Mưa lớn gây lụt lịch sử ở Quảng Ninh: Hơn 20 người chết và mất tích

Mưa lớn gây lụt lịch sử ở Quảng Ninh: Hơn 20 người chết và mất tích
TP - Những trận mưa lớn liên tiếp trong các ngày từ 26-28/7 đã làm nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 18 bị ngập sâu, nhiều căn nhà ở thành phố Hạ Long bị sập làm 17 người chết, 6 người mất tích.

17 người chết, 6 mất tích

Trận mưa lúc rạng sáng 28/7 đã tạo thành dòng nước lũ cuốn theo đất đá từ trên núi đổ ụp xuống ba căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thược (75 tuổi, tổ 44, khu 4 Cao Thắng), khiến 3 căn nhà biến mất, cả chín người trong gia đình bị vùi lấp.

Dưới trời mưa xối xả, ba căn nhà đã biến mất chỉ còn lại một hiện trường ngổn ngang đất đá và đồ đạc hư hỏng. Trên nền đổ nát một ban thờ cho những người xấu số vừa được dựng lên khói hương nghi ngút. Quanh đó, cả trăm người dân và lực lượng chức năng đang tập trung dùng xà beng, cuốc xẻng đào bới đống đất đá. Phía sau, trên vách núi cheo leo, một khe nước lớn vẫn ào ào tuôn xuống.

Mưa lớn gây lụt lịch sử ở Quảng Ninh: Hơn 20 người chết và mất tích ảnh 1

Đường giao thông, khu dân cư nằm ngay chân cầu Bãi Cháy bị ngập nước. Ảnh: Đỗ Hoàng.

Theo người dân, lúc tảng sáng 28/7, một người hàng xóm phát hiện ra ba căn nhà của bà Thược cùng gia đình hai người con trai bị đất đá vùi lấp. Người dân cùng lực lượng cứu hộ đã cứu được anh Cao Tiến Vỹ (con trai bà Thược) từ trong đống đổ nát đi cấp cứu. Anh Vỹ bị chấn thương sọ não vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Vợ và con gái anh Vỹ được tìm thấy sau đó nhưng đã tử vong. Do trời liên tục đổ mưa lớn người còn lại bị đất đá vùi lấp dưới sâu, lực lượng cứu hộ phải huy động máy xúc nhỏ vào san gạt đất đá. Đến buổi chiều, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể vợ chồng con trai lớn bà Thược cùng hai cháu nhỏ. Đến tối khuya lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân là bà Thược và cháu Việt.

Cách đó không xa, ông Đàm Văn Giới (71 tuổi, trú tại tổ 29 khu 3 Cao Thắng) cũng bị thiệt mạng do đất đá lở đổ vào căn bếp trưa 28/7, khi ông đang dọn trong bếp. Ông Giới được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Mưa lớn gây lụt lịch sử ở Quảng Ninh: Hơn 20 người chết và mất tích ảnh 2

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân tại khu vực ba căn nhà bị nước lũ và đất đá vùi lấp. Ảnh: Đỗ Hoàng.

Tại khu vực đường Lê Thánh Tông (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long) đất đá ở trên núi cũng bị đổ ụp xuống, tràn vào một số ngôi nhà cao tầng, tràn cả ra đường. Một số gia đình ở mặt đường Lê Thánh Tông phải dựng lán ở phía vỉa hè đối diện tạm lánh đề phòng nguy hiểm. Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, các trận mưa lũ liên tiếp trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã làm 17 người chết (3 người ở thành phố Cẩm Phả, 14 người ở thành phố Hạ Long). Ngoài ra đến nay vẫn còn 6 ngư dân gặp nạn trên vùng biển Quan Lạn. Khả năng sống sót của những người mất tích nói trên rất mong manh.

Dừng mọi cuộc họp để lo chống lũ

Trận mưa lớn rạng sáng 28/7 tiếp tục làm cho nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 18 chìm sâu trong nước. Đầu giờ sáng, tại khu vực vào cảng Cái Lân quốc lộ 18 chìm sâu trong nước khiến cho các phương tiện giao thông phải vòng theo đường Bãi Cháy để vào thành phố Hạ Long. Lữ đoàn 147 đã huy động một số xe thiết giáp ra chốt chặn ở những khu vực đường ngập có thể gây nguy hiểm để hướng dẫn điều tiết giao thông, hỗ trợ các phương tiện đi qua. Đoạn quốc lộ 18 ở khu vực Đèo Bụt (phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả) vẫn tiếp tục bị chìm sâu trong nước. Các phương tiện giao thông phải đi vòng qua huyện Hoành Bồ.

Mưa lớn gây lụt lịch sử ở Quảng Ninh: Hơn 20 người chết và mất tích ảnh 3

Lữ đoàn 147 Hải quân điều động xe lội nước ra bảo đảm an toàn, hỗ trợ người dân. Ảnh: Đỗ Hoàng.

Cũng do mưa lớn liên tiếp, nhiều khu dân cư tại phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) bị chia cắt và ngập sâu trong nước. Các lực lượng cứu hộ của quân đội phải tiếp cận để cứu hộ, di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm. Tương tự, tại các phường Quang Hanh, Mông Dương và Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) nhiều khu vực bị chia cắt, ngập lụt. Thành phố Cẩm Phả đã huy động trên 1.700 lượt người tham gia cứu hộ và di chuyển trên 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Buổi chiều 28/7 lực lượng cứu hộ tiếp tục tiếp cận khu Quang Hanh để tiếp nhu yếu phẩm và di chuyển các hộ bị ngập lụt. Tại xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) có 2 thôn cũng bị cô lập do ngập sâu.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, do mưa lũ hoành hành, ngày 28/7, đường ống nước sạch của Nhà máy nước Diễn Vọng (thành phố Cẩm Phả) cấp nước cho hai thành phố Cẩm Phả và Hạ Long bị đứt gãy, hư hỏng nặng việc khắc phục sẽ phải kéo dài. Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến chiều 28/7, mưa lũ đã làm thiệt hại 1.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương ngừng tất cả các cuộc họp để tập trung cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả trận mưa lũ. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương di dời, kể cả cưỡng chế để đưa đến nơi an toàn, đồng thời tập trung chăm lo cho người dân trong thời gian tạm cư. Tỉnh Quảng Ninh trích ngân sách hỗ trợ cho các nạn nhân thiệt mạng 6 triệu đồng/người.

Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã lập Bộ chỉ huy tiền phương do thiếu tướng Trần Đình Kha, Phó tư lệnh trực tiếp chỉ huy các chiến sỹ và phương tiện cứu hộ, tiếp nhu yếu phẩm và di chuyển người dân ở khu vực ngập lụt tới vị trí an toàn.

Miền Bắc, Bắc Trung bộ mưa lớn, đề phòng lũ quét

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, từ hôm nay đến ngày mai (29-30/7), các tỉnh ven biển Quảng Ninh-Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang sẽ có mưa vừa, mưa to. Riêng khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng có mưa to đến rất to.

Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang; đề phòng ngập lụt vùng thấp, đô thị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Trên vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2-3,5m, biển động.

Từ ngày 31/7-2/8, mưa vừa, đến mưa to sẽ mở rộng toàn miền Bắc và Bắc Trung bộ. Trên thượng lưu hệ thống sông Thái Bình có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 3-7m, ở hạ lưu từ 2-4m. Đỉnh lũ ở mức báo động 2-3.

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, đặc biệt gây thiệt hại lớn ở Quảng Ninh, hôm qua, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn bị cô lập, không để người dân bị đói khát.            

Phạm Anh - Thành Nam

MỚI - NÓNG