> Dùng đường bộ “buôn bán” với dân
> QL1 sẽ 'chi chít' trạm thu phí
Lãnh đạo Bộ GTVT lý giải 120 nghìn tỷ đồng để nâng cấp-mở rộng 1.700 km không thể lấy nguồn từ ngân sách nhà nước. Bài toán mà Chính phủ giao: Không có tiền trong bối cảnh khó khăn này, tự tìm nguồn để triển khai, khó giải hơn bao giờ hết.
Đương nhiên, chuyện kêu gọi đầu tư BOT hay nhà nước và tư nhân cùng làm (PPP) là xu hướng chung trên thế giới. Ở Mỹ hay các nước châu Âu, những tuyến đường cao tốc thẳng tắp, rộng thênh thang cũng có bàn tay của tư nhân.
Tuy nhiên, người dân ở những nước đó có quyền lựa chọn lộ trình theo túi tiền. Ở Việt Nam, cũng có vài đoạn đường tương tự thế này. Ví dụ, xuất phát từ Hà Nội đi Ninh Bình, nếu sang có thể chọn cao tốc mới với giá cao; ít tiền đi QL1A mới song song bên cạnh; không mất tiền có thể đi QL 1 cũ hoặc đường HCM.
Thế nhưng, từ Bắc vào Nam, QL 1A gần như độc đạo. Theo chuyên gia ngành GTVT, đường huyết mạch và quan trọng, nhà nước cần đầu tư bằng tiền ngân sách. Hơn nữa, người dân đã phải đóng đủ loại phí, trong đó có khoản phí bảo trì đường bộ. Nay mai lại đóng cho 21 trạm BOT là một điều choáng váng quá sức người dân.
Con đường huyết mạch Bắc - Nam sau ngót 40 năm giải phóng vẫn nhỏ hẹp, vẫn ôtô đấu đầu nhau gây bao tai nạn thảm khốc. Việc mở rộng QL1 lên 4 làn hay nhiều hơn nữa là điều cấp thiết cho một đất nước hình chữ S với hơn 90 triệu dân. Song, liệu có nguồn huy động ODA hay trái phiếu chính phủ nào khác, thay vì “băm nát” con đường huyết mạch cho tư nhân?
Bài toán không dễ giải nhưng dường như người dân mới là đáp số. Ở đâu đó, bài toán Vinashin với khoản nợ 80 nghìn tỷ đồng (thêm 40 nghìn tỷ đồng nữa là bằng số tiền nâng cấp, mở rộng toàn tuyến QL 1A) giải chưa xong, lại xuất hiện thêm Vinalines. Có lẽ chỉ có người dân oằn lưng để gánh là lời giải nhãn tiền mà thôi.