Trí tuệ của toàn dân

Trí tuệ của toàn dân
TP - Hiến pháp hiểu nôm na là bộ luật gốc, là nền tảng pháp lý - chính trị cho mọi thỏa ước, điều luật dưới nó của một quốc gia.

> Xem toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
> Bộ Chính trị chỉ thị tổ chức lấy ý kiến nhân dân

Chính vì vậy Hiến pháp phản ánh ý chí chung của toàn xã hội, là bộ luật căn bản nhất một đất nước dân chủ, nếu không có nó thì nhà nước và xã hội không thể vận hành được.

Ý thức rõ tầm quan trọng lớn lao đó, ngày 3-12-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Trong đó nêu rõ mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm “phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp”.

Nghị quyết cũng quy định rất rõ ràng, cụ thể về tất cả các vấn đề liên quan như : Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nội dung và hình thức lấy ý kiến ra sao; đối tượng lấy ý kiến, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu, thời gian lấy ý kiến nhân dân và tổ chức thực hiện như thế nào.

Tiếp đó ngày 28-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2 - 1 - 2013 và kết thúc vào ngày 31 - 3 – 2013.

Chỉ thị khẳng định : “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến Pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Như vậy có thể hiểu “đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân” này đã chính thức được bắt đầu với một sự chuẩn bị nghiêm túc và hoàn toàn không hình thức. Những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, cả bộ máy chính trị, các cơ quan, đoàn thể xã hội đã sẵn sàng cho công việc hết sức hệ trọng này.

Vấn đề còn lại, ngoài sự chấp hành nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của các ban ngành hữu quan, chính là ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân. Đây là lúc quyền lợi chính trị, ý thức làm chủ và xây dựng đất nước của mỗi người dân cần được phát huy ở mức cao nhất.

Tin rằng, Hiến pháp sửa đổi tới đây, sẽ thực sự là kết tinh của trí tuệ, của tâm huyết các tầng lớp nhân dân, của cả dân tộc Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG