Chủ tịch Quốc hội:

Giao Ủy ban KH-CN-MT giám sát vụ Formosa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các cơ quan thông tấn, báo chí.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các cơ quan thông tấn, báo chí.
TP - Ngày 23/7, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, QH đang giao Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường giám sát vấn đề môi trường của Formosa Hà Tĩnh; sẽ có chương trình giám sát theo luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế.

Đất nước thiếu dân chủ, lòng dân sẽ không yên

Sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội (QH) khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc gặp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước. Chủ tịch QH nhấn mạnh, QH khóa XIV sẽ nâng cao hoạt động lập pháp, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành luật về quyền con người, quyền công dân, đặc biệt quyền về chính trị, kinh tế phù hợp với Hiến pháp, với công ước Liên Hợp Quốc; tiếp tục nâng cao, đổi mới hoạt động giám sát của QH, chọn trọng tâm, trọng điểm là vấn đề nhân dân bức xúc để đưa vào chuyên đề giám sát tối cao. “QH sẽ nâng cao chất lượng các quyết định về các vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm, thiết thực, mang lại sự phát triển bền vững về kinh tế, môi trường và giám sát những vấn đề gây thất thoát, lãng phí và tham nhũng”, bà Ngân nói.

Bên cạnh đó, QH khóa XIV sẽ đổi mới hoạt động các kỳ họp, nâng cao trách nhiệm của đại biểu (ĐB) QH trong thảo luận, tăng cường tranh luận giữa các ĐBQH, tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm. “Chuyển từ QH tham luận sang QH thảo luận, tranh luận, khuyến khích tinh thần tranh luận, thảo luận tại hội trường”, bà Ngân nói. Để đáp ứng điều này, theo bà Ngân, các ĐBQH cần dành nhiều thời gian đi cơ sở, tiếp xúc cử tri, tăng cường nắm bắt tình hình gắn với chương trình công tác của mình, không phải chỉ tiếp xúc trước và sau kỳ họp. Theo bà Ngân, QH là của dân, do dân bầu ra, nói tiếng nói của dân, tức là phải nghe được hơi thở của dân, tâm tư, nguyện vọng của dân. “Nhà nước chúng ta là của dân, do dân, vì dân. Bản chất dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước phải được tôn trọng. Còn ở đâu đó xảy ra mất dân chủ thì đó là sai phạm, thiếu sót của tổ chức đó, chứ không phải bản chất nhà nước. Trong một gia đình, nếu bố mẹ không tôn trọng con cái, thì con cái ra đường cũng không tôn trọng người khác. Dân chủ từ trong gia đình, từ trong cơ quan. Một gia đình, cơ quan mất dân chủ thì sẽ mất đoàn kết. Một đất nước thiếu dân chủ, lòng dân sẽ không yên, sẽ không có sự đồng thuận xã hội”, bà Ngân nói.

Giám sát chặt để quy trách nhiệm

Bà Ngân cho biết, các nghị quyết giám sát của QH sẽ được theo dõi tới cùng, không có tình trạng đánh trống bỏ dùi. Giám sát thực hiện kiến nghị của QH, ĐBQH, lời hứa của thành viên Chính phủ, sẽ đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt trong giám sát, chất vấn, sẽ nhấn mạnh vấn đề làm rõ trách nhiệm đến đâu, ở đâu, ai là người chịu trách nhiệm. “Đứng trước vấn đề khó khăn thì phải có tính quyết đoán. Nếu thấy việc đó là đúng với đường lối, chủ trương và tình hình đất nước thì phải quyết đoán, nếu sai thì sẵn sàng nhận trách nhiệm”, bà Ngân nói.

Liên quan đến vấn đề xử lý sai phạm của Formosa, đặc biệt việc cho thuê đất lên tới 70 năm, bà Ngân cho biết, QH đang giao Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường giám sát. QH có giám sát riêng để có đánh giá, phản biện có cơ sở. “Sắp tới sẽ có chương trình giám sát theo luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Người dân quan tâm nhất sau đó là trách nhiệm của ai. Nếu không rõ trách nhiệm thì không ai nghe”, bà Ngân nói. Cũng theo bà Ngân, không nhất thiết phải lập ủy ban lâm thời để xử lý vấn đề về Formosa. “Chính phủ đang làm rất chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan, các địa phương liên quan báo cáo, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Kể cả ở địa phương hay T.Ư thì đều phải chịu trách nhiệm. QH sẽ tiếp tục giám sát. Bộ Chính trị cũng có nhiều phiên họp nghe báo cáo về vấn đề này và có chỉ đạo chặt chẽ”, bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch QH, bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm cho môi trường ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. “Formosa là một kinh nghiệm, bài học đắt giá trong đầu tư trong tương lai”, bà Ngân nói. Trao đổi thêm về trường hợp ĐBQH Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) né phóng viên báo chí hỏi về Formosa, bà Ngân cho biết, sẽ trao đổi với ông Cự, đồng thời nhắc nhở ông này tiếp xúc với báo chí để cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn cho báo chí một cách cụ thể, không mập mờ, tránh né. “Lỡ có hình ảnh ĐBQH xua tay từ chối phóng viên thì mất hình ảnh ĐBQH. Trong sinh hoạt của QH, đề nghị các ĐBQH cung cấp thông tin trung thực, khách quan cho báo chí”, bà Ngân nói.

Chủ tịch QH cũng cho biết, tuy không đề cập trong lời tuyên thệ, nhưng khi đã nói trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Hiến pháp cũng đồng nghĩa là phải chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu. “Trước hết, QH phải làm công tác lập pháp cho tốt, rà soát lại cho luật pháp kín kẽ, không ai lợi dụng kẽ hở được. Quan liêu gắn với đạo đức công vụ thì phải thực hiện các chương trình cải cách hành chính, con người, thủ tục”, bà Ngân nói. Người đứng đầu QH cũng cho biết, phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chủ trương. “Ví dụ khi quyết vụ Sân bay Long Thành, QH đã đặt câu hỏi có nên làm hay không, quy mô thế nào, làm ở đâu, ai làm, thu hồi bao nhiêu đất, đền bù bao nhiêu. Khi quyết các vấn đề đó đã phòng chống được tiêu cực ngay từ khâu chủ trương. Sau đó sẽ tiếp tục giám sát”, bà Ngân nói.

Về vấn đề dư luận quan tâm liên quan việc bổ nhiệm cán bộ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói. “Đúng quy trình nhưng có đúng tiêu chuẩn không, xứng đáng ngồi vị trí đó hay không? Quy trình thì cái gì cũng đúng. Ngay như làm luật cũng đúng quy trình nhưng có luật cũng chưa khả thi. Muốn luật tốt, cán bộ tốt thì quy trình là cần nhưng chưa đủ. Phải đánh giá cán bộ đó nên đặt ở chỗ nào, có xứng đáng hay không? Chúng tôi sẽ giám sát việc này”. 

Quốc hội sẽ nghiêm túc xem xét Luật Biểu tình

Phải nghiên cứu thấu đáo, phù hợp với tình hình đất nước, làm sao ban hành Luật Biểu tình vừa bảo đảm quyền công dân, phù hợp với tình hình đất nước, đảm bảo quyền của người dân được tham gia biểu tình phù hợp pháp luật, được kiểm soát. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Sau khi Chính phủ đã rà soát, nghiên cứu trình lên thì QH sẽ nghiêm túc xem xét chứ không phải là lùi vô thời hạn” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.