“Giải mã” bảo vật quốc gia

“Giải mã” bảo vật quốc gia
TP - Lần đầu tiên hơn 30 cổ vật vừa được Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia. Trong đó, cây đèn hình người quỳ và tượng Phật A di đà ở chùa Phật Tích - Bắc Ninh là hai báu vật chứa nhiều bí ẩn của lịch sử. PV Tiền Phong đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn cần giải mã ấy ...

> Bí ẩn tượng đồng thiêng 500 tuổi xứ Quảng Trị
> Hành trình trở thành bảo vật quốc gia của xe tăng 390
> Công nhận 30 bảo vật quốc gia

Bí mật cây đèn hình người quỳ

Cây đèn hình người quỳ - một bảo vật quốc gia hết sức độc đáo - chẳng ngờ lại được tìm thấy bởi một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Thụy Điển mang tên O. Jenne.

Ông đã sang Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ trước với tư cách là cộng sự của Viện Viễn Đông Bác Cổ, đi nhiều, chủ trì nhiều cuộc khai quật quan trọng và đã đưa về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) những hiện vật giá trị, trong đó có cây đèn hình người. Jenne đã viết hẳn một bài bút ký kể lại câu chuyện mang tên Bí mật cây đèn hình người quỳ trong cuốn sách cùng tên của ông.

Chuyến từ Hà Nội về Thanh Hóa khảo sát thực địa ở một khu mộ cổ, nhưng khi đến nơi, khu mộ cổ đã bị đào trộm và Jenne cùng cộng sự đành phải ra về trong bóng hoàng hôn sắp tắt.

Chiếc ô tô chở họ đi trên con đường gồ ghề trên cánh đồng, nhưng tài xế tên Chúc bỗng dừng xe lại ngơ ngác và nói: “Tôi đã lạc đường rồi”.

Họ đến một ngôi nhà lá cây côi che phủ gần hết và trong lúc chờ lái xe hỏi đường Jenne đi đến khu vườn để xem xét. Ông đã rất ngạc nhiên khi ngay cạnh ngôi nhà có một ngôi mộ to cao trên một khu đất hình chữ nhật dài 15m.

Nhạy cảm của một nhà khảo cổ mách bảo đây là khu mộ cổ lớn. Và ngay sau đó, họ xác định một khu vực tương đối nhỏ khoảng nửa tá ngôi mộ lớn khác. Họ ghi lại những ngôi mộ này trên bản đồ và sau đó đã quay lại, thỏa thuận với chủ đất để khai quật.

Những nhát cuốc thăm dò đầu tiên không đụng phải nắp mộ bằng gạch - một điều thất vọng.

Sau đó, đoàn khảo cổ tìm kiếm một cách vô vọng dấu vết của mộ cổ ngay dưới đỉnh gò đất. Đến ngôi mộ thứ 3, nằm theo hướng bắc - nam, bên ngoài mặt phía bắc của ngôi mộ “lối vào” bị chắn bởi một bức tường cao bằng gạch đá. Nắp mộ chưa ai động đến, vì thế nhiều khả năng chưa bị đào trộm.

Điều này có nghĩa đây là ngôi mộ cổ đầu tiên mà O. Jenne phát hiện mà chưa bị xâm hại. Ngôi mộ này sẽ là địa điểm để có một cuộc nghiên cứu có hệ thống. Và chính ngôi mộ này, một bảo vật quốc gia hết sức độc đáo phát lộ.

Nhà khảo cổ O. Jenne kể lại: “Trong lúc dọn sạch cửa nối giữa hầm “thờ” và hầm mộ trung tâm, thì chúng tôi đụng phải một vật kim loại, nhưng đã bị gỉ và cát bao bọc nên không thể nhận ra nó là vật gì. Với dao làm bằng tre và bàn chải, chúng tôi đã làm sạch dần cát bám xung quanh và có thể khẳng định đây là một bức tượng đồng hiếm có. Cây đèn cao 35 cm, có hình người đang quỳ bằng đầu gối, hai vai và trên lưng có 3 cành chữ “S”.

Mỗi một cành chữ “S” đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Ở giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang qùy.

Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của những hình người này cho thấy họ là những vũ công. Ngoài ra trên chân của những tượng này có 4 nhạc công, thậm chí cũng ở tư thế qùy. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác chơi một loại nhạc cụ nào đó”.

Mặc dù được xem là ngôi mộ cổ của người Hán nhưng điều đáng ngạc nhiên: Nhân vật chính thiếu tất cả những đặc điểm của người Trung Hoa và như vậy có thể coi là người lạ. Trên đỉnh đầu có một vật nhỏ và người ta có thể phỏng đoán là chiếc mũ - dấu ấn mang tính chất xã hội và tôn giáo. Trong bộ sưu tập ở bảo tàng Louvre tại Paris, có những hiện vật tương tự, như tượng một hình tượng Ai Cập mô tả thần Dionnysos với một vương miện giống chiếc mũ của bức tượng hình người quỳ trên đầu.

Nhà khảo cổ O.Jenne đã “soi” rất kỹ bức tượng hình người quỳ và nhận thấy nhiều điều đặc biệt. Tóc được mô tả bằng những cuộn hình xoáy ốc. Đây là đặc điểm thường thấy với các tượng Phật của Ấn Độ và lại tiêu biểu cho nghệ thuật Gandhara Hy Lạp cổ đại. Xung quanh trán có một vành khăn.

Trong nền văn hóa Địa Trung Hải cổ điển, đây là dấu hiệu của những bậc vương giả. Con mắt của bức tượng không nhìn xuôi, mà có tỷ lệ lớn và mở rộng (ở Hy Lạp cổ đại, con mắt to là hình tượng của sắc đẹp. Người ta có thể nhớ tới nữ thần sắc đẹp Hera trong văn học cổ điển có con mắt to như mắt bò cái).

Xung quanh vành môi là ria mép mỏng, bộ râu mỏng chia đôi phần cằm. Theo thông tin đáng tin cậy, mốt râu ria mép tương tự khá phổ biến hiện nay trong các bộ tộc miền núi tây Pakistan.

Trên hai bàn tay vươn ra, người đàn ông cầm một chiếc đĩa nhỏ hình e-líp. Sau khi nghiên cứu, người ta biết rằng chiếc đĩa đó là nơi đặt bát uống nước. Mặc dù người đàn ông được tạo ở tư thế quỳ, nhưng đây không phải là người hầu hạ đầy tớ hoặc một người ở vị trí thấp hèn.

“Vương miện” (vòng trên đầu) và những vật trang điểm cho thấy đây là bức tượng thể hiện một bá tước hoặc một vị thánh (Trong truyện thần thoại Hy Lạp những vị thần hoàng thường được mô tả ở tư thế quỳ).

Chính những sự pha trộn trên đã đưa đến một giả thiết: Nếu cây đèn thể hiện nền văn hóa cổ Hy Lạp chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo thần bí, thì không chỉ riêng cây đèn mà ngay cả ánh sáng của nó cũng nhằm làm hoàn thiện một chức năng thần bí.

Cây đèn hình người có thể hiểu là một minh chứng về sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

GS Đỗ Văn Ninh lại ngờ rằng cây đèn này của người Hán được mang vào cùng với đội quân viễn chinh người Hán, để khi chết chôn theo, như quan niệm của hầu hết các dân tộc phương Đông.

TS Phạm Quốc Quân - Nguyên Giám đốc bảo tàng Lịch sử sau khi đã nghiên cứu nhiều cây đèn đồng cổ khác đã cho rằng cây đèn hình người quỳ là sản phẩm của thời hậu Đông Sơn.

TS Phạm Quốc Quân chia sẻ: “Đèn thời hậu Đông Sơn có lẽ là phong phú nhất về số lượng và hình loại.. Trong các quan niệm tôn giáo thần bí phương Đông hay trong các hoạt động tế lễ về ban đêm thì ánh sáng đóng vai trò cơ bản.

Điều này có quan hệ gần gũi với những ý tưởng về vũ trụ bao la và được xem như là phản ánh sự cao quý của mặt trời, trăng và sao. Ánh sáng là biểu tượng của tâm hồn và chứa đựng nội dung thiêng liêng.

Ánh sáng phát ra từ cây đèn như hào quang chói lọi. Ánh hào quang ấy đưa lại cho mỗi con người luôn tôn kính thánh thần, tín ngưỡng và sự bất tử. Những cây đèn có thể được xem là biểu hiện luân hồi của tạo hóa. Điều đó có nghĩa, chúng là vật chỉ đường dẫn lối cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia”.

Cây đèn hình người quỳ - hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời cuối Đông Sơn thể hiện kỹ thuật đúc, sự khoé léo và phản ánh thẩm mỹ cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này.

Từng chi tiết, cây đèn tỏa ra những giá trị thuần Việt. Chính vì những lẽ đó mà cây đèn hình người quỳ đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

“Cuộc đời” thăng trầm của Tượng phật A di đà

Tượng Phật A di đà “áo vá”
Tượng Phật A di đà “áo vá”.
 

Chù Phật Tích - một ngày đông lạnh giá, nhưng pho tượng Phật A di đà bằng đá nguyên khối vẫn toát lên sự ấm áp từ nụ cười, ánh mắt rất thuần Việt.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Phật xưa nhất xác định được niên đại của Việt Nam. Văn bia Vạn Phúc thiền tự bi năm 1057 chép: Vua nhà Lý cho xây chùa và dựng một ngọn tháp trên núi Lạn Kha, bên trong tôn trí pho tượng Phật cao sáu thước (1,86 mét, thêm phần bệ đạt 2,69 m).

Tượng Phật A di đà cũng đã bao phen thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Thời gian trôi đi, tháp bị đổ, người dân tìm thấy tượng đã mất hết sơn son thếp vàng. Chính sự phát hiện pho tượng này mà đã đổi tên làng thành Phật Tích.

Vào thập niên 1940 trong thời kỳ kháng Pháp vì áp dụng tiêu thổ kháng chiến, chùa Phật Tích bị đốt, toàn cảnh bị tàn phá nặng và pho tượng cũng bị hư hại do súng đạn bắn vào, gãy phần đầu và cổ. Một người nông dân đã đem đầu tượng về giấu, hoà bình ông đem đầu tượng lại cho chính quyền và gắn lại cho đến bây giờ.

Tôi nhìn thấy trên bức pháp cách điệu hình lá sen của tượng Phật có vết “vá”. Sư thầy Thích Minh Thiện - trụ trì chùa Phật Tích - bùi ngùi: “Đó chính là những vết đạn mà lính Pháp đã bắn vào tượng. Tượng không vỡ nhưng đành mặc áo vá”.

Bao bể dâu, gương mặt của tượng vẫn nguyên vẹn thần thái mà cha ông thuở xưa đã tạc. Mặt tượng hình trái xoan, mắt hé mở, chỏm đầu có nhục khấu nhô lên, tóc xoăn, tai dài, cổ cao ba ngấn, vai rộng, thân dỏng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước, hai tay đặt ngửa trong lòng kết ấn thiền định hàng ma với tay trái đặt trên tay phải, chân ngồi xếp bằng tròn kiểu kiết gia.

Thân Phật mặc áo khoác, xếp thành nhiều nếp nhẹ nhàng buông xõa. Tượng ngồi trên tòa sen hình bán cầu dẹp, trang trí bằng những cánh hoa sen úp và ngửa. Trong mỗi cánh lại tạc hình rồng cuốn.

Dưới tòa sen là một con sư tư đội lên, tượng trưng cho Phật lực quy phục được cả mãnh thú. Chân bệ là một khối hình chóp, cắt thành bốn bậc, có bình đô hình bát giác. Trang trí chân bện là hình rồng, sóng, mây, lửa chập chờn, vần vũ.

So với tượng Phật đương đại thời nhà Đường bên Trung Hoa thì tượng Phật Trung Hoa có nét vạm vỡ trong khi tượng Phật thời Lý dáng thanh thoát, thon gọn..

Sư thầy Thích Đức Thiện- trụ trì chùa Phật Tích, nhận định: “Tượng Phật Adiđà mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thời Lý, trong mối giao lưu, tiếp biến văn hóa với các trường phái của Ấn Độ và trường phái Lục Triều, Trung Quốc. Theo tôi, đó là trường phái nghệ thuật Phật Tích, bởi sự lan tỏa của nó trong văn hóa Việt Nam”.

Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền thì khẳng định pho tượng này là tác phẩm điêu khắc A-di-đà cổ nhất và hoàn thiện nhất của thời Lý mà chúng ta còn lưu giữ được cho đến ngày nay.

Cũng tinh thần đó, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân cho rằng với tượng A Di Đà ở Phật Tích, mỹ thuật Việt Nam đã có được vẻ đẹp cổ điển, về chất cũng như về lượng, nó vừa vặn, thăng bằng với nhân cách dung dị và bác ái của làng xã và dân tộc.

Báu vật quốc gia sẽ tỏa sáng

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho biết, những bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận lần này đều trải qua một quy trình xét duyệt hết sức công phu, khách quan với những tiêu chí nghiêm ngặt. Một trong những tiêu chí quan trong nhất, đó là phải là độc bản ( duy nhất, không có bản thứ hai) và có ý nghĩa lớn về lịch sử văn hóa cũng như nghệ thuật.

Khi đã được công nhận bảo vật quốc gia, các hiện vật sẽ được “lên đời” , cách trưng bày bảo vệ cũng sẽ được nâng lên cho xứng tầm để tỏa sáng.

Tới đây, những báu vật quốc gia ở bảo tàng lịch sử cũng như các địa phương khác sẽ được “đối xử” một cách đặc biệt hơn, có những tấm biển ghi nhận là báu vật của cả một đất nước để người dân chiêm ngưỡng.

Cùng với quyết định công nhận 30 bảo vật quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, thủ trưởng Bộ, ngành, người đứng đầu tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG