Lạc quan từ sự thẳng thắn, cầu thị

Lạc quan từ sự thẳng thắn, cầu thị
TP - “Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành....”

> Chờ đợi quyết tâm của Thủ tướng

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhận lỗi tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng thứ hai (22-10). Thủ tướng cũng thể hiện quyết tâm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ “nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm”.

Thái độ cầu thị nhận lỗi để sửa chữa này của người đứng đầu Chính phủ được dư luận hoan nghênh.

Tròn một tuần trước đó trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã cầu thị và thẳng thắn khi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư “thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng và toàn dân về tất cả những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, về những suy thoái, hư hỏng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Lần đầu tiên cả Bộ Chính trị đã thống nhất tự giác xin nhận kỷ luật về những khuyết điểm của mình. Điều đó thể hiện tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, gương mẫu và quyết tâm cao của cá nhân và tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng trước nhân dân.

Việc thẳng thắn phê bình và tự phê bình, cầu thị nhận lỗi của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Thủ tướng và Chính phủ cũng chứng tỏ sự kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng và quyết tâm chính trị lớn vượt qua khuyết điểm và khó khăn để đưa đất nước đi lên trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước.

Lịch sử của Đảng cho thấy, một khi Đảng tự nhận ra sai lầm, khuyết điểm và tự nghiêm khắc, quyết tâm khắc phục, sửa chữa thì sức mạnh của Đảng càng được nâng lên; nhân dân càng tin yêu và ủng hộ Đảng.

73 năm trước, trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu tư tưởng, điều quan trọng là phải biết tự phê bình, “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi”.

Và “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng… Và dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật”.

Khi cải cách ruộng đất phạm phải sai lầm vì giáo điều, báo cáo ở Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận trách nhiệm và tự phê bình trước toàn dân. Người khẳng định: “Một đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có và tìm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm đó, như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Và Đảng ta đã từng làm được điều ấy để có đất nước thống nhất, độc lập toàn vẹn lãnh thổ, rồi sau đó là thành tựu kinh tế xã hội của công cuộc đổi mới.

Giờ đây, khi đất nước đứng trước những thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức, trong đó có nạn tham nhũng, việc suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên..., nhân dân mong mỏi và vẫn luôn tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam- một đảng sinh ra từ nhân dân, nguyện chiến đấu quên mình vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phấn đấu hết mình vì lợi ích của nhân dân, biết nghiêm túc tự phê bình, cầu thị nhận lỗi để sửa chữa, vượt lên.

Tập thể lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và những người đứng đầu đã thẳng thắn, cầu thị nhận lỗi để sửa chữa, khắc phục, thì vớisự đoàn kết trong Đảng, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng ắt sẽ thắng lợi, đưa đất nước phát triển đi lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG