Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hàng nghìn cột điện đổ rạp
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Văn Điến – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Do cường độ của cơn bão lớn, diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về tài sản. Cơn bão ập tới đã khiến gần 9.000 ngôi nhà là nhà dân, công sở, trường học, doanh nghiệp bị tốc mái, hư hỏng nặng. Toàn tỉnh bị mất điện trong đó có 185 cột trung thế và trên 1.000 cột hạ thế bị gãy liên quan đến lưới điện trung áp 22KV và 10KV, hiện vẫn chưa khắc phục hết.
Ngoài ra, trên 36.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, nhiều gia súc, gia cầm, diện tích thủy sản bị thiệt hại. Vì chưa khôi phục được hệ thống lưới điện cung cấp cho các trạm bơm tiêu úng nên khả năng thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn, tính đến nay vẫn còn 33.000 ha lúa chìm trong nước. Nhiều Nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn), Khánh Phú (Yên Khánh)… bị tốc mái, nước mưa tràn vào nhà xưởng, nhà kho gây hỏng hóc nguyên liệu hàng hoá… ảnh hưởng đến sản xuất gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Bão đã nhấn chìm khuôn viên nhà máy Đạm Ninh Bình, gây mất điện khiến nhà máy này phải dừng hoạt động.
Tại Nam Định, có 74.100 ha lúa ở 220 xã bị ngập úng, hơn 8.500 ha hoa màu khác bị dập nát, nhiều hộ gia đình nuôi trồng thủy hải sản có nguy cơ trắng tay sau bão số 1. Cơn bão đã làm 7 tàu thuyền bị chìm, trong đó 6 tàu của ngư dân và 1 tàu của Cảnh sát đường thủy và 2 người chết. Hiện nay, có 1 tàu vẫn đang bị mất tích và 4 tàu giao thông bị hư hỏng.
Thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 14 trạm BTS bị đổ, 13.000 cột điện bị gãy. Cùng với đó, do cây cối đổ gãy, nên nhiều cáp viễn thông bị đứt. Riêng huyện Xuân Trường đã có hơn 100km cáp bị đứt. Ngoài ra tại nhiều cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Nam Định đị quật gãy trong cơn bão số 1.
Thiệt hại nặng vì dự báo không chính xác
Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái.
Trả lời PV Tiền Phong về nguyên nhân dẫn tới thiệt hại trên, ông Nguyễn Xuân Hải – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Bình cho rằng: Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Ninh Bình. Theo ông Hải, thiệt hại trên do người dân chủ quan mà nguyên nhân là do dự báo không chính xác, các thông tin truyền tải đến người dân không đúng với thực tế cơn bão.
Ông Hải dẫn chứng, thông tin dự báo trên truyền hình, Ninh Bình là địa bàn bị ảnh hưởng và bão chỉ giật cấp 7 cấp 8, trong khi đó thực tế tâm bão lại đổ bộ vào Ninh Bình với tốc độ rất nhanh, gió giật cấp 11, cấp 12, thậm chí có lúc lên tới cấp 13.
'Việc thông tin dự báo không chính xác đã đến tình trạng người dân không chuẩn bị ứng phó đúng với ảnh hưởng của cơn bão dẫn tới hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập úng,…', ông Hải nói.