Một góc nghề Tổng biên tập: Nghề của một thời?

Một góc nghề Tổng biên tập: Nghề của một thời?
TP - Có lẽ nên gọi là người của một thời? Nhưng trong mạch của loạt bài Nghề Tổng Biên tập đành tạm gọi Nghề của một thời vậy? Cái thời mà nảy ra những Tổng Biên tập Trần Công Mân, Nguyên Ngọc, Xuân Cang, Đinh Văn Nam...

> Kỳ 4: “Người hay cãi” và những bài báo của Tổng Bí thư
> Kỳ 3: Hữu Ước - người giỏi 'đi trên dây'
> Kỳ 2: Khi lão tướng xung trận
> Kỳ 1: Nhà báo “Chỉnh Chu” chống tiêu cực  

Báo chí không phải bao giờ cũng sôi nổi. Ảnh: H.Vĩnh
Báo chí không phải bao giờ cũng sôi nổi. Ảnh: H.Vĩnh.

Người ta vẫn thường nói nghề chọn người để chỉ cái duyên hanh thông khi bập, khi chọn được một cái nghề ăn ý? May mắn thay, cái thời tuyên chiến với tiêu cực mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tạo ra từ Những Việc Cần Làm Ngay đã có duyên gặp lẫn chọn được những người thừa hành...

1. Cũng kha khá những giấy mực đã viết về đại tá nhà báo Trần Công Mân, Tổng Biên tập Báo Quân Đội Nhân dân (QĐND) bản lĩnh vững vàng, cây bút sắc sảo, uy tín (chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Riêng tôi đậm mãi cái buổi chiều gặp ông ở Tòa soạn Phan Đình Phùng tháng 7 năm 1987. Tìm đến ông, có lẽ do tò mò? Bởi một sự kiện thuộc dạng tin mật đã loang nhanh trong làng báo.

 Tôi nghĩ trong bất cứ điều kiện nào của Việt Nam, một Tổng Biên tập chân chính vẫn có thể làm cho tờ báo mà mình phụ trách có chất lượng 

Ngày mai Tổng biên tập (TBT) báo QĐND Trần Công Mân bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để dự một cuộc gặp, đúng hơn là cuộc đối thoại do thường trực Ban Bí thư Đỗ Mười chủ trì có 6 vị trong Ban Bí thư trực tiếp đối thoại với TBT Trần Công Mân và phóng viên Trần Đình Bá.

Chuyện là thế này. PV Báo QĐND Trần Đình Bá viết bài Sự thật về nhà ở đồng chí Tô Duy trên báo QĐND. Ông Tô Duy khi đó là Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

Chức ấy khi đó là to! Nhưng chuyện hiếm, cực hiếm và động trời là một nhà báo lại dám viết bài tiêu cực về vị ấy! Người ta tò mò là những diễn tiến sau đó, rằng ông Tổng Biên tập (TBT) và tác giả bài báo bị kiểm điểm? Nhưng cũng nhiều ý kiến là không bị gì? Bây giờ đùng cái, có cuộc đối thoại. Đối thoại hay tranh luận thì cũng thế.

Phải có kẻ đúng người sai? Việc đối thoại những năm cuối 80 ấy là hiếm lắm! Mà thứ đối thoại đâu phải giữa dân thường với nhau? Phải là không khí cởi mở do ông N.V.L phát động thì mới được vậy? Mới có chuyện những cấp cao chót vót ấy tự dưng ngồi với nhà báo để bàn những chuyện phải quấy?

Hồi ấy chưa có di động nhưng may gặp ngay được ông vì cũng có nhiều lần lui tới... Cũng cần nói thêm, sau khi có Những việc cần làm ngay, làng báo xứ Bắc khí thế lắm.

Nhiều quan báo và phóng viên gặp gỡ như một sự tự nhiên. Gặp để trao đổi về vụ việc này khác, cả việc phân công phối hợp giữa báo này đài khác trong việc điều tra viết bài chống tiêu cực là chuyện thường.

Đã thành lệ, cứ buổi thời sự 6 giờ chiều, 6 giờ sáng, Đài TNVN lại có hẳn một chương trình điểm tin hoặc phát nguyên xi những bài phóng sự điều tra, những vụ việc nổi cộm trên một số báo ( thực ra cũng chỉ có vài báo, đài tích cực vào cuộc.

Tác dụng hiệu quả của thứ ấy lớn lắm. Bởi dân mình khi ấy chủ yếu nghe đài, báo thì có hạn). Viết đến đây tự dưng đâm nhớ tiếc cái thời phối hợp vô tư sôi nổi mà hình như bây giờ thưa vắng đi nhiều lắm?

Sau những bộp chộp thân tình, tôi hồi hộp đợi ở ông những rành rẽ này khác như mọi bận... Nhưng cái cười quen thuộc cùng mái tóc lốm đốm bạc và bộ quân phục xuân hè như khiến ông khỏe khoắn mau mắn thêm ra chứ ở vị đại tá này, tịnh chẳng thoát ra những thảng thốt lo lắng như tôi tưởng! Ông chỉ nói vắn tắt là cứ vào đó, mọi sự sẽ rõ thôi.

Ông nói thêm là cũng mừng vì cấp trên tổ chức cuộc gặp (ông không dùng từ đối thoại) này. Rồi ông cười thò cho tôi một tờ giấy.

Tôi ngó qua. Hơi bị choáng vì đó là thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Thư đánh máy trong đó có đoạn.

Nếu bài viết có nội dung tốt chính xác có tác dụng xây dựng thì đồng chí Tổng Biên tập quyết định cho đăng và báo chịu trách nhiệm trước bạn đọc.

(Sau này mới biết, Trần Đình Bá vừa táo gan và cũng để chắc ăn đã gửi thư cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Chỉ ít ngày, Tổng Bí thư đã có hồi âm cho Trần Đình Bá).

Tôi biết ngày mai, vị đại tá xuất quân Nam tiến chắc cũng trên tinh thần lời dặn trong thư của Tổng Bí thư? Quả lần ấy, qua một ngày ròng rã đối thoại với ông Tô Duy có cấp to đùng làm trọng tài, thày trò ông thắng! Thắng, có lẽ chỉ là cách nói khác của việc thoát nạn trong tình thế dân chủ mới được tập sự và cải thiện sau cú hích của Nói Và Làm (NVL)? Loạt bài của Trần Đình Bá năm 1988 được Giải A của Hội Nhà báo (hồi ấy chưa có Giải Báo chí quốc gia. Nhớ vậy vì người viết bài này, cũng được Giải A cùng đợt trong một loạt bài về một đề tài khác).

Về sau, khi không còn ở cương vị TBT Báo QĐND và gánh chức Chủ tịch Hội Nhà báo, cánh chúng tôi vẫn thường lui tới ông. Riêng cá nhân, mỗi khi gặp chuyện nặng nề, vẫn thường tìm đến tự dưng lượm bắt được khá nhiều điều nhẹ nhõm. Cả những lần mấy anh em chúng tôi mắc phải tai nạn nghề nghiệp, ông cũng cho những lời khuyên cần thiết.

Nhoáng cái, vị huynh trưởng trong làng đã biệt dương thế mười bốn năm rồi! Có câu ông viết trong một cuốn sách “Tôi nghĩ trong bất cứ điều kiện nào của Việt Nam, một Tổng Biên tập chân chính vẫn có thể làm cho tờ báo mà mình phụ trách có chất lượng" - TBT Trần Công Mân .

Một quyết tâm, một trách nhiệm cứ như đánh đố hậu thế?

2. Dám chắc thiên hạ nhớ nhà báo Xuân Cang một thời là TBT Báo Lao Động (1982-1987) hơn là nhà văn Xuân Cang từng viết tiểu thuyết Suối gang! Thời ấy Báo Lao Động sâu đậm hơn trong bạn đọc bởi có TBT Xuân Cang.

Lần ấy ông thò ra cho tôi coi một trang của tờ báo mà ông là TBT. Nó xám xịt (in trên giấy xấu) nhưng rờ rỡ những dòng gạch đít lẫn những gạch xóa bằng mực đỏ.

Phần gạch, phần phê có vẻ nhiều hơn số chữ của bài báo? Phần phê đại loại, cái thứ nhân danh Đổi Mới nhân danh dân chủ như thế này cần phải trừng trị kỷ luật.

Tôi hoảng hồn khi biết tác giả chữ ký là của một ông cốp lớn, hơi bị lớn! Bài mà báo đăng có bút chữa bút phê là ý kiến ngắn của ông Lê Giản, nguyên Giám đốc Nha Công an Bắc Bộ thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám.

Đại để là chống tiêu cực phải triệt để không được đánh trống bỏ dùi, làm qua loa hình thức.

Trong đó có câu khi nóc nhà dột làm cái việc quét dọn chỉ là vô ích... Ông cốp ấy đã ý kiến như vậy đến 10 TBT cũng đứt nói chi một Xuân Cang!

Nhiều, rất nhiều người đã tiếp xúc với nhà báo Xuân Cang. Có cảm giác như ông lúc nào cũng cười cười? Thói quen hay dị tật? Chả biết! Nhưng cứ như ông tâm sự là khi ấy ông rối ruột lắm!

Rối thì phải gỡ. Có người mách ông cứ cầm bài báo lên gặp tác giả Những việc cần làm ngay! Nhà báo Xuân Cang biết tác giả là ai rồi (nên nhớ khi ấy không phải tất tật đều biết !) Nhưng gặp thì không dám. TBT Xuân Cang gửi qua một đường dây tin cẩn.

Đợi mãi, đợi mãi... Nhưng rồi cũng có hồi âm. Thư của tác giả NVL. Hình như trực tiếp an ủi TBT Xuân Cang thì ít mà trực tiếp nói với ông cốp kia hơi nhiều? Xin trích nguyên văn về trường hợp bài báo trên báo Lao Động, tôi nghĩ báo chí chúng ta đang phấn đấu để Đổi Mới, Chúng ta nên xem xét.

Ở đây không có động cơ xấu không nên kết luận như vậy. Phải thông cảm với các nhà báo.

Sau này gần như được thăng chức những là Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Công đoàn nhưng ông Xuân Cang cứ buồn buồn vì ông nói đứt mất cái đoạn đang máu làm báo.

Bây giờ nhà báo, nhà văn Xuân Cang đang yên ổn những ngày hưu trí chuyên tâm đến việc nghiên cứu Kinh Dịch.

Mỗi lúc ngó cuốn Tám chữ Hà Lạc và số phận một đời người tôi thầm nghĩ ông coi số cho người rành rẽ thông tuệ là thế nhưng có khi nào nguyên TBT Xuân Cang lý giải gì về cú thoát hiểm ấy của đời mình không nhỉ?

3. Hình như nhà văn Nguyên Ngọc không có cái tài thu xếp hay thu vén này khác? Nhưng chỉ một câu Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ dặn nhà thơ Bế Kiến Quốc nhớ thu xếp cho cậu ấy yên ổn để viết được cái gì đó...

Cậu ấy là nhà văn Phùng Gia Lộc. Cuối 1986, đầu 1987, thời Thanh Hóa đói cơm một thì đói dân chủ mười, Phùng Gia Lộc đào thoát khỏi Xứ Thanh ra Hà Nội để tránh những phiền lụy.

Tá túc ( một cách bí mật) nhiều nơi nhưng cuối cùng đậu lâu hơn chỗ vợ chồng Bế Kiến Quốc, Đỗ Bạch Mai. Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã bộc bạch với TBT Nguyên Ngọc cơ sự này...

Một trong những viết được cái gì ấy là quả bom tấn Cái đêm hôm ấy đêm gì...

Nhớ báo Văn Nghệ dưới trào Nguyên Ngọc, số lượng phát hành tròm trèm 10 vạn bản.

Riêng tờ có bài Cái đêm... của Phùng Gia Lộc số lượng là 12,5 vạn bản! Bây giờ khiêm tốn, đâu như bằng một phần mười hồi ấy! Nhà văn TBT Nguyễn Trí Huân kiêm Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chắc có mơ cũng chả nghĩ tia-ra tờ báo mình ở thời điểm nào đó sẽ có số lượng phát hành hoành tráng như thế?

Chợt nhớ bài phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc trong buổi kỷ niệm Báo Văn Nghệ nhân 30 năm ngày thành lập (1957-1987) có cái đầu đề Đối mặt với cuộc sống.

Rằng sứ mệnh của các nhà văn, nhà báo là phải trực diện bám sát nắm bắt không né tránh để thúc đẩy công cuộc Đổi mới! Tiếc nhà văn Nguyên Ngọc chỉ làm TBT có năm rưỡi! Ông không được đối mặt cũng như không có dịp cỗ võ các nhà văn, các cây viết tiếp tục đối mặt. Người của một thời. Nhưng thời ấy, vận ấy hình như cũng là hữu hạn?

Riêng một trong những huynh trưởng trong làng báo, TBT Báo Tiền Phong Đinh Văn Nam, chuyện bếp núc giữa ông với cánh phóng viên chúng tôi, cái thời vừa tở mở và gian khó ấy xin khất bạn đọc một dịp khác!

Viết nhân ngày hội làng báo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG