Không thể chậm trễ

Không thể chậm trễ
TP - Đóng góp ý kiến cho Hội nghị Trung ương 6, nhiều GS đầu ngành, trí thức lớn đã lên tiếng bày tỏ sự sốt ruột, âu lo về thực trạng giáo dục nước nhà.

> Nỗi lo giáo dục

GS Hoàng Tụy cảnh báo: “Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn là đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh”.

GS cho rằng, điểm lạc đường của giáo dục nước nhà bắt đầu từ triết lý giáo dục. Nhà trường không thể chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy cách làm người.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình kêu gọi sửa đổi chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo, đổi mới công tác đào tạo giáo viên.

GS Chu Hảo đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia về cải cách giáo dục độc lập với Bộ GD&ĐT để thực hiện tổng điều tra thực trạng giáo dục ngay trong năm 2013, trên cơ sở đó soạn thảo đề án tổng thể về cải cách giáo dục vào năm 2014, sau khi Quốc hội thông qua sẽ thực hiện từ năm 2015.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, liên quan đến vấn đề giáo dục, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Có một loạt câu hỏi đặt ra cần được thảo luận, làm rõ như: Vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ? Phạm vi, mục tiêu, yêu cầu của mỗi đề án thế nào? Đổi mới căn bản là gì, toàn diện là gì?...”.

Tổng Bí thư yêu cầu, để giải đáp được những câu hỏi nêu trên một cách đúng đắn, cần có sự đánh giá toàn diện, khách quan; “làm rõ vì sao giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến nay vẫn chưa thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển? Vướng mắc chính ở chỗ nào?”.

16 năm qua, kể từ khi Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến năm 2010, một thế hệ học sinh, sinh viên đã kịp là “khách hàng” của hệ thống giáo dục-đào tạo Việt Nam từ mẫu giáo tới hết đại học.

Nếu đổi mới giáo dục thành công, đúng hướng, lẽ ra chúng ta đã có một nguồn nhân lực chất lượng tốt cho đất nước. Tiếc thay, lại một thế hệ nữa trôi qua trên ghế nhà trường, song những bất cập, hụt hẫng trong giáo dục-đào tạo vẫn còn đấy, thậm chí còn có phần gia tăng đáng lo ngại.

Nói điều này để thấy rằng, chỉ vài ba nhiệm kỳ của người đứng đầu ngành giáo dục trôi qua, một thế hệ công dân mới, một nguồn nhân lực mới, mang đầy đủ đặc tính hay, dở của nền giáo dục đó lại xuất hiện.

Sản phẩm đầu ra của ngành giáo dục là con người, chính vì vậy không cho phép chúng ta loay hoay thử nghiệm hoặc đi sai đường.

Cải cách toàn diện giáo dục nước nhà. Không thể chậm trễ hơn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG