Kinh doanh sau 24h ở Hà Nội: Mở thâu đêm nhưng cần quản lý chặt

Du khách ngồi uống bia trên phố cổ Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tối ngày 12/8. Ảnh: Như Ý.
Du khách ngồi uống bia trên phố cổ Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tối ngày 12/8. Ảnh: Như Ý.
TP - Phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc cho phép kinh doanh sau 24h đang được đông đảo người dân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch quan tâm đặc biệt. Chủ trương trên sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch Thủ đô phát triển, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức thí điểm ở một vài tuyến phố cổ trước khi tiến hành nhân rộng.

Đòn bẩy cho du lịch Hà Nội

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc cho phép mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí để du khách có thể vui chơi sau 24h, nhiều ý kiến người kinh doanh dịch vụ ủng hộ chủ trương này của thành phố. Anh Việt Anh (29 tuổi), người từng sở hữu 2 quán bar trong khu vực phố cổ nói, đáng lẽ Hà Nội nên bỏ quy định cấm bán hàng sau 24h đêm từ lâu. Không chỉ phát triển du lịch, mà còn để giới trẻ có chỗ chơi đêm tại những khu vực được quản lý, tránh sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Anh Guatam Saheb, khách du lịch đến từ Ấn Độ cho hay, dù đã từng qua nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Philippines… nhưng mới thấy ở Việt Nam, cứ gần nửa đêm lại có xe cảnh sát đi yêu cầu các nhà hàng đóng cửa. Anh cùng nhiều du khách từng bị “nhốt” trong quán nửa tiếng, sau khi xe cảnh sát đi mới được mở cửa cho về. “Ban đầu cũng lo, nhưng dần thành quen”, anh Guatam nói.

Nhiều hộ kinh doanh thuộc các khu phố cổ, phố cũ như: Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bè, Đào Duy Từ… đều tỏ ra ủng hộ việc được buôn bán muộn hơn. Một chủ quán bar dành cho khách nước ngoài (xin được giấu tên) nói: “Khách Tây đi chơi rất muộn, thường đến 2 - 3 giờ sáng nên nhà hàng cũng phải phục vụ theo khách. Nhưng hoạt động theo hình thức “chui lủi” rất mệt mỏi. Cứ đến 23h30’, công an phường đi qua các tuyến phố yêu cầu đóng cửa. Chúng tôi đành phải đóng cửa trước, rồi cho khách đi lại bằng cửa sau. Cửa sau phải trèo lên tầng 2 nhà bên cạnh rồi mới ra được quán, vừa khổ sở, vừa nguy hiểm cho chính khách hàng”.

Kinh doanh sau 24h ở Hà Nội: Mở thâu đêm nhưng cần quản lý chặt ảnh 1

Khách du lịch nước ngoài đi bộ trên phố cổ Tạ Hiện - Hoàn Kiếm, Hà Nội tối ngày 12/8. Ảnh: Như Ý.

Mở thâu đêm phải đi liền với hạ tầng

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Ngọc Tiến, Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội cho biết, chủ trương bỏ “giờ giới nghiêm” là hợp lý, đặc biệt vào thời điểm Hà Nội đang xác định du lịch là ngành mũi nhọn của Thủ đô. Trước đó, BQL phố cổ Hà Nội đã có đề xuất giãn thời gian hoạt động của phố đi bộ để tăng hiệu quả kinh tế du lịch. Cụ thể, cho phép các nhà hàng, quán bar trong phạm vi phố đi bộ được mở đến 2h sáng. Đồng thời, cần rà soát các quán bar có mở nhạc phải sử dụng các vật liệu tiêu âm, cửa 2 lớp… để không ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Ông Tiến thông tin thêm: Trước đây, khi bắt đầu tổ chức chơi nhạc trên các ngã ba, ngã tư phố cổ, nhiều hộ dân bất bình yêu cầu ngừng hoạt động do ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, đến khi dừng thì các hộ dân lại gửi đơn đề nghị biểu diễn lại. Đơn cử như ở 61 Lương Ngọc Quyến (phường Hàng Buồm), hơn 20 hộ dân yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút du khách. “Do đó, việc mở rộng cần thực hiện từng bước và cẩn trọng”, lãnh đạo BQL phố cổ Hà Nội nhận định.

Bà Trần Thị Thúy Lan, người tổ chức hầu hết các hoạt động văn hóa tại khu phố đi bộ cho biết, hiện nay các chương trình biểu diễn thường kết thúc lúc 22h, luôn gây cảm giác hụt hẫng cho khách du lịch. Tuy nhiên, nếu kéo dài thời gian biểu diễn văn hóa, văn nghệ cũng như các hoạt động vui chơi giải trí trong phố cổ, Hà Nội cần đầu tư đồng bộ hạ tầng đi theo. “Đơn cử như dịch vụ vệ sinh công cộng, trông xe… sau 24h cần đảm bảo cho du khách có được dịch vụ như ban ngày”, bà Lan nói.

Nói về chủ trương dỡ bỏ quy định cấm kinh doanh sau 24h của thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa đòn bẩy về kinh tế du lịch. Tuy nhiên, bà An khuyến nghị thành phố nên thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng”.

Bà An phân tích: “Việc thành phố xem xét dỡ bỏ cấm kinh doanh sau 24h là một chủ trương tốt, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước và là nhân tố quan trọng để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với lãnh đạo thành phố là chúng ta sẽ quản lý thế nào để vừa phát triển được du lịch, lại vừa đảm bảo được an ninh trật tự, bởi quản lý ban đêm rất khác so với quản lý ban ngày. Muốn quản lý tốt, thành phố cần phân rõ trách nhiệm quản lý cho ai, phân cấp quản lý thế nào? Để thu được hiệu quả cao, trước hết thành phố nên tổ chức thí điểm mô hình ở khu vực phố cổ trước khi tổ chức nhân rộng”.

Quản lý chặt chẽ tránh biến tướng

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết, đang cùng các ban ngành đề xuất với thành phố kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các quy định về thời gian hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành du lịch, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch cũng như cộng đồng dân cư.

Ông Hồng khẳng định: Quy định không được hoạt động sau 24h khiến du khách tới Hà Nội có cảm giác đơn điệu, thiếu sinh động, nhất là khi so sánh với các thành phố khác trong khu vực. Bên cạnh đó, việc “mở cửa” cho hoạt động giải trí ban đêm cần có sự giám sát, quản lý sát sao của các cơ quan chức năng. Nếu không rất dễ biến tướng thành các hoạt động giải trí không lành mạnh. “Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố có kế hoạch, phương án cụ thể để lường trước và khắc phục những khó khăn khi áp dụng thực hiện quy định mới”, lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội nói. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Việc thành phố cho phép kinh doanh sau 24h là một chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, tùy từng khu vực, tùy địa điểm mà chúng ta có thể quy hoạch rõ thời gian được hoạt động. Qua hoạt động kinh doanh du lịch thực tiễn ở khu vực phố cổ có thể thấy, nhu cầu du khách được giải trí về đêm là có thật, nhất là khách du lịch đến từ khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Chúng ta cần phải dự đoán sát số lượng du khách đến Hà Nội hàng tháng, từ đó đưa ra được quy hoạch từng khu vực được hoạt động dịch vụ sau 24h để khai thác tối đa hiệu quả các điểm dịch vụ, chuẩn bị lực lượng an ninh trật tự để quản lý…”.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.