Bò tót húc chết người rồi lăn ra chết vì kiệt sức?

Cá thể bò tót quý hiếm đã chết vì đói và kiệt sức khi lạc đường xuống đồng bằng. Ảnh: Nguyễn Thành
Cá thể bò tót quý hiếm đã chết vì đói và kiệt sức khi lạc đường xuống đồng bằng. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Bò tót chết vì đói, khát và kiệt sức là nhận định của đa phần cán bộ kiểm lâm có mặt tại hiện trường ở thôn Đại An (Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam) sau khi đã húc chết 1 người và làm 4 người khác bị thương.

Câu chuyện bò tót về đại náo làng Đại An (Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam) rồi bất ngờ lăn đùng ra chết trở thành mối quan tâm của nhiều người. Bò tót xuất hiện từ vùng núi rừng Đông Giang hơn 2 tháng trước và rồi chết thê thảm ở đồng bằng sau khi đã húc chết 1 người và làm 4 người khác bị thương.


Kiểm lâm “chăn” bò tót

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014 cá thể bò tót này xuất hiện ở xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang (Quảng Nam) phá hoại hoa màu của dân. Với người dân vùng cao, bò tót xuất hiện ít ai tò mò, hiếu kỳ như khi nó lạc xuống đồng bằng ngày 26/5.

Bò xuất hiện ở Đông Giang, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam với chức năng của mình lập tức cắt cử người để theo dõi hướng đi, hoạt động của bò tót. Hơn 2 tháng sau cá thể bò tót này cắt rừng xuống đồng bằng. Cán bộ kiểm lâm Quảng Nam cũng phải băng rừng theo. Tất cả chỉ để theo dõi và báo cáo với cơ quan chức năng và thông báo cho người dân địa phương phòng tránh.

Biện pháp ngăn chặn hướng đi của bò theo các cán bộ kiểm lâm là không thể bởi nhiều lý do, trong đó có việc, đây là động vật quý hiếm được các chuyên gia thống nhất bảo tồn tại chỗ. Mọi hành vi tác động ảnh hưởng đến cá thể bò này đều vi phạm quy định trong bảo tồn động vật quý hiếm.

Ông Nguyễn Văn Hoan, một cán bộ kiểm lâm Quảng Nam tếu táo: “Từ khi bò tót xuất hiện, bò đi đâu chúng tôi theo đó. Kiểm lâm đi chăn bò!”.

Người dân quá hiếu kỳ

Sáng 26/5, bò tót xuất hiện ở Đại An (Đại Lãnh). Việc bò tót xuất hiện được Chi cục kiểm lâm thông báo trước đó hơn 10 ngày. Tuy nhiên, theo người dân Đại An và gia đình các nạn nhân bị bò tót húc, chỉ khi nó húc chết người thì họ mới nghe loa xã thông báo.

Bò tót về làng, với người dân đồng bằng đó là một sự kiện thu hút sự hiếu kỳ. Một thanh niên bị bò húc chết và 2 người khác bò húc bị thương, không làm ai khiếp sợ. Cỗ quan tài được kéo đi qua đám đông về nhà nạn nhân cũng chẳng khiến người ta ngán ngại, mà ngược lại còn đổ xô đến đông như hội. Chưa bao giờ ở thôn nghèo này, đường sá lại bị tắc, dân chen lấn xếp hàng. Để rồi những xung đột tiếp tục xảy ra khiến 5 người thương vong.

Bò tót bị kích động và hung hăng là điều nhiều cán bộ kiểm lâm có mặt ở Đại An ngày 26/5 khẳng định. Đến nỗi có người nhận định, bò chết có khi cũng là cái…may, bởi đám đông quá hiếu kỳ, không thể giải tán! Chiều ngày 26/5, giả dụ bò tót vẫn khỏe mạnh và đi nghênh ngang như sáng cùng ngày thì hậu quả sẽ khôn lường, thương vong có thể sẽ tiếp tục xảy ra.

Trách nhiệm chung

Bò tót chết vì đói, khát và kiệt sức là nhận định của đa phần cán bộ kiểm lâm có mặt tại hiện trường ở thôn Đại An. Suốt 1 ngày trời bò tót quần thảo cả vùng đất ven sông Vu Gia, và chạy cả vào làng, phi như điên trên đường bê tông nóng hừng hực. Và bò tót chết trước khi đoàn công tác của Bộ vào để đưa phương án xử lý.

Chi cục kiểm lâm Quảng Nam và chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình. Ngay khi bò tót húc chết người, chúng tôi đã báo cáo khẩn cấp cho Cục và Bộ, trong ngày đoàn công tác Bộ đã có mặt. Tuy nhiên, việc bò tót chết là quá bất ngờ”.

Ông Phan Tuấn

Liên quan đến câu chuyện trách nhiệm, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, khẳng định: Chi cục kiểm lâm tỉnh đã làm hết sức và hết trách nhiệm của mình. Ngay từ đầu, đơn vị đã tăng cường lực lượng, theo dõi từng động thái của bò. Mọi di chuyển và hướng đi đều được cán bộ kiểm lâm ghi chép, thông báo đến từng địa phương để dân và chính quyền chủ động phòng tránh, tránh xung đột với bò tót gây nguy hiểm. Việc bò di chuyển từ Đông Giang xuống Đại Lộc đã được Chi cục biết trước, có văn bản thông báo cho các xã giáp ranh (trong đó có Đại Lãnh) từ cách hơn 10 ngày. Bò tót về trong đêm và tấn công người là tình huống bất khả kháng, và bò tót chết ngay trong ngày cũng là điều hết sức bất ngờ, không ai lường tới.

Cũng theo ông Tuấn, ngay từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi phát hiện bò tót ở Đông Giang, Chi cục đã tham mưu đề xuất với Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT các phương pháp bảo tồn di dời cá thể bò tót này. Tuy nhiên, phương án di dời được cho không khả thi, tốn kém và nhiều rủi ro. Phương pháp bảo tồn tại chỗ được các chuyên gia nhận định là khả thi nhất sau khi khảo sát ở Đông Giang.

Ngay khi phương án này được thống nhất, kiểm lâm tăng cường lực lượng theo dõi. Cao điểm vào ngày 26/5, Chi cục phải huy động gần 40 cán bộ về Đại Lãnh để khoanh vùng, theo dõi hướng đi của bò tót đồng thời chốt chặn để kịp thời ngăn chặn các xung đột giữa người và bò tót. Tuy nhiên người dân quá hiếu kỳ nên xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Chiều 27/5, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh đã quyết định chuyển giao xác bò tót cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ để đưa về Hà Nội làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu khoa học. Viện này sẽ có trách nhiệm giải phẫu, nghiên cứu xác định nguyên nhân bên trong gây ra cái chết của con bò tót và thông báo cho địa phương.
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.