Nhân dân – Chủ thể đặc biệt trong Hiến pháp

Nhân dân – Chủ thể đặc biệt trong Hiến pháp
TPO - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Nhân dân là một chủ thể đặc biệt, quan trọng trong Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua”.
Ngày 8/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày 8/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 31/12, phát biểu tại Hội thảo giới thiệu nội dung cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Ủy viên UBDTSĐ Hiến pháp năm 1992, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Nhân dân là một chủ thể đặc biệt, quan trọng trong Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua”.

Theo ông Phan Trung Lý, với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Kiểm soát quyền lực

Đặc biệt, trong Hiến pháp sửa đổi, Nhân dân là một chủ thể đặc biệt, vì vậy ngay từ Lời nói đầu cho đến các điều cuối cùng (Điều 120), danh từ Nhân dân được viết hoa một cách trang trọng nhất.

“Việc viết hoa danh từ Nhân dân thể hiện tư tưởng lấy con người là trung tâm, Nhân dân là chủ thể đặc biệt trong Hiến pháp. Vì vậy, ngay từ Lời nói đầu, Hiến pháp ghi rõ “Nhân dân Việt nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tại Điều 120, Hiến pháp quy định khi sửa đổi, dự thảo Hiến pháp phải đưa ra lấy ý kiến Nhân dân và trưng cầu ý dân” – Ông Lý nhấn mạnh.

Một điểm mới đáng chú ý theo ông Phan Trung Lý, Hiến pháp không chỉ khẳng định Nhân dân là người làm chủ Nhà nước mà để tránh cho quyền lực nhà nước bị lạm quyền đã khẳng định nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2).

“Việc bổ sung quy định kiểm soát quyền lực nhà nước là theo tinh thần Cương lĩnh phát triển đất nước (bổ sung năm 2011). Đây là điểm mới quan trọng của Hiến pháp (sửa đổi), bởi đây là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, tránh cho các cơ quan nhà nước lợi dụng, lạm dụng quyền lực” – PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Thực thi quyền con người

Tại Hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung, kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy Nhà nước; hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam) khẳng định, Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

“Chế định quyền con người, quyền và nghĩ vụ cơ bản của công dân có nhiều điểm mới. Tuy nhiên để bảo đảm thực hiện, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, sắp tới các cơ quan nhà nước cần rà soát, sớm soạn thảo các đạo luật về hội, về tự do ngôn luận, biểu tình, báo chí, tiếp cận thông tin và trưng cầu dân ý... để tạo hành lang pháp lý cho con người, công dân thực hiện các quyền của mình” – PGS Nghị nói.

Cùng với đó, theo PGS Nghị cho rằng, cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Hiến pháp sửa đổi về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Theo Viết
MỚI - NÓNG