Chóng mặt vì một bó hoa ly vàng chỉ trong vòng 3-4 ngày giá đã tăng gần 30% và đến nay chưa có điểm dừng. Mai vàng, quýt kiểng…cùng những loài hoa Tết truyền thống của miền nắng ấm Nam Bộ giá mỗi ngày mỗi lên cao. Ở các tỉnh miền Bắc, đào, quất được dự báo sẽ tăng giá gấp nhiều lần với lý do được đưa ra là bị ảnh hưởng bởi những đợt rét đậm, rét hại đang hoành hành.
Hàng hóa thiết yếu tăng giá vù vù vào dịp Tết vốn là quy luật nhiều năm lại đây. Hoa kiểng không là ngoại lệ. Giá vật tư, nhân công, phân bón mỗi năm một tăng. Dịp Tết, lượng lớn tiền mặt được bơm ra thị trường, nhu cầu mua sắm hoa kiểng của người dân tăng vọt, đẩy giá hàng hóa lên cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định giá hoa Tết hiện đang bị “thổi” và được định đoạt bởi chính người trồng và các tư thương chứ không thông qua công cụ điều tiết cung - cầu vì sản phẩm vẫn chưa được đưa ra thị trường.
Tại TPHCM, năm nào triều cường chẳng làm vỡ bờ bao, gây thiệt hại cho người trồng mai. Còn ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng rét đậm, rét hại vẫn diễn ra hàng năm. Song, có một thực tế là chưa có năm nào người dân thiếu mai, thiếu đào, thiếu hoa chưng Tết. Điều đó còn lý giải vì sao mọi năm, giá hoa Tết ban đầu cao ngất ngưởng. Càng gần giao thừa, càng xuống…
Không chỉ hoa thật, hoa giả trên thị trường cũng nhân cơ hội này để tăng giá vô tội vạ. Tình trạng các loại hàng hóa lợi dụng dịp lễ Tết để tăng giá đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân, nhất là những người làm công ăn lương, thu nhập không theo kịp đà tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Chương trình bình ổn giá của Chính phủ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm nay đã góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân song nỗi lo cơm áo gạo tiền của người thu nhập thấp chưa hẳn đã bình ổn.
Để bớt lo toan, đón nhận cái Tết đầm ấm, ý nghĩa, mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông minh; tỉnh táo trước ma trận giá hàng hóa để những nhành hoa mang hương sắc xuân đem lại hạnh phúc chứ không là gánh nặng của mọi nhà khi Tết đến, xuân về.