Người từ chối giải Nobel Hòa bình

Người từ chối giải Nobel Hòa bình
TP - Đồng chí Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger năm 1973. Tuy nhiên, ông từ chối giải thưởng này vì lý do hòa bình chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam. Đây cũng là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt Nam cho đến thời điểm này.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 - 10-10-2011), Tiền Phong trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Trần Tam Giáp, nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xung quanh một số cuộc trao đổi giữa đồng chí Lê Đức Thọ (lúc đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về một số vấn đề đối ngoại.

Thập kỷ 80 thế kỷ XX, khi đang là Phó Văn phòng Bộ Ngoại giao, tôi được điều động sang Văn phòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thời gian này, tôi được chứng kiến những cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo về đối ngoại, bao gồm cả những lĩnh vực an ninh chính trị, quốc phòng, di tản, tù binh… về những chủ trương mang tầm trí tuệ cao, tầm nhìn rộng lớn. Hai vị rất tâm đắc về việc giải quyết nhiều vấn đề mang tầm chiến lược.

Nhiều tờ trình anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) thường hỏi anh Sáu (đồng chí Lê Đức Thọ) đã có ý kiến chưa, hoặc có lúc hai vị gặp nhau trao đổi trực tiếp trong nhiều giờ. Nhiều vấn đề rất hóc búa nảy sinh nhưng qua trao đổi, mạn đàm giữa hai vị và sau đó đã được đưa ra các cuộc họp của Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định thông qua chứng tỏ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước.

Những vấn đề trọng đại như cuộc đàm phán Paris, MIA, quan hệ với các nước lớn… đều có sự đóng góp trí tuệ của đồng chí Lê Đức Thọ. Ở đây chỉ xin nêu một vài sự kiện cụ thể mà tôi lĩnh hội được khi được giao phụ trách (đương nhiên là những phần phụ của những việc liên quan):

Vụ trao trả bảy viên tướng của Hàn Quốc

Chủ trương của ta là tạo điều kiện cho CHDCND Triều Tiên trong cuộc đàm phán với Hàn Quốc để Chính phủ ta thả bảy viên tướng của Hàn Quốc về nước. Lúc đó hai bên đàm phán ở Niu Đêli - Ấn Độ tại Đại sứ quán Việt Nam. Sau nhiều năm hai bên không đi đến thỏa thuận nào do Hàn Quốc không đáp ứng đòi hỏi của CHDCND Triều Tiên mà họ cho là quá cao.

Qua cuộc trao đổi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Đức Thọ cho biết số tướng lĩnh này tuổi đã cao, điều kiện giam giữ của ta không đảm bảo, sức khỏe của họ giảm sút, nếu tính mạng họ có vấn đề gì nảy sinh thì sẽ rất khó cho ta. Sau đó ta đã giao cho Bộ Ngoại giao gợi ý bạn (Triều Tiên) nên có phương án hợp lý hợp tình. Bạn đòi giao số này cho họ nhưng ta không nhất trí.

Lúc đó có sự vận động của Chính phủ Thụy Điển, qua Đại sứ Oberg chuyển thư của Tổng thống Pak Chung Hy thỉnh cầu Chính phủ ta (trong số này có người là bạn thân hoặc gia đình của Tổng thống). Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Lê Đức Thọ đã thảo luận với nhau nhiều lần, bàn nhiều khía cạnh và cuối cùng đã đi đến kết luận là thả tự do số tướng lĩnh này vì lý do nhân đạo.

Đây là một quyết định không dễ dàng khi đưa ra Bộ Chính trị quyết định. Cuối cùng qua trung gian của Chính phủ Thụy Điển, một chuyên cơ đã được phép đến Hà Nội nhận số tướng lĩnh nói trên. Phía Hàn Quốc rất cảm kích và đánh giá cao quyết định của ta, họ tỏ ý muốn viện trợ kinh tế xứng đáng cho ta.

Mặc dù lúc đó ta gặp rất nhiều khó khăn nhưng ta từ chối và nhấn mạnh ta thả họ đơn thuần vì lý do nhân đạo. Sau đó ta đã giải thích cho CHDCND Triều Tiên, tuy bạn không hài lòng nhưng không có phản ứng gì ngoài dự kiến và giữ được quan hệ hữu nghị bình thường.

Tôn vinh trí thức yêu nước

Hai vị thảo luận với nhau rất lâu nhiều chuyện liên quan đến các trí thức và những quan điểm của họ, trong đó có Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện… Khi được gọi vào giao việc, tôi được nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: Anh không lo, con người này tôi biết - rất tự trọng, gắn bó với đất nước, có lòng tự hào dân tộc, không sợ anh Thảo có phát biểu gì có hại gì cho chế độ và uy tín của anh ấy đâu, anh yên tâm cứ để anh ấy đi nhận giải thưởng, điều đó chỉ có lợi cho đất nước.

Đồng chí Lê Đức Thọ nói thêm: Tôi đã đọc kỹ tác phẩm mang tính khoa học và có tính triết học của anh Thảo và đã có sự tìm hiểu về nhà trí thức này, nay có ý kiến của anh, tôi yên tâm và nhất trí với anh. Chuyến đi đạt kết quả tốt đẹp, Giáo sư Trần Đức Thảo đã trở về đúng hẹn, mang niềm vinh dự cho đất nước.

Sau này, theo đề nghị của Giáo sư Tôn Thất Tùng là Giáo sư Trần Đức Thảo bị ung thư giai đoạn cuối, trong nước phương tiện điều trị thiếu thốn, đề nghị cho Giáo sư Thảo đi Pháp chữa bệnh, nếu không giải quyết sớm, Giáo sư Thảo có mệnh hệ nào thì không lợi. Đồng chí Lê Đức Thọ cũng trao đổi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và hai vị đều nhất trí với đề nghị của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Sau một thời gian, Giáo sư Trần Đức Thảo đã mất tại Pháp.

Việc Giáo sư Cao Xuân Hạo đi Pháp nhận giải thưởng về ngôn ngữ cũng vậy. Có những ý kiến không thuận cho Giáo sư Cao Xuân Hạo đi Pháp. Hai vị cũng thảo luận và cuối cùng đồng ý giao cơ quan chức năng tạo điều kiện để Giáo sư Hạo đi Pháp nhận giải thưởng. Sau này có một vài khó khăn về thủ tục e không đến kịp thời gian trao giải thưởng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn chỉ thị Văn phòng Thủ tướng giúp đỡ để Giáo sư Hạo lên đường kịp thời. Khi đi Pháp về, Giáo sư Hạo có thư rất cảm động cám ơn sự quan tâm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và lãnh đạo Đảng về chuyến đi Pháp của ông.

Đề bạt nhân sự cấp cao

Hai vị thảo luận rất kỹ càng trước khi thông qua Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Có những trường hợp Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nhất trí nói: Qua phản ánh của anh em, tôi chưa yên tâm với trường hợp A, B… nhưng với giải trình của đồng chí Lê Đức Thọ và sự tín nhiệm của anh Tô đối với anh Sáu, mọi việc đều đã giải quyết ổn thỏa.

Đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà lãnh đạo Đảng xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, một lòng vì đất nước, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Khi được phân công việc gì đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc, sáng tạo.

Từ việc tham gia cuộc đàm phán lịch sử tại Paris với những đóng góp quan trọng của mình làm kẻ thù phải nể trọng, quốc tế ghi nhận tặng Giải thưởng Nobel đến việc chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam với việc tiếp quản Sài Gòn nguyên vẹn, việc chỉ đạo giải quyết các vấn đề vùng mới giải phóng - một khối công việc đồ sộ, đồng chí đã góp phần với các đồng chí lãnh đạo khác giành những thắng lợi quan trọng, đến việc làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Với bầu nhiệt huyết phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà lãnh đạo có bản lĩnh, giàu trí tuệ, có tầm nhìn sâu rộng và đã góp phần xứng đáng của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 9- 10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 - 10-10-2011), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, nguyên Cố vấn BCH T.Ư Đảng.

Tới dự lễ mít tinh có các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An...

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cán bộ lãnh đạo tài năng, giàu kinh nghiệm của Đảng và nhân dân ta, suốt đời hy sinh, chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì lý tưởng cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cùng ngày, tỉnh Nam Định khai mạc triển lãm ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ; tổ chức lễ động thổ dự án cải tạo, nâng cấp Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ tại xã Nam Vân và lễ đặt tên đường mang tên đồng chí cho đoạn đường dài 6.900 m từ cầu Lộc An đến nút giao xã Nam Mỹ và xã Nam Toàn.

Theo TTXVN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG