gặp nhưng khá mặn chuyện với khách lạ, khách xa. Một cụ ông quắc thước chưa kịp biết tên e hèm cho biết thôn cũ của Tân Lập thuộc xã Tân Trào đây, xưa tên là Kim Long.

Cụ Hồ đặt là Tân Lập. Nghĩa là thôn mới lập dưới chính thể mới. Tân Trào cũng nghĩa ấy, mọi thứ hay ho sẽ bắt đầu từ thời đại mới.

Thời điểm Đại hội Quốc dân Tân Trào, Tân Lập khi ấy chỉ có 12 hộ tuyền nhà sàn nép dưới bóng đa rườm rà. Nhoáng cái bây giờ Tân Lập hơn trăm hộ. Hầu hết nhà gạch nhà xây. Cả thôn chỉ còn 16 ngôi nhà sàn...

Bà cụ Dâng dân tộc Tày quệt cốt trầu nhẩn nha kể cái đoạn dân tự nguyện lui vào phía trong nhường chỗ cho Đa Ông Đa Bà Tân Trào lịch sử. Dân vẫn gọi hai cây đa cách nhau gần 10 mét ấy là "đa ông", "đa bà". Bà Dâng xuýt xoa nói đình đây với đa là thiêng lắm.

Đình Tân Trào. Ảnh: XB
Đình Tân Trào. Ảnh: XB.

Thiêng ra sao hả bà? Bà Dâng dướn thẳng người lên, giọng khẽ khàng... Theo chuyện bà Dâng, suốt các cuộc chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng gần trăm người của thôn Tân Lập lớp tòng quân lớp đi TNXP.

Mỗi khi lên đường, con em các dân tộc thôn Tân Lập có lệ ra Đình Tân Trào thành kính thắp hương cầu xin với Thần hoàng bản xã đi đánh giặc, bản mệnh được an lành, chân cứng đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng như khi tốp tân binh kính cẩn nghiêm trang trước cây đa Tân Trào lịch sử, xin hứa với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người anh cả của LLVT là sẽ làm một người lính tốt của Cụ Hồ!

Nghi thức ấy có lẽ cũng bình thường ở một quê hương cách mạng? Nhưng việc thành kính cẩn trọng ấy, cứ như bà cụ Dâng cho hay, điều huyền diệu đã diễn ra là suốt các cuộc chiến chinh, con em của Tân Lập đã có mặt ở các chiến trường ác liệt trong Nam ngoài Bắc thật may mắn chưa có người nào là liệt sĩ! Chuyện anh bộ đội Hoàng Long người Tân Lập chiến đấu ở chiến trường Lào bị sa xuống vực sâu không lên được.

Long phải nổ súng báo hiệu cho đồng đội đến cứu. Xui xẻo hơn, chuyện Hoàng Văn Doãn hồi đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bị đạn xuyên ngực nhưng may mắn thoát chết. Người thôn Tân Lập còn nhớ cả!

Một tràng cười vui vẻ khi có ai chẹp miệng rằng, tiếng là nơi quê hương cách mạng là nơi phát tích nhưng thôn Tân Lập cũng như cả xã Tân Trào, chưa có ai làm... cán bộ to!

Hình ảnh cũ cây đa Tân Trào
Hình ảnh cũ cây đa Tân Trào .

Bước vào gian giữa ngôi đình Tân Trào được xây theo kiểu nhà sàn miền núi, tôi kính cẩn ngước lên gian thờ cúng của đình được đặt sát mái. Đình thờ các vị thần sông, thần núi, thần suối... phù hộ cho dân chúng nhân khang vật thịnh.

Thượng lương để trống nhưng hai bên câu đầu ngay ngắn hai hàng chữ Hoàng triều Khải Định bát niên, thập nhất nguyệt nhị, thập nhất Ất Hợi nhật tỵ kiến thụ thượng lương đại cát thịnh vượng tuế thứ Quý Hợi niên trọng đông nguyệt cố nhật lương khởi càn nguyệt hưởng lợi tinh ( Năm thứ tám, triều Khải Định, ngày tốt mùa đông, 21 tháng 11 năm 1923 dựng Đình này. Hướng của Đình cũng tốt nên dân được hưởng lộc và thịnh vượng).

Không riêng chi dân làng Tân Trào được hưởng lộc? Ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại ngôi đình này, 60 đại biểu Bắc Trung Nam đã nhất trí ấn định Quốc ca và Quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ cộng hòa cùng 10 chính sách của Việt Minh, không chỉ khai mở tầm vóc của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời mà còn mở ra một vận hội mới cho dân tộc.

Kính cẩn vì ban nãy nghe chuyện của ông Viên Văn Hiển, cán bộ Khu Di tích cứ tự dưng hai hãi? Cách đây không lâu có lớp học một trường cao đẳng nào đó ở Tuyên Quang tham quan đình. Buổi trưa nắng vắng, có hai chú chàng nhân lúc vắng lẻn ra phía sau tè bậy. Chuyện cũng chả ai để ý.

Hôm sau, hôm sau nữa có người mang lễ vật gà rượu hoa quả đến Đình xin được cúng. Tò mò hỏi mới biết về nhà hai cậu đâm nóng sốt phát rồ nói lảm nhảm. Đưa đến trạm xá thuốc thang cũng không đỡ. Người nhà hỏi vừa đi những đâu về có làm điều gì quấy quả không. Bèn nói ra hết. Cúng xong về đến nhà thì khỏi!

Chuyện chả biết thực hư thế nào nhưng người coi đình coi khu di tích trực tiếp kể lại thì cũng tiện biên ra đây vậy! Chợt nghĩ có lẽ thời buổi đang phát rộ lên chuyện xâm hại di tích danh lam thắng cảnh này khác cũng nên có những chuyện đại loại như thế cho đám vô lại báng bổ bơn bớt đi hành vi kém văn hóa?

Những cụm đa hậu duệ

Mải ghé đình suýt quên chuyện đa Tân Trào. Tâm thức khách tham quan có lẽ đã quá sâu đậm với cảnh quan hai gốc đa Tân Trào một thuở bữa nay đến thực địa hẳn ngơ ngác? Tận mắt ngó cây đa hoành tráng thuở nào nay chỉ còn trơ một búi gốc sừng sững chết khô (sau mới biết người ta đã dùng chất liệu composite để tạo dáng một quần thể gốc cho hao hao như nguyên bản) không thể không ngơ ngác sững sờ? Thời điểm nào hai gốc thụ mộc kia lâm vào trình trạng hấp hối?

Góc đa bằng composite cứ như thật
Góc đa bằng composite cứ như thật.

Ban nãy chỗ quán nước, nghe phàn nàn rằng hồi thi công hồ chứa nước Nà Lừa, rất nhiều xe máy xe ủi xe xúc xe gạt đã tập kết ở dưới gốc đa Tân Trào. Không phải xe máy va quệt gì đâu mà lâu ngày các loại dầu thải của hàng loạt thiết bị ngấm xuống chân gốc đa đã đầu độc cây đa? Có người nói là do sét đánh? Nhưng sét đánh chả thể xém khô một lúc cả hai gốc như thế? Lại nữa khi phát hiện lá đa héo úa có nguy cơ chết, người ta đã dùng rất nhiều loại phân vô cơ có hữu cơ có trút đẫm xuống hai gốc đa. Có thể tự dưng được chăm bẵm quá mức về dinh dưỡng như thế, các cụ kháng thuốc nên bị ngộ độc? vv...

Trao đổi lại với ông Hiển, nhân viên Khu Di tích, nhưng ông có vẻ không mặn chuyện chỉ ừ hử rằng thực trạng bây giờ như thế nào thì các ông đã rõ rồi cần chi phải giải thích?! Ngay cả chuyện cách đây 4 năm UBND Tỉnh Tuyên Quang từng phát động phong trào cứu cây đa Tân Trào! Nghe đâu kinh phí bỏ ra đến 2,5 tỷ đồng cho việc cứu chữa này? Rồi một Cty Thanh Hà nào đó có thành tích cứu chữa đa Tân Trào được tỉnh tặng thưởng bằng khen?vv...

Nhưng có lẽ công sức của Tuyên Quang ngần ấy năm bỏ ra đã không phí để khung cảnh cây đa Tân Trào hôm nay đỡ chuế mắt? Bằng cớ là người ta đã trồng dặm vào bên gốc cây "đa bà" (chỉ còn một gốc con) ba cây đa đã vổng lên sắp độ khép tán! Bên gốc "đa ông" bằng composite như một thứ bia mộ, ai đó đã có sáng kiến trồng thêm sáu cụm đa (mỗi cụm 3,4 cây đa dùng nứa quây vồng lại) khiến cảnh trí đâm rậm rịt hơi bị tức mắt.

Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành một dạo kêu ầm lên là việc trồng các cụm đa quanh gốc đa ông là rởm là phản cảm và đề nghị nên chuyển nơi khác?!

Thành tựu đáng kể trong công cuộc cứu chữa đa Tân Trào có lẽ là việc trước khi về cõi, cây đa Tân Trào đã để lại hậu duệ.

Phải công phu và tỷ mẩn lắm, người ta đã kéo, đã nhử được một nhánh rễ từ gốc "đa ông" vài mét cắm xuống khoảnh đất bên cạnh. Phải mất vài năm để từ nhánh rễ ấy hình thành nên một cây đa con như hôm nay.

Cũng phải ghi nhận một hình ảnh tạm bắt mắt là người ta đã tầm gửi vào gốc cây "đa ông" một cụm đa! Mà cụm đa ấy đã sống! Trên thứ chất liệu xám ngắt composite kia nảy một khóm xanh và vài nhánh rễ buông lòng thòng xuống, thôi thì cũng đỡ nhức mắt.

Ngước lên vòm xanh hẳn còn đương bấy bớt hậu duệ của cụ đa ông Tân Trào nảy ra từ một nhánh ngày nào, chợt nghĩ về đời cây cũng như đời người. Cũng sinh, lão, bệnh, tử.

May lẫn khéo thay việc cây đa Tân Trào lịch sử đã có hậu duệ. Dưỡng nhân loại chi công kế tổ tông chi nghiệp. Thế hệ đa Tân Trào kia chả mấy hột thời gian nữa để bừng xanh khép tán?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG