> Nỗi đau ở xã có tám học sinh chết đuối thương tâm
Cái chết thương tâm của các em chỉ diễn ra sau vài ngày tiếng trống khai trường. Mỗi năm, có hàng nghìn đứa trẻ vì bất cẩn, vì sự lơi lỏng và thiếu trách nhiệm của người lớn…đã mãi mãi ra đi như vậy.
Con số tử vong do đuối nước được cảnh báo từ 10 năm qua, sau khi các số liệu cho thấy nó là tai nạn thương tích đáng sợ khi chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Đáng sợ hơn, tai nạn này lại diễn ra chủ yếu ở trẻ em trong độ tuổi từ 2-16 tuổi.
Mỗi ngày trung bình có 10 trẻ chết do đuối nước. Thế nhưng đến năm 2010, Bộ GD&ĐT mới bắt đầu triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh. Dù hơi muộn nhưng đề án cũng tạo ra nhiều kỳ vọng. Thế nhưng sau 2 năm triển khai đề án, tỷ lệ tử vong do tai nạn này ở học sinh vẫn không giảm.
Đề án dạy bơi sẽ xây dựng thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng theo cụm trường và hướng đến việc tổ chức dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học.
Đối tượng dạy bơi trong giai đoạn năm 2010 - 2015 trước hết là học sinh khối lớp 4 và mở rộng dạy bơi cho khối lớp 3 và lớp 5. Thời gian tổ chức dạy bơi là vào dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần, hoặc có thể lồng ghép các tiết dạy bơi vào chương trình môn học giáo dục thể chất…
Ai cũng đồng tình với việc nên phổ cập hay “xóa mù” bơi cho học sinh, đặc biệt ở bậc tiểu học. Nhưng sau hai năm triển khai tại thành phố gần 10 triệu dân như TPHCM, trong gần 1 nghìn trường tiểu học mới có 20 trường xây hồ bơi để dạy cho các em và đến nay cũng chỉ có 40 trường trong số này “xóa mù bơi”.
Vậy là khi nhà trường gần như “đuối” vì dự án cho trẻ học bơi, bố mẹ các em lại phải đuối trong chốn mưu sinh, thì chính những học sinh mỏng manh phải đứng trước những rình rập của đuối nước.