Lá phiếu của lòng dân

Lá phiếu của lòng dân
TP - Ngày 16 - 10, tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đòi hỏi bản lĩnh của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

> Những chức vụ nào được lấy phiếu tín nhiệm?

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cảnh báo, nếu không cẩn thận sẽ tạo ra hai khuynh hướng. Thứ nhất là cứ giữ tròn vo, không làm gì cả để lấy phiếu tín nhiệm cho cao. Thứ hai là đi vận động, tranh thủ hứa hẹn cái này cái kia để lấy phiếu.

Trả lời phỏng vấn Tiền Phong, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng, đây là bước tiến tích cực, nhưng đòi hỏi bản lĩnh của ĐBQH và cả người được lấy phiếu tín nhiệm. Nếu kết quả lấy phiếu không thuận lòng dân thì QH mất uy tín. Đây là sự thử thách cho chính QH.

Chúng ta đều biết việc lấy phiếu thăm dò để bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo đã được thực hiện tại nhiều cơ quan, đơn vị bấy lâu nay.

Trên thực tế, khuynh hướng mà Tổng Bí thư vừa cảnh báo cũng từng xảy ra ở nơi này, nơi khác. Khi đó, rất có thể người có năng lực, dám nói, dám làm sẽ khó có cơ hội thăng tiến, và thay vào đó là những cán bộ “tròn vo”, giỏi “vận động”, chạy chọt.

Suy cho cùng, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái, biến chất, tham nhũng, lãng phí...” như Nghị Quyết T.Ư 4 nhận định cũng từ đó mà ra.

Thực tiễn cho thấy rằng, người có phiếu tín nhiệm 60-70% chưa hẳn đã là kém hơn người có số phiếu 99 hay 100%. Còn nhớ tại kỳ họp QH lần thứ 9 khóa XI năm 2006, ông Nguyễn Sinh Hùng (khi đó là Bộ trưởng Tài chính) chỉ được 58% số phiếu bầu phê chuẩn chức vụ Phó thủ tướng.

Trả lời phỏng vấn Tiền Phong khi đó rằng “ông có suy nghĩ gì khi số phiếu bầu cho ông không được cao ?”, ông Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói : “Nói thật, công việc tôi được giao trong thời gian qua khá rộng. Những việc tôi làm có việc thành công, có việc thất bại, có điểm tốt, có điểm chưa tốt. Nếu những việc chưa tốt là non nửa, ứng với số phiếu không được bầu là non nửa thì đó là bình thường...”.

Đúng vậy, càng làm nhiều, dám làm thì xác suất việc thất bại càng cao, hay nói cách khác chỉ có người không dám làm gì thì sẽ không có khuyết điểm, không bị chê mà thôi.

Ở tầm cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là QH, vấn đề bản lĩnh, trách nhiệm của ĐBQH và cả người được lấy phiếu tín nhiệm lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Dự kiến 49 vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước sẽ được lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Một cơ chế thông tin đầy đủ, chính xác những việc làm được và chưa làm được của những người được lấy phiếu tín nhiệm; trình độ, bản lĩnh, sự công tâm thực hiện trọng trách dân giao phó cho các ĐBQH là điều kiện cần và đủ để gần 500 lá phiếu trên nghị trường phản ánh trúng lòng dân, gần 90 triệu đồng bào.

Nếu Nghị quyết lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua tại kỳ họp này, trọng trách không chỉ đặt trên vai 49 vị lãnh đạo chủ chốt, mà cả trên vai 500 ĐBQH trước mỗi kỳ giám sát của toàn dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.