Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, đây là giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội.
Ông Viện cho biết, Hà Nội hiện có trên 5,7 triệu phương tiện, trong đó riêng xe máy chiếm 5,2 triệu (trên 90%), mỗi năm tăng thêm 10%. Nếu cứ để phương tiện cá nhân gia tăng tự do thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 8,6 triệu phương tiện. Lúc đó giao thông sẽ không dừng ở ùn tắc mà sẽ là… tê liệt.
Với thực trạng giao thông như vậy, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì sẽ kéo lùi sự phát triển của Thủ đô. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra đang ngày trầm trọng. Việc thành phố ban hành dự thảo nghị quyết để trình Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 (gọi tắt: Đề án quản lý phương tiện giao thông) lên HĐND thành phố là hết sức cần thiết. Mục tiêu của đề án là tập trung kiểm soát lượng phương tiện tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường; phát triển hạ tầng, vận tải công cộng (VTCC) đồng bộ, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân.
So với các giải pháp trước đây, đề án lần này có gì mới, thưa ông?
Việc kiểm soát, quản lý xe cá nhân đã được thành phố Hà Nội nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp trong 10 năm qua, trong đó có các giải pháp xe đi theo ngày chẵn lẻ, dừng đăng ký xe máy ở các quận trung tâm… Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng, đặc biệt năng lực vận chuyển của VTCC còn hạn chế nên các giải pháp nêu trên chưa phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Với Đề án quản lý phương tiện giao thông lần này, cùng với những chuyển biến tích cực của VTCC là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố cũng triển khai lấy ý kiến, đóng góp của người dân. Nhờ có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, đề án đang nhận được sự ủng hộ của trên 90% người dân được lấy ý kiến. Theo nội dung và lộ trình thực hiện của đề án, thay vì triển khai từ năm 2025 như phương án trước đây, nay thành phố lùi đến năm 2030 mới bắt đầu dừng hoạt động của xe máy tại các quận.
Lộ trình chuẩn bị 13 năm
Trong khi khả năng đáp ứng của VTCC còn hạn chế, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân, vậy nếu bỏ xe máy thì người dân đi lại bằng gì?
Đây là lo ngại hoàn toàn chính đáng. Dù đã có mức thu nhập khá, nhưng do tính cơ động và hạ tầng giao thông, đường sá nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ nên xe máy vẫn đang là phương tiện đi lại chính của người dân Thủ đô. Từ thực tế này, để có thể bỏ được xe máy, thành phố đã thống nhất với cơ quan soạn thảo thay vì năm 2025 như phương án trước đây, chúng tôi đã kéo dài thời gian dừng hoạt động của xe máy tại các quận thêm 5 năm nữa. Với lộ trình 13 năm này, thành phố có thêm thời gian hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống VTCC. Cùng với đó, người dân cũng có thời gian chuẩn bị cho lộ trình dừng hoạt động xe máy vào năm 2030. Hiện nay VTCC đã đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu, đến năm 2030 thành phố đặt ra mục tiêu đạt khoảng 50 đến 55% nhu cầu.
Nếu chỉ nhìn vào xe buýt thì mục tiêu này là không tưởng, tuy nhiên với chủ trương phát triển VTCC đa phương thức, gồm xe buýt, BRT, đường sắt đô thị, thậm chí cả taxi, xe du lịch… mục tiêu trên hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, hiện Sở GTVT tiếp tục rà soát, mở rộng và tối ưu hóa mạng lưới xe buýt, trong đó có phát triển, mở các tuyến xe buýt theo điều kiện từng tuyến đường phố, mặt cắt nhỏ hẹp để tiếp cận tối đa các khu dân cư; nâng cao chất lượng phục vụ để từ sau năm 2025 xe buýt sẽ đạt được 4,2 triệu lượt khách/ngày. Hoàn thành 5/9 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch trong đó có các tuyến Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội. Hoàn thiện thêm 4/7 tuyến BRT, trong đó có các tuyến Ngọc Hồi- Phú Xuyên; Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi…
Với lộ trình và các giải pháp đồng bộ như vậy, tôi tin rằng, từ năm 2030 trở đi người dân Thủ đô sẽ dễ dàng tiếp cận các loại hình VTCC và sẵn sàng bỏ xe cá nhân để chia sẻ với các giải pháp giảm ùn tắc của thành phố.
Chủ xe ô tô phải mở tài khoản để quản lý
Đề án chỉ thấy đề cập việc dừng hoạt động xe máy, trong khi ô tô và một số phương tiện khác cũng đang gây ùn tắc không kém thưa ông?
Có nội dung là tăng cường quản lý phương tiện giao thông, do vậy đề án hướng đến kiểm soát tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông trên đường. Xe máy là phương tiện đang tập trung với số lượng lớn trong khu vực nội đô, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường, do vậy sau khi tham khảo thêm một số mô hình quản lý đô thị không có xe máy trên thế giới, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương dừng hoạt động xe máy tại các quận trước. Với các loại phương tiện còn lại, trong đó có ô tô cá nhân, taxi, xích lô, xe ba bánh chở hàng và xe đạp điện… đề án cũng có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, khi thực hiện đề án, từ nay đến năm 2020 chủ xe ô tô trên địa bàn thành phố phải mở tài khoản cho phương tiện của mình tại ngân hàng, cùng với đó lắp thiết bị phụ trợ (tính phí tự động) để phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông. Xây dựng đề án thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc, ô nhiễm. Xây dựng quy hoạch taxi để kiểm soát số lượng đầu xe; với xe kinh doanh vận tải khách đến 9 chỗ ngồi có ứng dụng công nghệ để hoạt động như xe Grab, Uber được áp quy định quản lý như taxi, trong đó có quản lý cả về số lượng, chất lượng và phạm vi hoạt động… Với số lượng xe taxi được tăng thêm và phải thay thế hàng năm thành phố sẽ đấu giá quyền sở hữu.
Nếu đề án được HĐND Hà Nội thông qua vào giữa tuần này, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai các công việc cụ thể gì, thưa ông?
Việc đầu tiên Sở GTVT phải làm là hoàn thiện đề án theo các nội dung được HĐND thành phố thông qua, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để thành phố phê duyệt. Với các nhóm giải pháp thuộc thẩm quyền của thành phố Hà Nội thành phố Sở GTVT sẽ chủ động triển khai theo lộ trình từ năm 2017; trong đó có việc rà soát và dừng hoạt động một số loại phương tiện không an toàn, không còn phù hợp với điều kiện giao thông như xe ba bánh chở hàng, xe xích lô. Đối với 7 nhóm vấn đề liên quan đến bộ ngành trung ương, Sở GTVT sẽ tham mưu cho UBND thành phố phối hợp với các bộ ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm triển khai đề án theo lộ trình.
Cảm ơn ông.
Khi thực hiện đề án, từ nay đến năm 2020, chủ xe ô tô phải mở tài khoản cho phương tiện của mình tại ngân hàng, cùng với đó lắp thiết bị phụ trợ (tính phí tự động) để phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông. Xây dựng đề án thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc, ô nhiễm.
Giai đoạn 2017 - 2018: triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về phương tiện giao thông. Giai đoạn: 2017 - 2020: Phát triển VTCC theo hướng đa phương thức - đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 50-55% nhu cầu; hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ vào khu vực ùn tắc. Giai đoạn: 2017 - 2030 từng bước thực hiện hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực, đến năm 2030 dừng hoạt động trên địa bàn các quận.