Đề nghị mở rộng vùng tìm kiếm máy bay mất tích

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại cuộc họp khẩn. Ảnh: Sỹ Lực
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại cuộc họp khẩn. Ảnh: Sỹ Lực
TPO - 17 giờ ngày 9/3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có phiên họp khẩn về vụ máy bay Boeing mất tích của Malaisia.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, chưa thấy dấu hiệu khẳng định máy bay rơi tại điểm nghi vấn, cần phải mở rộng vùng tìm kiếm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu báo cáo lại diễn biến vụ việc. Với các dữ liệu đưa ra, ông Tiêu cho rằng, khả năng chiếc máy bay rơi trong khu vực quản lý bay của Việt Nam (thuộc FIR Hồ Chí Minh) rất cao, đề nghị lập trạm chỉ huy tại Phú Quốc.

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: 14 giờ hôm nay phát hiện vật thể lạ và đang điều tàu nhanh nhất đến được khu vực đó. Lấy mẫu vết dầu loang để xem có phải nhiên liệu máy bay hay không. Tối nay không bay, sáng mai sẽ bay. Sẽ điều máy bay từ phía Bắc vào Nam tìm kiếm.

Ông Tuấn cảnh báo, máy bay, tàu chiến hiện nay rất nhiều, việc bay vào buổi tối rất nguy hiểm.

Ông Tuấn cũng cho biết, trong vụ việc này, thông tin mở. Cơ quan báo chí trong và ngoài nước được đi máy bay tàu chiến của quân đội.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, đã triển khai các công tác thông tin ngay sau khi vụ việc xảy ra. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Việt Nam cho phép tàu của Trung Quốc vào vùng biển nghi có tai nạn để điều tra.

Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, nếu phát hiện tàu bay tai nạn tại vùng biển Việt Nam, Việt Nam sẽ nhận trách nhiệm điều tra tai nạn. Việc điều tra vụ tai nạn sẽ gồm số lượng công việc đồ sộ như tập hợp những mảnh vỡ còn xót lại, nạn nhân và nơi ăn chốn ở cho thân nhân người bị nạn (khoảng 800 người).

Đề nghị mở rộng vùng tìm kiếm máy bay mất tích ảnh 1

Ảnh: Sỹ Lực

Phú Quốc là điểm phù hợp nhất vì có sân bay quốc tế, gần nơi nghi vấn xảy ra tai nạn.

Cơ cấu của ủy ban điều tra tai nạn do Việt Nam chủ trì vá các quốc gia sở hữu máy bay, quốc gia sản xuất máy bay, các quốc gia liên quan như Trung Quốc.

Ông Lại Xuân Thanh phủ nhận thông tin máy bay vào đất liền vì theo ông Thanh, khi máy bay mất tín hiệu nhưng vào đất liền sẽ được phát hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Hiện chưa xác định được máy bay rơi hay không nên vẫn tiếp tục triển khai thu thập thông tin, ngoài việc tiếp cận với vết dầu loang; vật thể lạ.

Về công tác tìm kiếm, cần triển khai an toàn vì rất nhiều lực lượng của các quốc gia khác nhau tham gia. Duy trì tìm kiếm 24/24 giờ; lúc nào cũng phải suy nghĩ nạn nhân vẫn còn cơ hội sống xót.

Việc chuẩn bị cho giai đoạn 2 (cứu nạn), Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc để không bị động.

“Các thông tin hiện nay rất sơ sài, vùng biển nghi bị tai nạn được cho là chỉ sâu 40 m. Máy bay cao hoàn toàn có thể thấy máy bay bị nạn mà vẫn chưa thấy. Vì vậy, cần mở rộng vùng tìm kiếm” – Phó Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG