Kể từ năm 2008, biến đổi khí hậu được nhận định đã, đang và sẽ gây ra các cơn bão khó lường hơn, mạnh hơn; nước biển dâng với các đợt sóng vỗ bờ lớn hơn được khẳng định là mối đe dọa hiện hữu cho các vùng ven biển nước ta.
Bão Sơn Tinh được xem là minh chứng mới nhất về dị thường của thiên tai. Đây là cơn bão di chuyển nhanh nhất trong 10 năm qua và mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Vào gần bờ, bão thường giảm cấp gió. Vậy mà, chạy ven biển miền Trung, bão Sơn Tinh liên tục tăng cấp gió trong khi ngoài khơi chỉ mạnh cấp 8. Cách bờ biển chỉ 100 km, có lúc gió bão gầm lên cấp 13-14. Chưa hết, nó lại chạy vờn ven biển.
Lường trước các bất thường như vậy, hàng loạt chỉ thị của Chính phủ yêu cầu các công trình xây dựng, trong đó có công trình ven biển, phải tính đến tác động của thiên tai kiểu mới.
Vậy mà bão Sơn Tinh cường độ gió giảm mạnh cũng đã tàn phá không ít công trình ven biển mới xây.
Có thể kể đến việc nó quật đổ sập hoàn toàn một tháp truyền hình cao 180 m ở tỉnh Nam Định ven biển trị giá 40 tỷ đồng khánh thành năm 2010. Một công trình mới toanh khác cũng không thoát họa. Đấy là một đê biển rộng chín mét dài 300 m trị giá 80 tỷ đồng.
Thân đê được gia cố bởi các khối đá hộc lớn, triền đê được tạo bởi các khối bê tông nặng hàng chục tấn. Vậy mà, lõi đê bị sóng bão lật trơ ra, uốn cong khỏi vị trí đường tâm đê, có nơi xa tới 60 m.
Trước khi bão tràn vào, đơn vị thi công còn kịp gia cố hàng trăm rọ đá và khối bê tông cản sóng cỡ lớn. Vậy mà con đê lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ này vẫn không thắng được con sóng.
Bão đi qua, chắc chắn sẽ phải có đánh giá kỹ hơn nguyên nhân các thiệt hại.
Bên cạnh nguyên nhân bất khả kháng trước sức tàn phá khôn lường của thiên tai, cái mà các chủ đầu tư và giám sát công trình phải nghiêm túc xem xét là thiết kế và thi công các công trình ấy có tính đến các yếu tố ứng phó với thiên tai kiểu mới hay không.