Ngày 16/5, ông Trần Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi và động viên các chủ đầu tư các khu công nghiệp VSIP, Việt Hương, Đồng An... bị ảnh hưởng, thiệt hại do hành động của những kẻ gây rối, quá khích gây ra.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đến thăm hỏi, động viên các doanh nghiệp bị thiệt hại các vụ biểu tình quá khích của công nhân. Ảnh: VnExpress
Ông Liêm thay mặt tỉnh xin lỗi về những sự cố đáng tiếc xảy ra vừa qua, cho biết tỉnh đang tập trung các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công an triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất.
"Tỉnh Bình Dương cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm tối đa về an toàn cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp an tâm trở lại sản xuất", ông Liêm nói.
Phó chủ tịch cũng cho biết, tỉnh Bình Dương đang chỉ đạo ban quản lý các khu công nghiệp phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức rà soát, thống kê các thiệt hại để xin ý kiến Chính phủ có những chính sách, hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp có thể nhanh chóng khắc phục, sớm đi vào hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại, tỉnh Bình Dương sẽ động viên và hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp khắc phục, sớm đi vào hoạt động trở lại. Hiện ban quản lý các khu công nghiệp cùng các ngành chức năng đang khẩn trương tiếp tục thống kê thiệt hại của doanh nghiệp để kịp thời báo cáo tỉnh đề xuất với cấp trên để có giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Tính đến ngày 16/5, đã có 950 người kích động đập phá trong các cuộc biểu tình bị bắt giữ. Ảnh: VnExpress
Về phía các doanh nghiệp, ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hưng Thịnh, chủ đầu tư khu công nghiệp Đồng An cho biết, có 80% các doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghiệp này không bị thiệt hại, hiện các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Trong vụ biểu tình gây rối vừa qua, khu công nghiệp này có 35 doanh nghiệp bị thiệt hại, hiện gần 10 doanh nghiệp đang sửa chữa gần xong và sẽ sớm đưa nhà máy tiếp tục vào hoạt động sản xuất.
Còn ông Đinh Hùng Phong, Tổng giám đốc Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Hồng Kông), cho biết là doanh nghiệp ông đã có mặt và đầu tư vào Bình Dương hơn 10 năm qua, công ty rất tin tưởng vào môi trường và giải pháp xử lý của tỉnh Bình Dương. "Sau sự cố, tuy bị thiệt hại do đập phá nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh công ty chúng tôi đã khắc phục và đi vào sản xuất trong ngày 16/5. Hiện có 3.300 trong tổng số 3.500 công nhân của công ty đã đi làm bình thường", ông Phong nói.
Cảnh sát cơ động tuần tra trong khu công nghiệp VSIP ngày 16/5. Ảnh: VnExpress
Trong khi đó, ông Dương Chí Khải, đại diện Công ty Yang Cheng Việt Nam (Đài Loan) cho biết, công ty đang khắc phục sửa chữa để đầu tuần tới đi vào hoạt động trở lại bình thường. Riêng tại khu công nghiệp VSIP I và II đã có 65% số lượng doanh nghiệp sản xuất lại bình thường. Một số doanh nghiệp khác bị thiệt chưa thể sản xuất hiện đang sửa chữa nhà xưởng, dự kiến cũng sẽ đi hoạt động trong tuần tới. Tại khu công nghiệp Việt Hương có 50% doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính có hàng chục nghìn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện phải tạm nghỉ việc do những kẻ xấu kích động đập phá, đốt cháy nhà xưởng sản xuất.
Tính đến ngày 16/5, qua mở rộng điều tra, ít nhất 950 kẻ kích động đập phá trong các vụ biểu tình đã bị bắt giữ. Công an tỉnh Bình Dương đang củng cố hồ sơ, phân loại vi phạm để sớm đưa ra xử lý nghiêm minh.
Theo Nguyệt Triều