Anh Chín, chị Phương những ngày ở bệnh viện. |
- Bệnh này rất hiểm nghèo nhưng tôi sẽ cố gắng chữa cho cháu, bằng phương pháp bơm tắc động mạch để ngăn chặn các mạch máu nuôi khối u đó. Làm cho khối u đó không phát triển được nó sẽ từ từ teo lại và tự tiêu hủy.
Theo cách điều trị là như thế nhưng làm như vậy thất bại cũng rất cao, có khi đến 99% và thành công chỉ 1%, gia đình cháu suy nghĩ cho kỹ, đồng ý thì tôi sẽ điều trị còn không thì tôi cũng không thể làm được gì cho cháu.
Chờ đợi hơn hai tháng trời vậy mà tôi cũng phải nghe một giáo sư chuyên gia mạch máu hàng đầu của Pháp nói những lời như vậy thì còn gì đau khổ hơn thế nữa.
Trưa hôm đó, mẹ tôi đã sang phòng hành chính báo với chị Thủy, Y tá Trưởng, gia đình tôi đã chấp nhận bơm tắc động mạch cho tôi. Mấy ngày chờ bơm tắc động mạch tâm trạng của tôi luôn bất ổn, lúc thì tôi muốn trở về nhà chịu chết lúc lại muốn đi tìm sự sống trong cái niềm hy vọng mỏng manh ấy. Hầu như đêm nào tôi cũng úp mặt khóc.
Trong lúc tôi đau khổ và chán nản nhất thì người yêu của tôi lại lên thăm tôi. Anh ấy đã động viên tôi rất nhiều:
- Bác sỹ thì ai mà chẳng nói chuyện thành công hay thất bại, không có ai dám khẳng định chữa khỏi bệnh 100% đâu em ạ. Bởi vậy mà em hãy cố gắng lên vì đây là cơ hội duy nhất và không phải ai cũng gặp được giáo sư Pháp đâu.
Lúc đó cũng chính nhờ vào tình yêu thương của anh ấy đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để tôi cố gắng vươn lên chống chọi với bệnh tật.
Trước ngày bơm tắc động mạch hôm đó là ngày 10-4-2001, khoảng 4 giờ chiều, cô Mai y tá sang phòng tôi dặn:
- Phương tối nay nhịn ăn để sáng mai đi bơm tắc động mạch nhé.
Tối hôm ấy những người bệnh nhân trong phòng của tôi cùng một số bệnh nhân trong Khoa Cột sống A đã chia sẻ với tôi theo truyền thống tốt đẹp lá lành đùm lá rách, họ đã trích ra từ những đồng tiền chữa bệnh của họ để cho tôi thêm vào tiền thuốc men. Tôi rất cảm động trước những tấm lòng hảo tâm, đặc biệt là Thúy.
Nghe nói Thúy mồ côi cha mẹ từ lúc nhỏ nên cuộc đời cô trôi nổi, lênh đênh. Quê của Thúy ở miền Tây Nam Bộ, Thúy rất đẹp. Từ vóc dáng đến làn da, khuôn mặt, mái tóc không chê được điểm nào.
Thế nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy nên Thúy đã trôi dạt lên thành phố Hồ Chí Minh và sớm trở thành gái bán hoa. Thúy còn sử dụng ma túy, vì vậy nên bị công an truy bắt. Trong lúc hoảng loạn Thúy đã ngã từ tầng 2 xuống, bị gãy cột sống, gãy luôn cả tay trái và chân trái.
Người ta ai nằm viện cũng có người thân bên cạnh, còn Thúy bị thương nặng như thế nhưng không có ai cả.
Hôm đó Thúy cho tôi tiền, và tôi đã từ chối. Nhưng điều đó lại làm cho Thúy buồn:
- Chắc Phương chê đồng tiền của một người bán hoa là đồng tiền dơ bẩn nên không nhận đúng không?
- Thôi được rồi, Phương nhận tấm lòng của Thúy, coi như cho Phương mượn.
Nghe tôi nói vậy, Thúy đã cười vui vẻ:
- Phải thế chứ.
Sáng hôm sau mẹ đưa tôi đi đánh răng rửa mặt rồi mẹ bế tôi ra giường nằm chờ đợi những giây phút trọng đại để đi thay đổi vận mệnh của mình. 7 giờ 30 ngày 11-4-2001, Bác sỹ Huy, Bác sỹ Thường và chị Tú y tá, cả mẹ và em trai tôi đưa tôi sang Trung tâm Hòa Hảo để bơm tắc động mạch.
Đến Trung tâm Hòa Hảo, các bác sỹ cho tôi nằm lên băng ca và đẩy tôi lên tầng 4. Trong phòng đó đã có Giáo sư Ru Nô, chuyên gia mạch máu, Bác sỹ Hà Thị Thanh Tuyền, Trưởng khoa Hình ảnh của Trung tâm Hòa Hảo và rất nhiều bác sỹ, y tá đang chờ tôi. Nhìn thấy tôi ông Ru Nô rất lịch sự, ông đến bên chiếc băng ca tôi đang nằm để bắt tay tôi.
Tất cả mọi người trong căn phòng ấy đã sẵn sàng trong trang phục màu xanh lè, từ áo quần đến mũ và khẩu trang. Trong căn phòng này có rất nhiều máy móc và rất nhiều màn hình vi tính, khi đã sẵn sàng mỗi người một việc làm theo sự chỉ đạo của ông Ru Nô.
Ông Ru Nô tiêm vào bẹn của tôi một mũi thuốc gây tê. Lúc đó tôi đã sẵn sàng chấp nhận tất cả, kể cả tình huống xấu nhất, nên bình tĩnh nằm quan sát.
Ông Ru Nô lấy một con dao nhỏ sáng loáng, sắc lẹm rạch một đường vào bẹn của tôi. Rồi lấy một sợi dây luồn vào động mạch đùi, luồn lên cột sống nơi có khối u máu.
Không biết sợi dây đó làm bằng chất liệu gì mà khi luồn vào cơ thể tôi không thấy đau đớn. Đến lúc ông Ru Nô bơm một loại thuốc gì đó vào tủy sống của tôi qua sợi dây đó thì lúc đó tôi mới cảm thấy đau buốt cả xương sống, xương sườn.
Nó đau như có ai đó đang lóc từng lớp xương lớp thịt của tôi ra vậy, cứ mỗi lần bơm thuốc vào là tôi lại có cảm giác như những cọng xương sườn của tôi đang gãy ra thành từng mảnh.
Tôi đã cố gắng hết sức, cắn chặt hai hàm răng lại, nước mắt, nước mũi cứ thế tuôn ra.
Làm được khoảng hơn một tiếng đồng hồ, Giáo sư Ru Nô đã dừng lại cho tôi nằm nghỉ một lúc đỡ đau. Tôi nghiêng đầu sang hai bên để nhìn lên những chiếc màn hình, cái nào cũng có những cọng xương sườn, xương sống của tôi trông rất đáng sợ. Tôi đang nhìn hết màn hình này đến màn hình khác, thì bác sỹ Thanh Tuyền đến gần tôi hỏi:
- Đỡ đau chưa cháu để chúng ta tiếp tục?
Tôi trả lời:
- Dạ! Cháu đỡ đau hơn rồi cô ạ!
Cũng trong lúc ông Ru Nô chưa ra tới, tôi đã gọi chị Tú y tá nói nhỏ:
- Chị ơi! Em nhờ chị ra ngoài hành lang nói với mẹ em yên tâm ở trong này em vẫn bình an. Chị nói với em trai của em ra ngoài mua cho em một bó hoa hồng thật đẹp và hoa hồng đỏ chị nhé.
Giáo sư Ru Nô lại tiếp tục bơm thuốc vào tủy sống của tôi. Còn tôi vẫn tiếp tục cố gắng chịu đựng những cơn đau đớn và thời gian bơm tắc động mạch đã kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ.
Bơm hết liều thuốc cuối cùng, ông Ru Nô đã thở phào nhẹ nhõm, lật khẩu trang ra ông nở một nụ cười tươi rói. Lúc đó ông nói cho Bác sỹ Thanh Tuyền dịch lại cho mọi người nghe:
- Hôm nay chúng ta làm rất tốt, chúng ta đã thành công.
Mọi người nghe nói vậy ai cũng mừng cho tôi, còn tôi lúc đó thì khỏi phải nói, tôi chỉ muốn hét lên thật to để cho mẹ và em tôi biết tôi vẫn còn được nhìn những tia nắng của buổi bình minh mỗi sớm mai thức dậy.
Nhưng còn đau quá nên tôi không thể hét lên được. Lúc đó cũng khá trưa rồi, ông Ru Nô đã vào trong thay đồ, còn các bác sỹ người Việt vẫn còn băng bó vết thương cho tôi.
Tôi lại nhờ chị Tú ra ngoài lấy vào cho tôi bó hoa hồng. Lúc ông Ru Nô quay ra tôi đã tặng cho ông Ru Nô bó hoa ấy và tôi nhờ Bác sỹ Thanh Tuyền chuyển lời cảm ơn của tôi đến ông Ru Nô.
Giáo sư đã nhận bó hoa, ông cảm ơn rồi còn dặn dò tôi nữa:
- Về bệnh viện cháu phải nằm bất động ít nhất là 12 tiếng đồng hồ. Cháu không được cử động lăn qua trở lại.
Nói xong ông lại bắt tay tôi để ông về nghỉ. Còn Bác sỹ Huy, Bác sỹ Thường, chị Tú ngồi chờ cho tôi đỡ mệt rồi mới đưa tôi trở về Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
…Gần bốn tháng trời nằm bệnh viện kể từ khi bệnh của tôi bắt đầu tái phát, mà nghe nói được ra viện tôi hạnh phúc vô cùng. Cầm giấy ra viện, mẹ con tôi xuống bắt taxi về phòng trọ, mà trong lòng tràn ngập niềm vui hạnh phúc của người đã chiến thắng bệnh tật.
(Còn nữa)