Một góc nghề Tổng biên tập

Một góc nghề Tổng biên tập
TP - Tổng biên tập một tờ báo ngành công đoàn cấp tỉnh, có thời điểm nghèo đến mức không có cả máy vi tính, nhưng đã phanh phui những vụ đánh tham nhũng, tiêu cực “động trời”...

Số báo nào không có bài chống tiêu cực là... buồn

Ông Trần Hồng Cơ nhận chức Tổng biên tập báo Lao động Nghệ An tháng 7-2003, tiếp quản một cơ ngơi khó có thể nghèo nàn hơn. Báo chỉ có căn phòng 30m vuông, không máy vi tính, toàn bộ bản thảo phải chép tay rồi đưa đi nhà in đánh máy.

Người ta thắc mắc vì sao không đánh vi tính rồi mới in, thì ông Phó Tổng biên tập lúc ấy còn trả lời rất “ngộ nghĩnh”: “Đằng nào nhà in cũng phải đánh lại nên đánh một lần thôi”.

Có những bản thảo, sửa chữa nhiều quá, nhà in không dịch được, báo phải nhờ sinh viên thực tập viết lại... Tòa soạn, tính cả văn thư, thủ quỹ, chưa đến 10 người, 80% lượng bài vở dùng của cộng tác viên.

Báo phát hành trong hệ thống công đoàn tỉnh, có những hôm thứ 4 đưa ra bưu điện, thứ 6 vẫn nằm ì ở đấy.

Hỏi vì sao không chuyển, nhân viên bưu điện thật thà: “Báo ni thì ai đọc, khi mô chuyển nỏ được”... Báo nghèo, báo nhỏ, lại nằm dưới trướng của một liên đoàn lao động tỉnh, nghe chừng mong manh, yếu thế lắm, vậy mà mới lên nhận chức, ông Trần Hồng Cơ lập tức triển khai những bài báo đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

Tôi ngồi ở nhà riêng ông Cơ vào một buổi tối mùa hè nóng nực, thỉnh thoảng lại bị cắt điện nhưng câu chuyện chống tiêu cực trên báo Lao động Nghệ An mỗi lúc một sôi nổi.

Muốn đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực thì mình phải sạch, chứ tay nhúng chàm rồi thì há miệng mắc quai.

Ông Cơ nhớ lại: “Hồi đó, số báo nào không có bài chống tiêu cực, tham nhũng là tôi đứng ngồi không yên. Tôi phấn đấu mỗi một số báo phải có một bài chống tiêu cực, nhưng việc này vất vả lắm vì gặp nhiều trở lực. Ngay cả ở giao ban báo chí ở tỉnh báo Lao động Nghệ An cũng hay bị nhắc nhở là đưa tin một chiều, chỉ thấy một màu đen tối. Nhưng người dân thì đón nhận, lãnh đạo Liên đoàn Lao động, thấy báo đi đúng hướng, báo bán chạy nên ủng hộ. Tôi đánh tiêu cực từ vụ nhỏ rồi đi dần sang những vụ lớn”.

“Vì sao ông lại hăng hái đấu tranh chống tiêu cực như vậy”? Ông Cơ đáp lời: “Báo tôi thuộc Liên đoàn lao động, của giai cấp công nhân, phải thể hiện dũng khí của giai cấp công nhân. Báo thông tin nhiều chiều nhưng nhấn mạnh nội dung chống tiêu cực để bảo vệ người lao động”.

Cho đến bây giờ làng báo và người dân ở Nghệ An vẫn nhắc lại vụ chống tiêu cực “động trời” của báo Lao động Nghệ An mà Tổng biên tập Trần Hồng Cơ đã phanh phui và dám đứng mũi chịu sào.

Thời điểm đó, Ban Thường vụ Thành phố Vinh đưa ra chủ trương giải quyết dứt điểm các vụ tiêu cực về đất đai trong thành phố. Nhưng không ngờ, khi thực hiện thì đã làm rúng động bộ máy vì nhiều cán bộ liên quan.

Lúc đó, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh đã quyết định đình chỉ các vụ án tiêu cực đất đai. Một số vụ công an đang điều tra buộc phải dừng lại.

Phóng viên Phạm Việt Thắng của báo Lao động Nghệ An có được tài liệu về quyết định “ngang trái” đình chỉ các vụ án về đất đai của Bí thư Thành ủy Vinh, đã hỏi Tổng Biên tập: “Có đưa lên báo không?”. Tổng Biên tập Trần Hồng Cơ trả lời ngay: “Đưa, miễn là trên tinh thần xây dựng và xác tín về chứng cứ”.

Nói vậy, nhưng “động” đến một Thường vụ Tỉnh ủy - Bí thư Thành ủy cũng rất “nhạy cảm”, ông Trần Hồng Cơ cẩn thận gọi điện tham khảo ý kiến của ông Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy bấy giờ.

Ông Phó Bí thư thường trực nói: “Đăng hay không là quyền của anh, nhưng phải đầy đủ chứng cứ và không để “bị thương”.

Sau đó, báo Lao động Nghệ An đăng bài: “Tại sao Bí thư Thành ủy Vinh đình chỉ vụ án tham nhũng đất đai tại thành phố?”.

Bài báo có hiệu ứng như một quả bom. Báo đăng sáng thứ 4 thì chiều Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gọi điện hỏi: “Tại sao anh cho đăng? Anh không sợ à? Rồi đây lãnh đạo tỉnh sẽ chất vấn”.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đang đi công tác nước ngoài cũng gọi điện về hỏi Tổng biên tập Trần Hồng Cơ về bài báo. Cả Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã họp, chất vấn vì sao ông Cơ lại cho đăng thông tin nhạy cảm này.

Nhưng người dân, đặc biệt các cựu chiến binh rất ủng hộ bài báo. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã mời 10 đại tá về hưu họp tại nhà mình và thống nhất khi cần thì lên báo Lao động Nghệ An để góp tiếng nói bảo vệ bài báo.

Sau đó, Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An quyết định thành lập đoàn kiểm tra do ông Thái Văn Hằng, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra làm việc một tháng và ra quyết định rõ ràng về những sai phạm của Thường vụ Thành ủy Vinh. Bí thư Thành ủy Vinh bị kỷ luật khiển trách.

Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch thành phố, Phó chủ tịch thành phố nhận mức cảnh cáo. Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư thường trực, Phó chủ tịch bị thuyên chuyển sang công tác khác.

Có người kể lại, trong cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, vị Bí thư Thành ủy Vinh đã than phiền: “Tôi là ủy viên thường vụ tỉnh ủy, mà tại sao một tờ báo công đoàn tỉnh “đánh” ủy viên thường vụ, Thường vụ Tỉnh ủy không nói gì?”.

Bài báo “đánh” bạn học và hai chiếc phong bì

Sau bài báo chống tiêu cực chấn động và kết thúc có hậu đó, nhiều người đã đặt câu hỏi: “Tổng biên tập Trần Hồng Cơ là ai, mà “liều” vậy”.

Ông Trần Quang Cơ và những số báo chống tiêu cực trên báo Lao động Nghệ An
Ông Trần Hồng Cơ và những số báo chống tiêu cực trên báo Lao động Nghệ An.

Trước khi chuyển sang báo Lao động Nghệ An, ông Cơ làm Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghệ An. Nhưng ông không phải là một Tổng biên tập “tay mơ”.

Ông từng có những năm tháng làm báo ở chiến trường chống Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn năm 1972, vì học giỏi, nhà trường muốn giữ lại, nhưng Trần Hồng Cơ được TTX Việt Nam đưa đi học lớp phóng viên cấp tốc cho chiến trường miền Nam, để đào tạo thế hệ nhà báo mới sau hiệp định Paris.

Trần Hồng Cơ làm việc ở TTX Việt Nam tại chiến trường quân khu 5, sau giải phóng thì thường trú ở Pleiku.

Năm 1976 về quê hỏi vợ, bố vợ ra điều kiện phải chuyển ra Vinh mới cho cưới. Thế là Trần Hồng Cơ xin vào Đài Truyền hình Vinh, rồi vào bộ đội tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, 1981 ra quân về ngành văn hóa.

Đến năm 1993, giữ chức giám đốc Trung tâm triển lãm tỉnh rồi làm trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Sở Văn hóa. Đang chán với công việc suốt ngày văn bản giấy tờ thì đúng lúc Liên đoàn Lao động ra tờ báo Lao động Nghệ An hầu như vô danh. Nhưng đam mê nghề báo trỗi dậy, ông Cơ dấn thân sang tờ báo này.

Trần Hồng Cơ nổi tiếng là một TBT đấu tranh chống tiêu cực không khoan nhượng, không né tránh, công tư phân minh. Lần đó, báo Lao động Nghệ An phanh phui vụ tiêu cực đất đai tại thị trấn huyện Nam Đàn có liên quan đến trách nhiệm của Bí thư huyện ủy. Bí thư huyện ủy là bạn học cùng với mình nhưng ông Cơ vẫn quyết đăng.

Ngày Tết, ông Cơ đến cơ quan và nhận được hai phong bì. Mở ra. Một phong bì đựng măng - sét báo Lao động Nghệ An gói phân trong đó. Phong bì còn lại có bài thơ chửi Trần Hồng Cơ. Ông Cơ im lặng không nói một lời. Giám đốc Bảo tàng Nghệ An là sếp của cơ quan vợ, mắc sai phạm, báo ông cũng “phang”.

Chuyện tiêu cực của ngành văn hóa, nơi mình từng gắn bó nhiều năm, Trần Hồng Cơ vẫn cho đăng báo như thường.

Lại cắt điện, tôi và ông ra thềm ngồi cho thoáng. Nhà của một nguyên TBT cũng không có gì sang trọng, tiện nghi.

Ông tiếp câu chuyện: “Muốn đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực thì mình phải sạch, chứ tay nhúng chàm rồi thì há miệng mắc quai. Khi viết bài chống tiêu cực, người ta hay nhờ lãnh đạo cấp trên và người thân gọi điện xin. Tôi đối phó bằng cách giữ bí mật thông tin đến cùng, nhiều khi phải trực ở nhà in, để thông tin trên bản bông không lọt ra ngoài. Nhưng khi báo mình viết sai thì phải xin lỗi cải chính đàng hoàng. Chủ tịch tỉnh Nghệ An Phạm Đình Trạc nay là Bí thư Tỉnh ủy nói: "Các báo phải như ông Cơ, sai là nhận".

Với ông Cơ, muốn làm tốt nghề TBT thì phải là một biên tập viên giỏi, phải đọc và kiểm soát được thông tin trên báo, phải tập hợp được công tác viên và bạn đọc (80% tin bài trên báo Lao động Nghệ An là của cộng tác viên), nhưng trước hết phải là một cây bút.

Với 400 bài viết trong 10 năm cho chuyên mục “Sự kiện và Bình luận” với bút danh “Chỉnh Chu” (Nghiêm chỉnh và Chu đáo), ông đủ tài để khiến người ta nhớ tới một cây bút. Và nhớ tới một TBT “nghiêm chỉnh và chu đáo” chống tham nhũng tiêu cực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG