Công bố của Bộ Tài nguyên về nguyên nhân cá chết là có cơ sở

Tảo nở hoa tạo bọt (Phaeocystis globosa)tấp vào bờ trong vùng biển Bình Thuận tháng 8/2005. Ảnh:Nguyễn Ngọc Lâm.
Tảo nở hoa tạo bọt (Phaeocystis globosa)tấp vào bờ trong vùng biển Bình Thuận tháng 8/2005. Ảnh:Nguyễn Ngọc Lâm.
"Có loại thủy triều đỏ thấy được bằng mắt thường, nhưng cũng có loại vi tảo độc hơn xyanua hủy hoại sinh vật biển mà chưa cần nở hoa", GS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải dương học có 20 năm nghiên cứu về thủy triều đỏ cho biết.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố một trong hai nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là thủy triều đỏ. Ông nhận định thế nào về nguyên nhân này?

- Từ năm 1995, tôi và đồng nghiệp đã nghiên cứu về tảo độc và hiện tượng tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ. Hai loại này đều được xếp vào nhóm tảo gây hại. Nhiều đợt thủy triều đỏ có thể nhìn thấy qua sự biến đổi màu của nước còn tảo độc tồn tại "thầm lặng" trong môi trường biển, ở mức độ nào đó khi bùng phát sẽ gây hiện tượng cá chết hàng loạt mà khó quan sát bằng mắt thường.

Tảo nở hoa quá dày khiến nước có mùi tanh và hôi thối, thưa thì mùi nhẹ hơn. Năm 2002, tảo nở hoa trong vùng biển phía Bắc của Tuy Phong (Bình Thuận) khiến người đi đường cách xa 5 km đã thấy hôi, thậm chí dây bạc người dân đeo trên người cũng bị ôxy hóa.

Nhiều loài vi tảo chứa độc tố mạnh gấp 50.000 lần xyanua, mạnh hơn cả nấm độc hay nọc rắn hổ mang, có thể hủy hoại đời sống thủy sinh ở một mật độ tảo nhất định mà không cần đến sự nở hoa của chúng. Do vậy, công bố của Bộ Tài nguyên có thể có cơ sở.

Công bố của Bộ Tài nguyên về nguyên nhân cá chết là có cơ sở ảnh 1

GS.TS. Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải dương học có hơn 20 năm nghiên cứu về hiện tượng tảo nở hoa.

- Thủy triều đỏ thường kết thành từng đám khổng lồ, làm nước đổi màu, có mùi hôi tanh và làm cá tầng mặt chết, nhưng ở bốn tỉnh vừa qua cá chủ yếu chết ở tầng đáy, không có biểu hiện đặc trưng nêu trên, điều này được lý giải ra sao?

- Gọi là thủy triều đỏ nhưng nước biển không nhất thiết có màu đỏ bởi không phải tất cả hiện tượng nở hoa đều giống nhau. Tùy thuộc vào mật độ và loài tảo có thể khiến nước biển đổi màu xám như mùn cưa, nâu hay xanh lục đậm như màu nước rau má xay... Có loài hình thành những đám bọt trắng như bông tắp vào bờ (Phaeocystis globosa), có loài tạo thành những vết loang rộng và kéo dài hàng chục km (Noctiluca scintillans, Trichodesmium erythraeum).

Thủy triều đỏ khiến cá chết hay không phụ thuộc mật độ nở hoa dày hay thưa của tảo; tảo có hay không có độc tố. Cá tầng đáy vẫn có thể bị chết nếu xác tảo nở hoa lắng chìm xuống đáy quá dày, che phủ nền đáy khiến cho quần xã sinh vật đáy bị hủy diệt, không riêng gì cá. Trường hợp này đã được ghi nhận trong vùng biển Bình Thuận vào tháng 7/2002 và tháng 9/2007.

- Lịch sử ghi nhận các đợt bùng phát thủy triều đỏ ở Việt Nam như thế nào?

- Hơn 20 năm nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận thủy triều đỏ xuất hiện tại nhiều thủy vực ven bờ Việt Nam, như Bình Thuận, kéo dài dọc bờ biển từ vài chục đến cả trăm km, song hành với hiện tượng cá chết. Năm 2002, chúng tôi cũng phát hiện loài tảo Heterosigma akashiwo bùng phát trong vùng cửa sông Bé, Đồng Bò (Nha Trang, Khánh Hòa) gây chết hàng loạt tôm nuôi. 

Mới đây, trong vùng biển Bến Tre, Trà Vinh cũng có hiện tượng này. Nếu nói về tần suất, biển Bình Thuận xuất hiện thủy triều đỏ nhiều nhất cả nước, gần như hàng năm đều có, thường từ tháng 7 đến 9. Ở Bến Tre mức độ thủy triều đỏ không dày. 

Còn khu vực bắc miền Trung chưa có tư liệu nào nói về hiện tượng này. 

- Khả năng bùng phát vi tảo độc gây thủy triều đỏ ở 4 tỉnh miền Trung có cá chết hàng loạt ra sao?

- Rất khó để xác minh sự bùng phát tảo gây hại vì sự việc xảy ra gần một tháng. Tôi đã nhận được một số hình ảnh chụp tế bào tảo do một số đơn vị chuyên môn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gửi nhưng chưa nói lên được điều gì, vì chất lượng ảnh không tốt. Hiện nay, Viện Hải dương học đã tham gia thu thập mẫu vi tảo ngày 26-27/4/2016 trong vùng Vũng Áng (Hà Tĩnh), các kết quả sau cùng sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Chúng tôi đã nhờ các đồng nghiệp ở Mỹ cung cấp ảnh vệ tinh thể hiện sự nở hoa ven bờ của tảo ở các khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Nhưng rất tiếc khoảng thời gian từ 25/3/2016 đến 25/4/2016 không phát hiện được gì vì toàn bộ khu vực bị mây và sương mù che phủ.

Biển miền Trung có nhiều vũng vịnh lưu thông nước chậm, cường độ ánh sáng đủ cùng nhiều hoạt động của con người ngày càng gia tăng có thể tạo điều kiện cho sự bùng phát vi tảo gây ra thủy triều đỏ.

Thủy triều đỏ có thể trôi theo dòng hải lưu hoặc bị gió thổi đi. Nếu cấu tạo bờ biển Bình Thuận có nhiều mỏm đá lồi lõm tự nhiên dồn tảo vào khu vực lõm, rộng khoảng 5-7 km thì 4 tỉnh bắc miền Trung có đường bờ biển cong. Nếu tảo nở hoa ở bắc miền Trung thì có thể cứ thế di chuyển, không dồn tụ lại.

Công bố của Bộ Tài nguyên về nguyên nhân cá chết là có cơ sở ảnh 2

Sự bùng phát tế bào tảo sợi bámPhaeocystis cf. globosalàm nước biển có màu đỏ nâu. Hiện tượng này kéo dài gần 20 km từ Hòn Rơm cho đến Phú Hải (Phan Thiết, Bình Thuận) vào tháng 9/2006. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lâm -Đoàn Như Hải.

- Điều kiện nào dẫn đến sự bùng phát các loại tảo độc hoặc gây hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ)?

- Do nhiều yếu tố, chủ yếu là sự bùng phát về số lượng tảo trong nước. Điều kiện thích hợp về dinh dưỡng như nitrates, phosphates, bức xạ mặt trời và khối nước không xáo trộn... là các nguyên nhân có thể thúc đẩy quá trình phát triển nhanh của các loài vi tảo gây ra thủy triều đỏ.

Thống kê cho thấy, tần suất xuất hiện của thủy triều đỏ tỷ lệ thuận với sự gia tăng dân số của một khu vực và có liên quan đến hoạt động của con người, như xả thải, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, nhà hàng, nuôi trồng khai thác thủy sản. Việc xả thải của con người vào môi trường biển khiến nguồn dinh dưỡng cho tảo gia tăng, gây bùng phát tảo độc hoặc thủy triều đỏ.

Nhiều loài vi tảo có khả năng sản sinh độc tố, gây hại cho đời sống thủy sinh và con người chỉ ở mức độ vài trăm ngàn tế bào trong một lít nước. Trong khi đó tảo nở hoa gây hại có mật độ lên hàng trăm triệu tế bào trong một lít.

- Tác động của thủy triều đỏ với môi trường biển và con người như thế nào?

- Đây là hiện tượng tự nhiên có tác động đến nền kinh tế biển gồm du lịch, nuôi trồng thủy sản, nguồn lợi tự nhiên. Thủy triều đỏ có thể tàn phá khu hệ thực vật và động vật của một khu vực biển, sức khỏe của hệ sinh thái.

Nhiều loài vi tảo có độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người do tiêu thụ nguồn hải sản trong vùng nở hoa. Thực tế từng ghi nhận, hơn 80 người ở Bình Thuận bị nhiễm độc da do tắm nước biển có tảo nở hoa mà không biết.

Nếu thực sự xác định thủy triều đỏ là nguyên nhân gây chết cá ở 4 tỉnh miền Trung thì giải pháp tốt nhất chỉ là phải có một chương trình giám sát thường xuyên các yếu tố môi trường, sự bùng phát mật độ của vi tảo để có biện pháp cảnh báo sớm tác hại do chúng gây ra. Không thể cứ để mất bò mới lo làm chuồng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG