28 năm đã qua, những câu chuyện của các cựu binh Gạc Ma, các nhà báo có mặt tại điểm nóng của cuộc chiến năm xưa vẫn vẹn nguyên tính thời sự về việc bảo vệ biển đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Gạc Ma và các đảo khác hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Vòng tròn bất tử
Tháng 3 này, tôi có dịp gặp các cựu chiến binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống khi các anh đến Toà soạn để tham gia cuộc giao lưu trực tuyến “Năm tháng Gạc Ma” do báo Tiền Phong tổ chức. “Nhận lời mời của báo, chúng tôi rất phấn chấn, đã cùng nhau đi xe khách xuyên đêm từ Quảng Bình, Hà Tĩnh để đến đây từ sớm”, các cựu binh Gạc Ma nói.
Trong ba cựu binh Gạc Ma, anh Lê Hữu Thảo (sinh năm 1965, quê Hà Tĩnh) là lính hải quân đánh bộ thuộc Lữ đoàn 146, còn các anh Nguyễn Văn Thống (SN 1964, quê Quảng Bình) và Lê Văn Đông (SN 1966, quê Quảng Bình) là lính công binh Trung đoàn 83; hai đơn vị này đều thuộc Quân chủng Hải quân.
Các anh cho biết, ngày 11/3/1988, lên tàu HQ 604 đến Gạc Ma với nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đảo. Sau 2 ngày đêm trên biển, 5 giờ chiều 13/3, tàu HQ 604 đến Gạc Ma. Khoảng 40 phút sau, một chiếc tàu của Trung Quốc cũng đến nơi, đỗ cách Gạc Ma khoảng 200-300 mét, rồi bắc loa nói đây là đảo của họ. Phía ta lập tức khẳng định, Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi đây. Lát sau, tàu Trung Quốc rút đi.
Anh Lê Hữu Thảo kể: “Rạng sáng 14/3, một số chiến sĩ công binh rời tàu HQ 604, dùng thuyền nhỏ vào Gạc Ma để xem xét việc xây dựng trên đảo. Các anh đã đào một hố để dựng cột cờ, sau đó trở lại tàu. Khoảng 5 giờ sáng, anh Nguyễn Mậu Phong (trung đội trưởng), anh Trần Văn Phương (trung đội phó) lệnh cho tôi là tiểu đội trưởng cử thêm hai đồng chí nữa trong tiểu đội để cùng lên đảo kiểm tra và cắm cờ. Chúng tôi gồm 5 người xuống xuồng vào đảo. Khoảng 5 giờ 30 phút, có 3 tàu của Trung Quốc bất ngờ ập đến, đỗ vòng cung áp sát đảo và tàu HQ 604. Ngoài xa, họ còn có thêm một tàu nữa sẵn sàng tiếp ứng. Các tàu Trung Quốc chĩa súng vào đảo, yểm trợ cho 50 lính trang bị súng đầy đủ đổ bộ lên Gạc Ma. Tại đây, họ ngăn cản không để lính công binh chuyển nguyên vật liệu lên đảo, đồng thời yêu cầu ta rút khỏi đây.
Khi đó, tại Gạc Ma chúng ta chỉ có khoảng 20 chiến sĩ công binh cùng 5 chiến sĩ hải quân đánh bộ. Chủ trương của ta khi đó là xây dựng đảo nên công binh chủ yếu chỉ có xà beng, cuốc xẻng mà không được trang bị vũ khí tác chiến. Trước tình thế căng thẳng, nhưng hơn hai chục chiến sĩ Việt Nam vẫn bình tĩnh nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn để giữ lá cờ, hình ảnh mà sau này trở thành biểu tượng “vòng tròn bất tử”.
Thấy vậy, lính Trung Quốc tiến lại tấn công, nhằm cướp lá cờ được cắm tại Gạc Ma nhưng không thành. Họ bèn tuốt lưỡi lê để đâm nên ta phải dùng xà beng, cuốc xẻng tự vệ. Thấy đánh giáp lá cà không xong, phía Trung Quốc bắt đầu nổ súng. Thấy trung đội phó Trần Văn Phương bị trúng đạn vào bụng, Lê Hữu Thảo vội tới đỡ đồng đội. Vừa lúc đó một viên đạn nữa bắn chéo xuyên vào trán khiến anh Phương gục xuống nhưng tay vẫn nắm chặt cờ Tổ quốc.
Anh Thảo vội ôm lấy đồng đội, trong khi lính Trung Quốc tiếp tục xông vào cướp cờ. Nhanh như cắt, anh Nguyễn Văn Lanh xông tới tiếp ứng, giành lại lá cờ. Anh Thảo một tay ôm thi thể đồng đội, một tay cầm xà beng hỗ trợ anh Lanh, quyết giữ cờ Tổ quốc. Cùng lúc đó, lính hải quân đánh bộ của ta trên tàu HQ 604 xuống tiếp ứng. Trước tinh thần chiến đấu quả cảm của ta, lính Trung Quốc được lệnh rút lên tàu, rồi dùng hỏa lực bắn vào tàu HQ 604 khiến tàu bị chìm.
Nghĩa tình đồng đội
Lê Hữu Thảo cho biết, tại Gạc Ma, anh chứng kiến cảnh tàu HQ 604 bị bắn chìm. Khi đó, bộ đội ta buộc phải rời tàu, tìm cách bơi vào Gạc Ma. Anh Thảo bèn bơi về phía tàu chìm, cách đảo gần 100 mét để tham gia cứu đồng đội. “Ngoài những đồng đội bị thương hoặc đuối sức cần sự trợ giúp, một số khác tự bơi hoặc kiếm được những chiếc thuyền nhỏ để vào được Gạc Ma. Sau này, tôi được biết trong trận chiến ngày 14/3 năm đó có 64 cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh”, anh Thảo nghẹn ngào nói.
Sau khi tàu HQ 604 bị chìm, tàu Trung Quốc rút ra xa. Trong khi đó, những chiến sĩ của ta tại Gạc Ma không thể báo tin vào đất liền vì thiết bị liên lạc bị hỏng. Trước tình thế khó khăn, các anh nghĩ tới tàu HQ 505 cùng xuất phát với tàu HQ 604, nhưng đến đảo Cô Lin, cách Gạc Ma không xa. Qua quan sát, các anh được biết HQ 505 cũng bị tàu Trung Quốc bắn phá, nhưng không bị chìm mà lao được vào đảo Cô Lin nên chắc sẽ liên lạc được với đất liền. Họ bèn tìm những chiếc thuyền con chưa bị hỏng để cùng nhau đến đảo Cô Lin. Thi thể anh Trần Văn Phương được các anh bọc lại cẩn thận để đưa đi cùng. Sau một quá trình vất vả, các anh cũng đến được đảo Cô Lin. Tại đây, các anh được biết tàu HQ 505 bị bắn hỏng, nhưng không ai hy sinh.
Tối 14/3, tàu của ta tới Cô Lin chở mọi người về đảo Sinh Tồn. Đêm đó, anh Thảo cùng đồng đội trông thi thể anh Phương. Sau đó, anh Phương được an táng trên đảo Sinh Tồn, những người còn lại được đưa về đất liền. “Trước lúc hy sinh, anh Phương nói với tôi tháo chiếc nhẫn để chuyển về cho vợ con anh. Tôi đã giao lại chiếc nhẫn cho chỉ huy đơn vị để chuyển về cho vợ con anh ở Quảng Bình”, anh Thảo nhớ lại.
Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo vẫn mong mỏi được biết tin tức về đồng đội. Nhưng thời đó, do thông tin hạn chế, bản thân hoàn cảnh lại khó khăn nên anh Thảo chưa có dịp tìm đồng đội. Cách đây bảy năm, tình cờ anh Thảo biết được tin tức và gặp được anh Nguyễn Văn Lanh (sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-PV) và anh Hoàng Bùi Hải, những người đồng đội năm xưa từng chiến đấu tại Gạc Ma.
Năm 2013, một cộng tác viên cho một số tờ báo tại Quảng Bình tình cờ gặp anh Thảo, đã chụp ảnh anh và đưa thông tin lên facebook. Biết tin, một số nhà báo tại Quảng Bình đã xin số điện thoại để gặp, rồi cho anh Thảo biết liệt sĩ Trần Văn Phương đã được gia đình di mộ từ đảo Sinh Tồn về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc (Quảng Trạch, Quảng Bình). Anh Thảo vội tìm đến nghĩa trang viếng đồng đội. Tại đây, anh bất ngờ được gặp mẹ Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, cả hai chỉ còn biết ôm nhau khóc…
Anh Thảo tâm sự: “Tại Gạc Ma, không ai ra lệnh cho chúng tôi phải ở lại hay rút lui. Thời gian cũng cho phép chúng tôi rút lui an toàn, nhưng tất cả không làm vậy. Bởi chúng tôi là những người lính, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ đất nước”.
____________
(Còn nữa)
Sau khi xuất ngũ, do cuộc sống khó khăn nên cựu chiến binh Trần Hữu Thảo phải bươn trải đủ nghề. Cách đây 2 năm, qua dành dụm và được sự giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị hảo tâm, anh Thảo mới mua được mảnh đất và xây nhà tại thành phố Hà Tĩnh. Năm ngoái, tròn 50 tuổi, anh mới lập gia đình. Cho tôi xem hình ảnh con trai mới sinh được hơn hai tháng, anh Thảo cho biết: “Tôi đặt tên cháu là Lê Nguyễn Trường Sa để nhớ về những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, Trường Sa…”.
Cương quyết hơn trong bảo vệ chủ quyền
Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, phải mạnh mẽ hơn nữa, cương quyết hơn nữa trong bảo vệ chủ quyền. Ông Tùng cho biết, xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là mong muốn của nhân dân. Vì thế, số tiền để xây không dùng ngân sách mà vận động người lao động, người hảo tâm, nhân dân trong và ngoài nước đóng góp mỗi người một viên gạch. Con số đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài cũng nhiều, ví dụ như đồng bào ở CH Séc gửi về vài trăm triệu. Ngày 12/3/2015, Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng. Hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể khánh thành tượng đài chính vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay.
“Đặc biệt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đến thăm khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có gợi ý nên mở rộng, nếu cần thiết thì xây dựng thêm một mô hình giống như từ đảo Gạc Ma nhìn sang Cô Lin, Len Đao. Tôi nghĩ chỗ Cô Lin, Len Đao mình có thể thiết kế để tiếp khách, để thân nhân đến thăm có thể ở lại đó. Y tưởng này đang được kiến trúc sư thiết kế và sẽ trình bày cho Tổng Liên đoàn và Hội đồng cho ý kiến”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, việc xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa ở Lý Sơn sẽ là khu tưởng niệm tổ tiên của chúng ta đã phát hiện và đặt mốc chủ quyền đầu tiên ở quần đảo Hoàng Sa; những người trong đội hùng binh đời Nguyễn đi làm nhiệm vụ khai thác, khai mở quần đảo Hoàng Sa; những người làm việc tại trạm khí tượng trên đảo thời kỳ Pháp thuộc; những binh lính của Việt Nam Cộng hòa đồn trú ngoài đảo sau 1954; 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trong trận hải chiến năm 1974 chống quân Trung Quốc. Rồi sau này những ngư dân thiệt mạng tại đây khi đi đánh cá. Cho nên khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa không phải là tưởng niệm một người nào mà là tưởng niệm tất cả những con dân đất Việt, không phân biệt màu da, sắc tộc, tín ngưỡng đã nằm lại ở quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền của chúng ta, chống lại ngoại bang, ngoại xâm.
Trường Phong