Nhưng nguyên nhân chính là phản ứng chậm đến mức khó hiểu của các cấp có trách nhiệm.
Một dự án nâng cấp 36 trạm quan trắc động đất toàn quốc phấn đấu đến năm 2012 sẽ xong. Mục tiêu đó bị lùi lại đến năm 2015. Đã thế, lại bị giảm còn 30 trạm vì thiếu kinh phí. Các cấp ra quyết định không mặn mà có thể do động đất ít xảy ra ở VN?
Thế nhưng, kể từ khi chính quyền Bắc Trà My tưởng lầm những tiếng nổ ầm ầm bất thường là do bọn trộm đánh mìn bắt cá hồi tháng 11-2011, người ta ghi nhận được 52 trận động đất, nhiều nhất từ trước đến nay tại vùng thủy điện Sông Tranh.
Có lẽ ít ai biết, trong số 52 trận động đất, Viện VLĐC chỉ ghi nhận được 12 trận. 40 trận còn lại được suy đoán từ máy móc của Ban Quản lý Dự án Thủy điện (QLDA) đặt ở đập Sông Tranh 2 vốn không phải để đo động đất. Nếu các máy của Ban QLDA được đặt ngay từ tháng 11-2011, số các trận động đất đo được gián tiếp còn nhiều hơn.
Không quan trắc được các trận động đất chẳng khác nào bịt mắt các nhà khoa học, đẩy họ vào tình thế đoán mò là chính. Đến thời điểm này, Viện VLĐC chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào khẳng định nguyên nhân các trận động đất hàng loạt vừa qua.
Hàng loạt kiến nghị cấp bách lắp năm trạm đo động đất trị giá có hai tỷ bạc tại vùng thủy điện Sông Tranh 2. Không hiểu sao đều rơi vào im lặng. Địa phương thì lấy lý do việc này vượt quá sức cả về năng lực lẫn tài chính của cơ sở. Chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực VN (EVN), thì lo sửa chữa đập. Theo dõi động đất dường như không phải là việc của họ? Viện VLĐC đề xuất lên Bộ Khoa học&Công nghệ thì được bảo chờ.
Hết đại gia EVN đến Bộ KH&CN với quỹ hỗ trợ phát triển KHCN đầy ắp hàng trăm tỷ đồng, tất thảy đều chậm trễ, đủng đỉnh trước một đề án nhằm cứu dân khẩn cấp với số tiền rất nhỏ. Vì sao vậy?
Chậm trễ lắp đặt các trạm đo động đất giữa lúc hàng vạn người dân đang hoang mang lo sợ, giữa lúc thiết bị đã về đến Nội Bài nhiều tháng nay, đó là sự vô trách nhiệm, vô cảm trước tính mạng người dân.