Hiến pháp phải do dân quyết định

Hiến pháp phải do dân quyết định
TP - Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp của tinh thần độc lập dân tộc và tự do dân chủ - khẳng định niềm khát vọng của nhân dân và cũng là mục tiêu của Đảng, của cách mạng Việt Nam.

> Nếu có chiến tranh, Quốc hội sẽ hành động thế nào?
> Xác định chín nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992
> Chính phủ họp chuyên đề về Dự thảo Hiến pháp

Đó là tất cả quyền bính ở trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực, trong đó có quyền lực Nhà nước. Bởi vậy, nhân dân phải là người quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước.

Việc làm ra Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp theo tôi là việc hệ trọng nhất trong các vấn đề hệ trọng của đất nước. Do vậy, Hiến pháp phải do nhân dân làm ra và quyết định.

Nói cách khác nhân dân phải là chủ thể của quyền lập hiến. Từ cách tiếp cận đó, Hiến pháp 1946 đã khẳng định nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp và những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia.

Kế thừa những giá trị căn bản nhất của Hiến pháp 1946, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc nền tảng, bất biến trong tất cả các bản Hiến pháp sau này.

Hiến pháp 1992 đã tái xác lập quyền của công dân biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay quyền dân chủ trực tiếp quan trọng này của công dân chưa được cụ thể hóa bằng luật và chưa được thực hành trong đời sống chính trị của đất nước.

Dự thảo Hiến pháp cũng đã tách quy định về quyền của công dân biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân thành một điều riêng nhưng vẫn chưa minh định, khi nào và đối với những vấn đề gì thì Nhà nước phải trưng cầu ý dân như đã được quy định rõ trong Hiến pháp 1946. Do vậy, đây vẫn chỉ là quyền thụ động của người dân, việc có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào ý chí của nhà nước. Nhìn ra thế giới hiện nay có khoảng hơn 100 quốc gia với trình độ phát triển khác nhau có quy định bắt buộc phải đưa Dự thảo Hiến pháp hoặc việc sửa đổi Hiến pháp ra trưng cầu ý dân trước hoặc sau khi Quốc hội, Nghị viện thông qua. Tôi nhất trí với tờ trình về quy trình sửa đổi Hiến pháp lần này, tức là chỉ lấy ý kiến nhân dân như dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, những lần sửa đổi Hiến pháp sau này cần xem xét trưng cầu ý dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua. Đây sẽ là sự kết hợp tốt nhất giữa thẩm quyền đại diện của Quốc hội và chủ quyền của nhân dân với việc nhân dân tự mình biểu quyết về cách sửa đổi Hiến pháp. Chỉ với một động thái này cũng là sự thể hiện cao nhất sự kính trọng của Quốc hội đối với nhân dân, với cử tri - những người bầu ra Quốc hội. Điều này sẽ đem lại những hiệu quả to lớn, có thể góp phần chấn hưng đất nước.

Nếu đề nghị nêu trên được chấp thuận thì có nghĩa Hiến pháp do nhân dân làm ra và biểu quyết thông qua. Do vậy, Hiến pháp là thiêng liêng, là “thần linh pháp quyền” của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm niệm.

Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG