Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15/2014 về đăng ký xe. Thông tư 15 cũng chỉ rõ xe máy điện khi lưu hành cũng phải đăng ký biển kiểm soát (BKS). Theo đó khi làm thủ tục đăng ký xe máy điện, người dân phải có các loại giấy tờ gồm: Giấy khai đăng ký xe, giấy tờ chủ xe, chứng từ nguồn gốc của xe, hóa đơn bán xe, chứng từ nộp lệ phí trước bạ. Trường hợp xe máy điện khi tham gia giao thông mà không có đăng ký BKS thì sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, tương đương mức tiền xử phạt của các loại mô tô khác. Thông tư này có hiệu lực từ 1.6.2014.
Tuy nhiên trên thực tế, trong ngày 31.5, qua khảo sát của PV Thanh Niên thì vẫn còn rất nhiều người dân tỏ ra băn khoăn lo lắng và hiểu chưa thật rõ về Thông tư 15 này.
Chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ H.Hoài Đức, TP.Hà Nội) cho hay: “Khi mua xe tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là không phải đội MBH, không phải làm đăng ký BKS như xe máy nên toàn bộ giấy tờ theo xe mình cũng chẳng quan tâm, bỏ đâu mất”. Vẫn theo chị Thúy, trong một vài ngày tới chị sẽ tới trụ sở công an để hỏi kỹ về thủ tục đăng ký cho chiếc xe máy điện của mình.
Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng Đội Quản lý phương tiện thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.Hà Nội, cho biết các trường hợp sử dụng xe máy điện từ ngày 1.7.2009 về trước mà không còn lưu giữ được các loại giấy tờ liên quan tới nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn bán hàng, phiếu kiểm tra chất lượng… thì có thể làm đơn cam kết có xác nhận của chính quyền địa phương và sau đó tới trụ sở cơ quan công an để được kiểm tra, xác minh và cấp đăng ký. Việc cấp đăng ký xe máy điện được thực hiện tại trụ sở công an quận, huyện, thị xã. Theo trung tá Thảo, Thông tư 15 chỉ sửa một số điều về đăng ký xe cho phù hợp với thực tiễn so với Nghị định 171.
Theo Hà An