Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, còn gọi là núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, nay thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Dạm được biết đến như một đại danh lam thời Lý, một ngôi chùa có 99 gian bề thế với tổng diện tích khoảng 8.400m2.
Lên thăm chùa, bước qua những lối mòn, những bậc đá trăm tuổi, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một công trình điêu khắc nổi tiếng: cột đá chùa Dạm.
Theo các nhà nghiên cứu, cột đá chùa Dạm được tạc vào thế kỷ XI có tên chữ là Lãm Sơn Tự. Cây cột đá giờ không còn nguyên vẹn như trước nhưng vẫn mang một giá trị nghệ thuật đặc sắc của điêu khắc thời Lý - một nền điêu khắc đặc sắc bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
Cột đá được đặt trên một khu đất rộng ngoài khuôn viên nhà chùa, một mặt tựa lưng vào núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát được cả một khoảng không rộng lớn. Cột cao khoảng 5m, phía dưới có hình trụ tròn chạm nổi đôi rồng uốn lượn: đầu vươn cao chầu về viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau.
Điều đặc biệt là đôi rồng này được khắc tạc nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc được chạm trổ một cách tinh xảo. Có lẽ vì thế mà khi chiêm ngưỡng công trình điêu khắc này, không ít người đã cảm nhận được sự kì bí và linh thiêng của nó. Lãm Sơn Tự mang trong mình chất hoành tráng và sự bí ẩn đến lạ lùng.
Có rất nhiều giả thuyết được các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu đưa ra khi tìm hiểu về cây cột đá này. Có giả thuyết cho rằng, cột đá chùa Dạm là một cột cờ, cũng có giả thuyết cho đó là cột đỡ của ngôi chùa một cột xưa kia.
Cũng có nhiều giả thuyết lại đồng tình với quan điểm cho rằng cột đá chùa Dạm là chiếc Linga (biểu tượng của dương vật). Đây là một biểu tượng trong tín ngưỡng phồn thực dân gian có nguồn gốc từ văn hóa Chăm Pa. Những tranh luận, giả thuyết sẽ vẫn còn được tiếp tục và cần một lời giải đáp thực sự cho câu chuyện về cột đá chùa Dạm.